Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Sao lại cứ phải nói về tập đoàn?

Sao lại cứ phải nói về tập đoàn?


Ông nêu lên một thực tế rằng: “Những nước ít nói về tập đoàn thì lại có nhiều tập đoàn nhất. Ở Hoa Kỳ hay Châu Âu, người ta không có luật về tập đoàn thì các tập đoàn lại phát triển rất mạnh.”


Ông Cung cho rằng thực tế không có định nghĩa tập đoàn về mặt khoa học, các tập đoàn được hình thành một cách tự nhiên.


Việt Nam đang trong quá trình thiết lập và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các tập đoàn kinh tế, nhưng theo ông Cung, kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi ban hành quy định gì đó về tập đoàn thì chính là lúc người ta bắt đầu hạn chế sự phát triển của tập đoàn.


Nhận thức về Tập đoàn kinh tế chưa thống nhất


Trước đó, trong bài trình bày tại hội thảo, Bùi Văn Dũng, Trưởng ban cải cách và phát triển doanh nghiệp của CIEM, cho rằng hiện tại có những nhận thức khác nhau về tập đoàn kinh tế (TĐKT). Trước năm 2005, TĐKT được xác định là pháp nhân kinh tế, còn hiện nay theo Luật Doanh nghiệp lại được xác định là không có tư cách pháp nhân.



Ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban cải cách và phát triển DN (CIEM)


Theo Luật Doanh nghiệp (số 60/2005/QH11) thì TĐKT được xác định là “nhóm công ty có quy mô lớn”. Khái niệm này dẫn đến 2 cách hiểu: (1) nhóm công ty có số lượng lớn các công ty và trong đó có thể bao gồm cả công ty quy mô lớn và công ty quy mô không lớn; hoặc (2) nhóm công ty chỉ bao gồm các công ty có quy mô lớn.


Còn theo chuẩn mực kế toán 25 thì xác định “TĐKT bao gồm công ty mẹ và các công ty con.”


Điều đó cho thấy chưa có nhận thức thống nhất về TĐKT, do không rõ TĐKT chỉ bao gồm các công ty quy mô lớn hay là nhóm doanh nghiệp quy mô lớn; việc có hay không có sự phân biệt giữa TĐKT với nhóm công ty theo hình thức công ty mẹ - con; về tư cách pháp nhân; về số cấp doanh nghiệp; quy mô, phạm vi ngành; lĩnh vực hoạt động.


Theo ông Dũng, TĐKT là nhóm các công ty có từ 2 cấp trở lên, liên kết chủ yếu theo hình thức công ty mẹ - công ty con; trong đó công ty mẹ không thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa; giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo, chi phối TĐKT.


Thực trạng hoạt động của TĐKT tại Việt Nam


Nghiên cứu của CIEM cho thấy tại Việt Nam, các TĐKT hoạt động chủ yếu theo hình thức công ty mẹ - công ty con và có các doanh nghiệp liên kết. Phần lớn các TĐKT có 2 cấp doanh nghiệp (chiếm 59% tổng số TĐKT), chỉ có 1 tỷ lệ nhỏ (4%) có từ 4 cấp doanh nghiệp trở lên.


Kể từ năm 2005 đến nay, các TĐKT nhà nước tăng khá nhanh và chiếm tỷ lệ áp đảo trong nhóm các doanh nghiệp có quy mô lớn nhất (15 vị trí trong top 20 doanh nghiệp, TĐKT lớn nhất Việt Nam). Các tập đoàn này giữ vị trí thống lĩnh theo ngành: 99% trong sản xuất phân bón, 97% trong khai thác than, 94% trong sản xuất điện, ga; 91% trong truyền thông; 88% trong lĩnh vực bảo hiểm.


Các TĐKT tư nhân cũng có sự tăng trưởng nhanh về tổng giá trị tài sản và vốn: Giai đoạn 2005-2013 tăng trưởng vốn chủ sở hữu 37,42%, tài sản tăng 42,85%.


Sau khi hình thành, các TĐKT đều có sự tăng trưởng khá ấn tượng về tất cả các chỉ tiêu.


Về tổng tài sản, trước khi thành lập tập đoàn chỉ có 50% nhóm doanh nghiệp có mức tăng bình quân trên 10%/năm, nhưng sau khi hình thành tập đoàn có đến 76% số tập đoàn có mức tăng trên 10%/năm, trong đó 46,2% số tập đoàn có mức tăng trên 20%. Các chỉ tiêu về vốn chủ sở hữu, doanh thu hay lợi nhuận và nộp ngân sách cũng có mức tăng trưởng tương tự.


Bình quân 3 năm trước khi hình thành các TĐKT chỉ có 27,3% số công ty mẹ có mức tăng trưởng tổng tài sản trên 20%/năm, nhưng bình quân 3 năm sau khi hình thành tập đoàn có đến 51% công ty mẹ có mức tăng trưởng tổng tài sản trên 20%/năm.


Các TĐKT tư nhân có mức độ hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu tốt hơn so với các tập đoàn nhà nước: tỷ lệ ROE bình quân của 20 TĐKT lớn nhất thuộc khu vực tư nhân đạt 8,45% trong năm 2012 và 12,27% trong năm 2013, trong khi các TĐKT, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước ước đạt 5,28% trong năm 2012 và 7,30% trong năm 2013.


Ông Dũng đánh giá các TĐKT tư nhân dường như đang có những bước phát triển bền vững hơn so với các tập đoàn nhà nước. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu bình quân của các tập đoàn tư nhân duy trì ổn định ở mức xấp xỉ 55%, cao hơn một chút so với tỷ lệ 50% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam (không tính doanh nghiệp FDI). Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn doanh nghiệp tư nhân.


Triển vọng phát triển TĐKT tại Việt Nam thời gian tới


Ông Dũng đưa ra dự báo phát triển của các TĐKT tại Việt Nam với 3 kịch bản thấp, trung bình và cao đối với 2 chỉ tiêu doanh thu và quy mô lao động.


Theo đó, tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2014-2020 sẽ đạt 12,68%/năm ở kịch bản thấp, 14,23%/năm ở kịch bản trung bình và 15,79%/năm ở kịch bản cao.


Về tốc độ tăng lao động bình quân trong giai đoạn 2014-2016, xu hướng cắt giảm sẽ là chủ đạo nhưng theo hướng cải thiện dần. Ở kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng lao động sẽ đạt khoảng 3,12% vào năm 2016. Ở kịch bản trung bình và thấp, tăng trưởng lao động bình quân sẽ mức dương vào năm 2017 và 2018.


Theo ông Dũng, mặc dù việc tái cơ cấu TĐKT đã và đang được thực hiện nhưng kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng và năng suất còn thấp, sức cạnh tranh chưa cao, thể chế kinh tế và kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn, nên kịch bản trung bình dường như là khả thi nhất trong thời gian tới.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á