Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/2


Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/2 của các công ty chứng khoán.


BID: Triển vọng kinh doanh ổn định và sáng sủa hơn


CTCK MB (MBS)


BID là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao trong 4 năm gần đây. Trong quý IV/2014, BID đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và cán đích tăng trưởng tín dụng cả năm với 18,9%, đạt vượt mức kế hoạch và vượt xa dự phóng của giới phân tích.


Lợi nhuận trước thuế của BID đạt 6.065 tỷ, tăng 20% so với năm 2013. Năm 2015, BID đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 25%, và tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2,5%.


Ngoài nguồn thu từ tín dụng, BID còn có lãi thuần từ dịch vụ cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết. Trong giai đoạn từ 2010-2014, lãi thuần từ dịch vụ của BID tăng trưởng trung bình 12,4%, trong đó 2 năm liên tiếp 2013-2014 tăng trưởng với tốc độ 15,2%.


Tỷ lệ nợ xấu của BID được duy trì ở mức an toàn và giảm dần trong 3 năm qua. So với các ngân hàng khác, tỷ lệ nợ xấu của BID ở mức tốt là 1.8%.


Chúng tôi đánh giá triển vọng kinh doanh trong các năm tới của BID khá ổn định và sáng sủa nhờ các yếu tố sau:


Lãi suất tiết kiệm đang giảm nhanh hơn lãi suất cho vay, giúp cho ngành ngân hàng nói chung, và BID nói riêng cải thiện tỷ lệ lãi cận biên (NIM) và tăng lợi nhuận từ tín dụng.


Chi phí dự phòng rủi ro của BID sẽ giảm mạnh trong những năm tới nhờ BID đã tích cực trích lập dự phòng nợ xấu trong các năm trước và môi trường kinh tế của Việt Nam tiến triển khả quan.


BID: Triển vọng tích cực


CTCK BIDV (BSC)


BSC duy trì đánh giá triển vọng Tích cực với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID – sàn HOSE) như trong báo cáo Triển vọng ngành 2015 do (1) lợi nhuận tăng trưởng cao, (2) tiếp tục chính sách trích lập dự phòng khá cẩn trọng và (3) kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược trong Quý III/2015.


Kết quả kinh doanh 2014 khả quan: Lợi nhuận trước thuế đứng thứ 2 trong ngành, đạt 6,065 tỷ(+14.7%), ROE 14.5%. Thu nhập lãi ròng đạt 15 nghìn tỷ với tỷ lệ lãi cận biên(NIM) đạt 2.91% (trung bình ngành khoảng 2.8%). Tổng tài sản tăng 18%, tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế cả năm đạt 17% và tăng trưởng huy động vẫn đạt 30.2% dù lãi suất huy động liên tục giảm trong năm. Năm 2014 BID đã bán trên 6000 tỷ nợ xấu cho VAMC.


Số dư nợ xấu của Vinashin tại BIDV còn trên 700 tỷ và đã được trích lập 100%. Chi phí dự phòng cả năm khoảng 6100 tỷ, nâng tỷ lệ Dự phòng/Nợ xấu từ 69.5% lên 83%. Nợ xấu giảm mạnh còn 1.9%, thấp hơn nhiều trung bình ngành khoảng 3.9%. Tuy nhiên, tỷ lệ này dự báo tăng nhẹ trong Quý I do thông tư 02 chính thức được thực hiện từ 1/1/2015 và trong Quý III do quy định về cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ tại Thông tư 09 hết hiệu lực từ 1/4/2015.


Kế hoạch 2015: Chi phí trích lập dự phòng rủi ro 8,100 tỷ (đã bao gồm trích lập cho trái phiếu doanh nghiệp và các khoản hoàn nhập). Tăng trưởng huy động 16.5%, tăng trưởng tín dụng 16%. Lợi nhuận trước thuế 7500 tỷ và tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Như vậy, mức lợi nhuận trước trích lập dự phòng theo kế hoạch sẽ tăng khoảng 25% so với năm 2014. Cơ sở cho mức tăng trưởng này là kỳ vọng vào quá trình hồi phục rõ rệt hơn của nền kinh tế trong năm tới, đặc biệt là các lĩnh vực xuất khẩu và hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Năm 2015 BID cũng quyết tâm đẩy mạnh mảng bán lẻ với mục tiêu tăng trưởng 20%.


Tuy nhiên tỷ lệ an toàn vốn CAR hiện chỉ đạt 9.27%, thấp hơn nhiều trung bình ngành khoảng 13% nên áp lực tăng vốn với BID là rất lớn trong năm 2015. Trong Quý 1 hoặc chậm nhất là cuối Quý 2, BID sẽ nhận 2,700 tỷ tăng vốn từ cổ đông Nhà nước (hiện chiếm 95.76% cổ phần). Đồng thời, ngân hàng đang làm việc với 2 đối tác và dự kiến phát hành 8,000 tỷ cho cổ đông chiến lược trong Quý III/2015 đưa CAR lên 11%. Như vậy, chưa kể tới lượng cổ phiếu phát hành thêm phục vụ cho công tác sáp nhập, tới cuối năm nay cổ phiếu sẽ bị pha loãng khoảng 28%, EPS 2015 pha loãng hoàn toàn ước đạt 1,475 đ/cp.


