Ngân hàng Nhà nước có thể "bóp" tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các NHTM để giảm tiếp lãi suất mặt bằng lãi suất cho vay. Nhưng mức độ thế nào là nghệ thuật điều hành của Thống đốc.
Năm 2014 chính sách tiền tệ ghi nhận kết quả đáng khích lệ từ kiểm soát tốt lạm phát, tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu, tỷ giá hối đoái ổn định, mặt bằng lãi suất giảm gần 2% so với năm trước. Bước sang năm 2015, với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2%, lạm phát 5% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt khoảng 13-15%.
Có nhiều yếu tố khiến cho nhu cầu tín dụng tăng chậm như sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu, ngân hàng e ngại cho vay do sợ bị nợ xấu, lãi suất cho vay vẫn còn cao so với với khả năng trả nợ của người vay. Trong điều kiện kinh tế đang ấm lên, lãi suất chính là yếu tố kích thích tăng cầu tín dụng nhưng dư địa để NHNN điều hành không còn nhiều.
Tại buổi tổng kết của NHTMCP Công thương đầu năm 2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã kêu gọi các NHTM tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay trung – dài hạn từ 1-1,5%/năm dựa trên những phân tích cơ cấu thực tiễn.
“Năm 2014 chúng ta đặt vấn đề hạ mặt bằng lãi suất nói chung có thể giảm từ 1-2%/năm thì cuối năm đúng là chúng ta đã giảm được. Năm 2015 chúng tôi tiếp tục đặt vấn đề hạ mặt bằng lãi suất, tuy nhiên chỉ là lãi suất cho các khoản vay trung – dài hạn”- Thống đốc nói.
Điều này sau đó đã được “mệnh lệnh” hóa tại chỉ thị 01/CT-NHNN của Thống đốc về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2015.
Tuy nhiên, với lạm phát mục tiêu là 5% thì lãi suất huy động đảm bảo thực dương sẽ phải từ 5,5 - 6%/năm. Với đầu vào lãi suất như vậy, cùng với biên lãi suất (NIM) được các ngân hàng thương mại áp khoảng 3-4%/năm thì lãi suất cho vay ra phải từ 9-10%/năm.
“Hãy tưởng tượng việc NHNN điều hành lãi suất cũng như chúng ta ăn 1 chiếc bánh hambuger được đặt trên bàn. Lãi suất huy động là miếng bánh phía dưới, lãi suất cho vay là miếng bánh phía trên còn NIM là phần ở giữa. Cái bánh đặt trên cái bàn cũng như lãi suất huy động phải cao hơn lạm phát. Chúng ta ăn bánh thì phải cầm chặt, ép 2 miếng bánh với nhau sao cho vừa miệng nhưng không nát. NHNN điều hành lãi suất cũng vậy” – một chuyên gia tài chính ngân hàng ví von.
Với lập luận như vậy, để giảm lãi suất cho vay NHNN có 2 cách: tiếp tục kéo lạm phát xuống và giảm biên lợi nhuận của NHTM.
“Lạm phát năm 2015 có thể được kiểm soát dưới 5% như kế hoạch nhờ yếu tố đầu vào nhất là giá dầu ủng hộ. Có lẽ giảm được 0,5-1% so với năm trước. Cái bàn đã thấp hơn một chút” – vị chuyên gia trên bình luận.
So với mục tiêu được Thống đốc đề ra vẫn còn khoảng cách nhất định. Dường như NHNN cũng đã chuẩn bị trước với quyết định nới tỷ lệ cho vay trung dài hạn trên huy động ngắn hạn từ 30% lên 60%.
NHNN cũng có thể bóp NIM của các NHTM để giảm tiếp lãi suất mặt bằng lãi suất cho vay.
“Tuy nhiên, siết thế nào là nghệ thuật vì nếu quá đà có thể khiến NHTM không có lợi nhuận thậm chí chịu thua lỗ” – vị chuyên gia này nhận xét.
Cung cầu mới là vấn đề “đối nội” của lãi suất, câu chuyện “đối ngoại” chính là tỷ giá. Năm 2015, lãi suất chịu sức ép lớn từ sự tăng giá của USD trên thị trường ngoại hối.
Chỉ trong vòng 6 tháng, USD đã tăng giá so với một loạt đồng tiền chủ chốt khác như 20% so với Yen Nhật, 15% với EUR và 12% với bảng Anh. Trong khi đó NHNN mới chỉ điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1% vào ngày 6/1/2015. Do đó, để đảm bảo giá trị của VND chống tình trạng Dollar hóa, lãi suất tiền gửi sẽ không thể quá thấp. Hiện nay, trần lãi suất USD cá nhân là 0,75%/năm thì mức chênh lệch 4-5%/năm là đủ hấp dẫn với người nắm giữ VND. Nếu thấp hơn sẽ rất khó đảm bảo người dân không chuyển sang nắm giữ ngoại tệ.
“Nên lãi suất hạ thấp chưa chắc đã tốt. Chỉ giảm đến một mức nào đó chứ đừng tham kéo tụt xuống. Khi đó muốn ăn bánh lại phải cúi lưng xuống lấy thì còn khó chịu hơn”- vị chuyên gia trên kết luận.
Vì thế, có thể kinh tế đã sáng sủa hơn nhưng chính sách tiền tệ vẫn còn nhiều thách thức và hạ lãi suất cho vay tiếp tục là bài toán khó cho Thống đốc trong năm Ất Mùi.
Thanh Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét