Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Chuyên gia Hàn Quốc: Việt Nam hấp dẫn vì văn hóa tương đồng

Chuyên gia Hàn Quốc: Việt Nam hấp dẫn vì văn hóa tương đồng


Không chỉ giống nhau về việc cùng ăn tết Nguyên Đán, văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc cũng khá tương đồng. Đó là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc đang tập trung sự quan tâm đến thị trường Việt Nam.


Trước thềm năm mới Ất Mùi, phóng viên Người Đồng Hành đã có cuộc phỏng vấn với ông Yun Hang Jin - Giám đốc khối thị trường mới nổi của Công ty Korea Investment & Securities (KIS) của Hàn Quốc một quốc gia cũng ăn tết âm lịch như Việt Nam, để tìm hiểu thêm góc nhìn của một chuyên gia tài chính Hàn Quốc về Việt Nam. Ông Yun cũng từng là chuyên gia tư vấn tài chính cho các tổ chức tài chính lớn tại Hàn Quốc như Quỹ Hưu Trí Quốc gia Hàn Quốc, Ngân hàng Quân đội Hàn Quốc, Ngân hàng Shinhan, Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Temasek.


Thưa ông, dưới góc nhìn của mình, ông thấy các nhà đầu tư Hàn Quốc coi môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện nay như thế nào, nhất là sau sự kiện báo cáo Vietnam Report mới đây công bố Samsung Electronics Vietnam là doanh nghiệp lớn thứ hai tại Việt Nam?


Nhìn chung, các nhà đầu tư Hàn Quốc khá quan tâm đến thị trường Việt Nam. Thứ nhất, khi đầu tư vào Việt Nam, họ thấy văn hóa Việt Nam và văn hóa Hàn Quốc khá là tương đồng, cho nên khi đầu tư vào có khá nhiều thuận lợi, chẳng hạn như về quản lý nhân công, quản lý nhân viên, văn hóa giao lưu giữa doanh nghiệp với nhau. Đó cũng là điều làm cho kinh doanh của doanh nghiệp được phát triển.


Thứ hai, hiện tại bên Trung Quốc giá nhân công đang ngày một tăng cao, tất nhiên lương tối thiểu của Việt Nam cũng tăng lên, nhưng so với Trung Quốc thì vẫn khá rẻ. Nên các nhà đầu tư Hàn Quốc có một xu hướng là rút đầu tư của mình đã có sang đầu tư tại Việt Nam. Đây là một yếu tố đang hỗ trợ cho nền kinh tế của Việt Nam.


Việt Nam mới ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) với một số nước như Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan và có thể năm nay là EU – những điều kiện đang hỗ trợ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, trong một bài thuyết trình gần đây, ông lại nhận định xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại, tại sao như vậy?


Đúng là những hiệp định thương mại Việt Nam ký kết sẽ là một động lực để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam, vì thế xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng chứ không phải giảm đi so với năm ngoái. Có nghĩa là Việt Nam vẫn tăng trưởng, chẳng hạn năm ngoái 10% nhưng năm nay chỉ 7%.


Tuy nhiên, phải xét tại sao xuất khẩu tăng lên nhưng không cao so với năm ngoái. Ở đây có một số lý do. Thứ nhất, các hiệp định FTA không hẳn là ngay sau khi ký kết sẽ được thực hiện. Kể cả việc Việt Nam và Hàn Quốc vừa ký FTA vào tháng 12 vừa rồi, nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa áp dụng. Chính phủ 2 nước cần đưa ra những quy định như mặt hàng này giảm về bao nhiêu, mặt hàng kia giảm về 0%. Tức là hiệu quả của nó cần phải có thời gian, có độ trễ. Chính vì thế nó chưa tác động ngay lập tức trong năm 2015, hoặc có tác động nhưng tác động muộn, có thể không phải nửa đầu năm mà là nửa cuối năm. Chính điều này làm cho xuất khẩu bị sụt giảm.


Thứ hai, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Nếu xem ở danh mục hàng hóa do Tổng cục Thống kê công bố, có thể thấy dầu thô là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất về kim ngạch. Cho nên nếu như giá dầu thô giảm một nửa như hiện nay, thì kim ngạch xuất khẩu cũng sẽ bị giảm theo. Điều này sẽ khiến cho tổng kim ngạch xuất khẩu tăng chậm lại.



Trong báo cáo Triển vọng Việt Nam 2015, KIS nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm 0,5% điểm phần trăm với kịch bản giá dầu ở mức 71,3 USD.






Sắp tới có khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất và gây ra rủi ro dòng vốn nước ngoài sẽ rút bớt khỏi Việt Nam. Để đối phó, Việt Nam đã tăng tỷ giá đồng USD thêm 1%, trong khi kế cả năm là phá giá 2%. Theo dự báo của ông thì khi nào Việt Nam sẽ dùng nốt chỗ dư địa đó?


Cũng khó có thể nói chính xác ngày tháng. Nhưng nếu dựa trên biến động trên thế giới, chẳng hạn hiện nay dự báo Mỹ sẽ tăng lãi suất vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 9 năm nay, chúng tôi cho rằng ngay trước hoặc ngay sau thời điểm Mỹ tăng lãi suất, Việt Nam sẽ tăng tỷ giá. Vì khi Mỹ tăng lãi suất lên, nó sẽ khiến cho nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi, và khiến cho đồng nội tệ tại các nước mới nổi giảm xuống. Và đây chính là một áp lực khiến cho Việt Nam buộc phải điều chỉnh tỷ giá tiền đồng.


Xin cảm ơn ông!


Chúc ông một năm mới An Khang – Thịnh Vượng!






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á