Tỷ lệ Cho vay/Huy động (LDR) đạt 88% trong năm 2014. Tuy nhiên, LDR quy định tại Thông tư 36 với NHTMNN là 90% và với NHTMCP chỉ là 80%, trong khi NHNN chưa có phát biểu chính thức BID là NHTMNN hay NHTMCP. Nếu được xếp vào nhóm NHTMCP, BID sẽ phải giảm lượng cho vay và tăng huy động để có thể đáp ứng, nhưng việc này đồng thời sẽ làm giảm phần nào lợi nhuận của ngân hàng.


STK: Lạc quan triển vọng dài hạn


CTCK Rồng Việt (VDSC)


CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), một doanh nghiệp lớn ngành sợi có kế hoạch niêm yết trong năm 2015. Sợi Thế Kỷ chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sợi dài polyester (POY, DTY và FDY) chất lượng cao. Sản phẩm của STK được sử dụng bởi các công ty cung cấp nguyên liệu cho các thương hiệu hàng dầu thế giới như Nike, Adidas, Reebok, Columbia...


Năm 2014, KQKD của STK khá khả quan. Trong đó, sản lượng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 33.053 tấn (96% kế hoạch), 1.457 tỷ đồng (92% kế hoạch) và 106,7 tỷ đồng. Như vậy, cả sản lượng và doanh thu đều chưa đạt kế hoạch Công ty đặt ra, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại vượt 14,7% kế hoạch và tăng 13% so với năm 2013. Sự biến động trái chiều này là do năm trước, STK tập trung nhiều cho việc cải thiện chất lượng sản phẩm và sản xuất các sợi nhuyễn chất lượng cao. Đây là dòng sản phẩm có biên lợi nhuận tốt hơn nhưng không thể sản xuất với sản lượng cao như các loại sợi thông thường.


Bên cạnh đó, STK cũng được hưởng lợi từ việc giảm giá nguyên liệu đầu vào. Được biết, hạt chip polyester, nguyên liệu đầu vào chính của STK, đã giảm giá trung bình 7% trong năm 2014 nhờ tác động của việc giảm giá dầu. Trong khi đó, Công ty chỉ giảm nhẹ giá bán ra ở một số loại sợi nên biên lợi nhuận cũng được cải thiện tích cực.


Liên quan đến dự án Nhà máy Trảng Bàng 3, STK dự kiến nhà máy có thể được xây dựng xong vào khoảng cuối tháng 2/2015 và Công ty cũng đang thực hiện việc lắp đặt một số máy để sản xuất sợi DTY để có thể đưa nhà máy vận hành chính thức vào đầu quý III/2015.


Được biết, chi phí đầu tư cho toàn bộ nhà máy ước khoảng 715 tỷ đồng, trong đó khoảng 131 tỷ đồng đầu tư cho nhà xưởng và 551 tỷ đồng cho các máy móc sản xuất chính. Do nhà máy chưa thể chạy hết toàn bộ công suất thiết kế (15.000 tấn DTY/năm) trong năm đầu nên chúng tôi ước tính nhà máy mới sẽ giúp doanh thu năm 2015 và các năm tiếp theo tăng lần lượt khoảng 10% và 40% so với năm 2014.


STK cũng cho biết sẽ dự kiến trình ĐHCĐ về kế hoạch cho năm 2015 với doanh thu là 1.846 tỷ đồng (+27% so với năm 2014), sản lượng 42.658 tấn (+29%) và lợi nhuận sau thuế là 147,7 tỷ đồng (+8%). Tuy nhiên, chuyên viên ngành của chúng tôi cho rằng mục tiêu này của STK là khá thận trọng do nhà máy mới chưa chạy hết công suất nên chưa thể kì vọng biên lợi nhuận cao. Thêm vào đó, Công ty cũng dự tính sẽ tăng lương khoảng 10-12% so với mức lương trung bình hiện tại 5,5 triệu/tháng/người.


Một trong những thông tin được thị trường chờ đợi nhất có lẽ là kế hoạch niêm yết của STK. Trong đợt phát hành thêm 3 triệu cổ phiếu vừa rồi, STK đã khá thành công khi lượng cổ phiếu chào bán được mua hết với mức giá trung bình 24.124 đồng/cp, cao hơn 34% so với giá ban đầu.


Tuy nhiên, số lượng cổ đông sau khi phát hành chưa đủ 300 theo quy định được niêm yết của HSX. Chính vì vậy, công ty dự định bán toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ cho cán bộ công nhân viên. Theo dự kiến, khoảng đầu quý 3/2015, cổ phiếu STK có thể chính thức được giao dịch trên sàn HSX. Với tỷ lệ free float khoảng 41%, có thể kỳ vọng cổ phiếu STK sẽ giao dịch sôi động sau khi niêm yết.


