Ngay cả chính các nước khối BRICS còn không giao dịch song phương bằng đồng tiền của họ, mà cũng phải quy đổi ra bằng đồng USD để bảo vệ lợi thế của mỗi nước thì Việt Nam phải tính toán hết sức thận trọng, vì Trung Quốc cần bạn hàng hơn là mua hàng.
Tỷ giá USD/CNY
Hiện nay, dù đồng USD tăng giá so với các rổ ngoại tệ được lưu hành rộng trên thế giới là đồng Euro (EUR), Yên Nhật (JPY), Bảng Anh (GBP), đồng đô la Canada (CAD), Krona Thụy Điển (SEK), Franc Thụy Sĩ (CHF), Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY), đô la Úc (AUD), Peso Mexico (MXN), đồng đô la New Zealand (NZD)... nhưng Trung Quốc vẫn ấn định giá trị thấp cho đồng Nhân dân tệ (CNY), bằng cách neo giá nó với đồng đô la Mỹ, cùng với một rổ tiền tệ khác. Họ giữ tỷ giá bằng cách mua trái phiếu kho bạc Mỹ, làm hạn chế nguồn cung đồng USD. Điều này khiến cho đồng CNY được định giá thấp so với đồng USD và các rổ ngoại tệ khác để giữ giá xuất khẩu rẻ, dễ cạnh tranh.
Tuy nhiên, các tin tức nới lỏng tiền tệ bằng biện pháp QE đã làm lu mờ việc đồng USD lên giá, và đã được đồn đoán nhiều trên thị trường và truyền thông. Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới theo dõi và nói rất nhiều về chính sách tiền tệ nới lỏng tại các nước Nhật Bản, khối kinh tế Eurozone của 19 nước sử dụng chung đồng EUR, và kể cả Trung Quốc cũng đang cân nhắc sử dụng biện pháp QE này trong những tháng đầu năm 2015. Hiện một số nền kinh tế kinh tế lớn của thế giới đang chứng kiến tình trạng giảm phát, đi cùng với việc ngày 15/1/2015, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) bất ngờ công bố hai quyết định là chấm dứt việc neo giá đồng Franc Thụy Sĩ (CHF) vào đồng EUR và thả nổi đồng CHF, khi hạ lãi suất dưới mức âm thêm 0.75%. Cùng lúc, Ngân hàng Trung ương của nhiều nước đua nhau cắt giảm lãi suất gần dưới mức âm khiến người ta liên tưởng đến một bóng ma chiến tranh tiền tệ sắp tái diễn.
Điều này khiến nhiều chuyên gia phân tích kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) cho rằng, việcCục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) họp hôm 29/1/2015 cho thấy, Fed sẽ quyết định thời điểm nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên duy trì lãi suất thấp, có thể vào giữa tháng 6/2015. Việc này sẽ khiến Trung Quốc phải chuyển hướng là sẽ không dìm đồng CNY thấp nữa mà sẽ thả nổi đồng CNY tăng giá có kiểm soát, để chuyển hướng vào tiêu thụ nội địa và gia tăng đầu tư ra bên ngoài làm lực đẩy phát triển kinh tế thay vì giành đầu tàu xuất khẩu cho tăng trưởng kinh tế bằng đồng tiền rẻ như mấy thập niên qua. Điều này liệu sẽ tác động gì đến Việt Nam, người viết sẽ tiếp tục phân tích dưới đây.
Về bối cảnh đồng CNY, kể từ năm 1994, Trung Quốc áp dụng chế độ ngoại hối cố định, theo hối suất nhất định, nên đồng USD giảm giá tới đâu thì đồng CNY sụt giá đến đấy. Khi đồng USD tăng giá, đồng CNY của Trung Quốc vẫn không tăng mà còn giảm giá một cách giả tạo vì không theo quy luật cung cầu. Nhờ vậy mà hàng hóa Trung Quốc vẫn luôn rẻ hơn thực tế, có nghĩa là Trung Quốc gián tiếp trợ cấp xuất khẩu bằng hối suất rẻ. Theo dự báo, Trung Quốc có lẽ sẽ nỗ lực để đồng Nhân dân tệ được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào rổ tiền tệ mang tên quyền rút vốn đặc biệt (SDR).