Nhìn chung, STK là Công ty có năng lực sản xuất tốt. Sản phẩm sợi của công ty có khả năng cạnh tranh cao ở thị trường sợi của Việt Nam trên cả phương diện năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, Công ty cũng đã xây dựng được hệ thống khách hàng rộng lớn và ổn định trong nước cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sợi tổng hợp là đầu vào quan trọng cho ngành dệt may. Nếu TPP được ký kết, sản lượng tiêu thụ sản phẩm này được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh. Do đó, chúng tôi khá lạc quan về triển vọng dài hạn của STK.


DHC: Cổ phiếu hấp dẫn để đầu tư


CTCK BIDV (BSC)


Kết thúc tháng 1/2015, CTCP Đông Hải Bến Tre (mã DHC) đạt 55 tỷ đồng doanh thu và 7,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ và tháng 12/2014. Với kết quả này, chúng tôi kỳ vọng năm 2015, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng cao. Do quý I hàng năm thường là mùa ghi nhận doanh thu thấp nhất trong năm của công ty.


Giá giấy nguyên liệu tiếp tục giảm sâu được kỳ vọng mang lại biên lợi nhuận cao hơn cho DHC từ quý II/2015. Đầu năm 2014, DHC nhập khẩu giấy nguyên liệu cũ với giá xấp xỉ 200 USD/ tấn. Quý 4/2014, giá giấy nhập khẩu còn khoảng 190 USD/ tấn. Hiện tại, công ty đã ký hợp đồng nhập khẩu giấy nguyên liệu với đối tác, trị giá 180 USD/tấn (-10% yoy), dự kiến nhập kho vào tháng 3/2015.


Giá điện dự kiến tăng sẽ làm tăng nhẹ chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ của DHC. Tuy nhiên, tác động này là không nhiều nếu so sánh với tác động giảm giá giấy nguyên liệu (giấy nguyên liệu chiếm 61,74% giá vốn hàng bán trong khi đó chi phí điện chiếm 7,38%).


Chúng tôi tiếp tục duy trì đánh giá “khả quan” với cổ phiếu DHC, với giá kỳ vọng 12 tháng tới là 29.900 đồng. DHC hiện được giao dịch tại P/E là 7,3x, khá hấp dẫn so với P/E của VNindex. DHC đã vượt qua giai đoạn khó khăn năm 2011, 2012 nhờ cải thiện hiệu quả hoạt động nhà máy mới. Kết quả kinh doanh được cải thiện ấn tượng từ quý III/2013 sau khi có những thay đổi về nhân sự cấp cao, nhiều chính sách tiết giảm chi phí phát huy hiệu quả.


PVS: Có thể xem xét mua vào


CTCK BIDV (BSC)


Theo báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán được công bố ngày 05/02/2015, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS – sàn HNX) đạt 31,373 tỷ đồng doanh thu và 1,765 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi doanh thu tăng đến 23% thì lợi nhuận chỉ tăng 4% do việc tàu khảo sát Amadeus 3D hoạt động không hiệu quả trong và các hoạt động dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí và dịch vụ cung ứng tàu chưa và xử lý dầu thô FSO/FPSO bị ảnh hưởng bởi việc giá dầu giảm mạnh trong nửa cuối năm 2014.


Dự báo kết quả kinh doanh 2015: Chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của PVS vẫn tiếp tục ổn định trong năm 2015 với dự báo doanh thu đạt 32,878 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1,499 tỷ đồng, tương đương EPS 2015 đạt 3,123 đồng/cp. Dự báo của chúng tôi dựa trên những căn cứ sau:


(1) Mảng khảo sát dầu khí hồi phục khi tàu khảo sát Amadeus 3D đã bắt đầu hoạt động trở lại từ tháng 11/2014 năm 2014.


(2) Mảng FSO/FPSO tiếp tục tăng trưởng nhanh nhờ FPSO Lam Sơn sẽ hoạt động trong cả năm 2015 thay vì chỉ nửa năm như 2014.


(3) Các mảng khác được kỳ vọng vẫn duy trì kết quả khả quan trong năm 2015 do sản lượng dầu thô khai thác kế hoạch chỉ giảm 2.9% so với năm 2014 trong khi công tác thăm dò, tìm kiếm dầu khí được đẩy mạnh và dự kiến sẽ xây dựng kho bể chứa dầu thô với dung tích 1 triệu tấn, tăng dự trữ dầu thô ở các kho bể hiện tại chờ giá dầu tăng trở lại. BSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét cổ phiếu PVS cho mục tiêu dài hạn với giá kỳ vọng 1 năm là 34,783 đồng/cp.


T.Thúy


Theo Tinnhanhchungkhoan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á