Từ đầu năm 2015, thị trường tài chính các nơi trên thế giới, kể cả tại Trung Quốc, đều dự đoán là cuối cùng Bắc Kinh phải nâng giá đồng CNY, và vì dự đoán như vậy nên mới có nạn đầu cơ và có nhiều đề xuất giao dịch ngoại hối trực tiếp giữa Trung Quốc và các nước khác, kể cả Việt Nam. Hiện nay, tỷ giá hoán đổi USD/CNY là 1 USD ăn xấp xỉ 6.25 CNY. Con số này không tăng đáng kể nào so với ngày 28/6/2010 là 6.7890 CNY đổi lấy 1 USD, dù năm 2010 đồng USD đã đụng đáy.
Tỷ giá CNY/VNĐ (nếu Việt Nam giao dịch cả tỷ giá CNY/VNĐ và USD/CNY)
Hiện Việt Nam là quốc gia có mối quan hệ sâu rộng với Trung Quốc. Trong năm 2014, với kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 43.7 tỷ USD, tăng 18.2% so với năm 2013, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, theo báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê phát hành chiều 27/12/2014. Đó là con số rất lớn nếu so sánh với GDP của Việt Nam.
Trong năm 2013, thực tế theo thống kê của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, trao đổi mậu dịch giữa Việt Nam với Trung Quốc lên đến 50 tỷ USD, cao hơn năm 2014, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã lên đến gần 24 tỷ USD, tăng 44.5% so với năm 2012. Trong lĩnh vực đầu tư, Trung Quốc cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam.
Nếu đồng CNY tăng giá thì sẽ ảnh hưởng đến ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam, cũng như đối với các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là điều chắc chắn và Việt Nam phải tính toán ngay bây giờ để ứng phó cho tương lai.
Trước mắt việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái của Trung Quốc còn rất khiêm tốn dù đồng USD đã tăng giá, nhưng về lâu dài thì đây là một tiến trình không thể đảo ngược khi Trung Quốc có tham vọng quốc tế hóa đồng CNY. Khi đồng CNY tăng giá, điều đó có nghĩa là tiêu dùng nội địa và đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ phải gia tăng. Bởi lẽ khi đồng CNY tăng giá, lương bổng tại Trung Quốc trả cho nhân công sẽ phải tăng, nên các công ty Trung Quốc sẽ dời nhà náy đem sang đầu tư tại các nước khác có nhân công rẻ hơn, và Việt Nam sẽ là một trong những thị trường nằm trong chiến lược phát triển đó của Trung Quốc.
Riêng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khi đồng CNY tăng giá, thì hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn, và làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc. Đây sẽ là một cơ hội đối với ngành xuất khẩu của Việt Nam để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là nếu các khoản trao đổi đó được thanh toán bằng đồng USD chứ không phải đồng đồng CNY. Qua đó Việt Nam có thể hy vọng giảm bớt thâm hụt mậu dịch đối với bạn hàng khổng lồ Trung Quốc mắc bệnh "nghiện xuất khẩu" này.
Một yếu tố khác khiến Việt Nam cần suy nghĩ và hết sức thận trọng theo dõi từng động thái của Trung Quốc, đó là với một đơn vị tiền tệ CNY tăng giá, trong tương lai không xa, bộ máy sản xuất công nghiệp của họ sẽ từng bước nâng cao về mặt chất lượng. Cụ thể, giá thành của Trung Quốc sẽ cao hơn so với các nước đang phát triển khác, như vậy Trung Quốc sẽ từng bước đưa ngành công nghiệp hướng đến với những sản phẩm có trị giá gia tăng cao hơn mà gần nhất là theo mô hình tăng trưởng của Hàn Quốc, sau đó sẽ tiến xa hơn theo mô hình của Nhật Bản, EU rồi đến Mỹ.
Chẳng hạn là trước năm 2004, đồng CNY của Trung Quốc được neo giá vào đồng USD với giá trị thấp để bán rẻ các mặt hàng ngành dệt may, mỗi năm thu về đến 75% thặng dư mậu dịch cho Trung Quốc. Khi nâng giá đồng CNY vào năm 2005, tỷ trọng các ngành dệt may, và các ngành gia công phần thô của Trung Quốc đã giảm đi đáng kể, đồng thời Trung Quốc đã đẩy mạnh khu vực sản xuất trang thiết bị cơ khí và điện tử để trở thành một trong những "công xưởng thế giới" cung cấp các thiết bị gia công linh kiện máy vi tính, màn hình tivi, điện thoại, xe lửa cao tốc của thế giới...
Chính vì yếu tố tham vọng quốc tế hóa đồng CNY, rõ ràng Trung Quốc phải đến lúc thả nổi đồng đồng CNY trong trong tương lai không xa. Điều đó có nghĩa là đồng CNY sẽ buộc phải tăng giá, nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến tổng kim ngạch đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Về lâu dài, nó còn tác động cả đến chiến lược phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, hay các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cao cấp của Việt Nam đang hướng tới, chẳng hạn như sản xuất linh kiện điện tử, viễn thông, cơ khí tự động mà Việt Nam đang liên doanh với nước ngoài, kể cả lĩnh vực mà Việt Nam đang dần làm chủ một phần về công nghiệp cơ khí, điện tử. Cho nên, một khi Trung Quốc cân bằng lại chính sách phát triển của họ, tức là vừa chú trọng hơn đến tiêu thụ nội địa, vừa nâng cấp cỗ máy sản xuất thì sẽ mở ra cho Việt Nam cơ hội cũng nhiều mà rủi ro cũng không kém.
Việc giao dịch thanh toán trực tiếp bằng đồng CNY tại Việt Nam (về lý thuyết nếu việc giao dịch đó bằng cả VNĐ và CNY)
Có thông tin Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị thanh toán trực tiếp bằng đồng CNY tại Việt Nam, điều này có lợi hay có hại? Đó là câu hỏi tâm điểm mà giới chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cũng như người dân Việt Nam chờ đợi một sự giải thích rõ ràng.
Báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương nước này (ICBC) đề xuất cho mở rộng phạm vi sử dụng đồng Nhân dân tệ (CNY).
Ngoài ra, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc còn đề xuất cho ICBC thực hiện hợp tác về nghiệp vụ Nhân dân tệ với các ngân hàng thương mại Việt Nam đang thực hiện nghiệp vụ liên quan đến đồng CNY.
Cụ thể, giao dịch và mua bán trực tiếp bằng đồng CNY và đồng VNĐ một mặt cho phép cả Việt Nam lẫn Trung Quốc cùng giảm bớt mức độ lệ thuộc vào tỷ giá của đồng USD. Nếu vì một lý do nào đó đồng USD bị mất giá, dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD của Việt Nam và Trung Quốc qua đó cũng hạn chế giảm theo. Ngược lại, trong trường hợp đồng USD tăng cao, thì hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng giá, qua đó mất sức cạnh tranh, nhưng Trung Quốc lại có lợi thế là sẽ giảm được những chi phí giao dịch trung gian qua đồng USD, nhưng nếu Trung Quốc vẫn dìm giá đồng CNY thấp thì Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng khi chuyển đổi tỷ giá đồng CNY sang USD.
Tuy nhiên, việc mở rộng tầm mức ảnh hưởng quốc tế của đồng CNY cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với bản thân của Trung Quốc. Thách thức hàng đầu là Trung Quốc sẽ mất dần khả năng kiểm soát đồng CNY. Nguy cơ tiếp theo là đồng tiền Trung Quốc có chiều hướng tăng giá dần theo luật chơi của thị trường. Một nguy cơ rủi ro nữa là vấn đề cả Việt Nam và Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia Á Châu khác vẫn dùng đồng USD làm đơn vị thanh toán luồng giao dịch song phương của họ. Cho nên mua bán hay đầu tư gì với nhau cũng phải đổi qua đồng USD, rồi trả lệ phí và chịu thêm yếu tố rủi ro ngoại hối là tỷ giá đồng nội tệ của hai nước có thể lên xuống so với đồng USD.
Nói chung, nước nào cũng phải nghĩ đến quyền lợi riêng của mình và dù có tăng cường giao dịch song phương với nhau thì không chỉ có riêng Việt Nam và Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác đều có bạn hàng lớn nhất vẫn là Mỹ, và trong hoàn cảnh hiện nay, nỗi lo của họ chính là đồng USD lên giá khi các ngoại tệ kia đều gặp khó khăn và sẽ còn bị biến động rất mạnh. Tuy nhiên, với nền kinh tế dành bộ máy sản xuất vào xuất khẩu, việc tiền VNĐ có bị mất giá nhẹso với đồng USD thì cũng có lợi thế cho Việt Nam dễ xuất khẩu hơn vì hàng hóa rẻ hơn so với Trung Quốc.
Cụ thể, trong năm 2014, đồng USD luôn lên giá so với VNĐ ở biên độ có kiểm soát thì Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch trong năm 2014, ước tính đạt 28.5 tỷ USD, tăng 19.6% so với năm 2013, chưa kể lợi thế khi Việt Nam trao đổi thương mại với các nền kinh tế mới nổi như Brasil, Ấn Độ, Nam Phi...
Yếu tố sau cùng cần hết sức thận trọng, đó là đối với giao dịch ngoại hối hiện nay trên thế giới, là hơn 85% các giao dịch ngoại hối lại liên quan đến đồng USD. Hơn nữa, khoảng 42% nợ của thế giới được phát hành bằng đồng USD. Kết quả là, các ngân hàng, và các thị trường tài chính nước ngoài đòi hỏi rất nhiều USD để tiến hành trao đổi bán buôn trong kinh doanh.
Một trong những điểm để nhận ra bối cảnh của thế giới hiện nay là báo cáo mới đây của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS, Bank for International Settlements) cho biết các khoản nợ ngoài hệ thống ngân hàng hiện nay trên thế giới bằng đồng USD lên tới 9,000 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là nước có tỷ lệ nợ rất lớn chưa qua chu kỳ trả nợ mà chưa ai rõ. Còn nợ chính thức của thế giới, được ghi trong sổ sách bằng đồng USD là khoảng 5,000 tỷ USD.
Đối với việc thanh toán một chiều bằng đồng CNY giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì chắc chắn rủi ro là hoàn toàn về phía Việt Nam. Trường hợp mà Việt Nam cần chú ý đó là các nền kinh tế mới nổi BRICS gồm Brasil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) và Nam Phi (South Africa) giao dịch hoán đổi tự do bằng đồng tiền chung của họ và chấp nhận cho thanh toán bằng đồng tiền các nước khối BRICS với đối tác bên ngoài theo tỷ giá hối đoái của thị trường. Tuy nhiên, ngay cả chính các nước khối BRICS này còn không giao dịch song phương bằng đồng tiền của họ, mà cũng phải quy đổi ra bằng đồng USD để bảo vệ lợi thế của mỗi nước thì Việt Nam phải tính toán hết sức thận trọng, vì Trung Quốc cần bạn hàng hơn là mua hàng.
Phạm Quốc Hoàng - William D. Dudley (USA)
Theo Vietstock
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét