0 năm về trước, để tìm cách đi từ chỗ này đến chỗ kia thì chúng ta sẽ cần phải hỏi một người nào đó rành đường, hoặc phải cặm cụi tìm kiếm trên bản đồ bằng giấy. Rồi một thập kỷ qua đi, giờ đây người ta chỉ cần vài chục giây là đã biết đường đi, người ta có thể vừa lái xe vừa nghe chỉ dẫn giọng nói từ chiếc smartphone của mình. Tất cả là nhờ có sự đóng góp của công nghệ di động, định vị vệ tinh và những ứng dụng như Google Maps.
Google Maps và sự phổ cập bản đồ số
Các dịch vụ bản đồ như Google Maps chính là yếu tố cực kì quan trọng với vai trò "cầu nối" giữa thế giới số và thế giới thực. Nhờ có nó, người ta sẽ không bao giờ bị lạc đường nữa nay cả khi khả năng định hướng của họ cực kì tệ hại. Thực chất thì bản đồ trên web đã có từ tận những năm 1993, nhưng mãi đến khi Google Maps ra mắt 10 năm về trước thì bản đồ số mới thật sự đi vào cuộc sống hằng ngày.
Trang web bản đồ trực tuyến MultiMap vào năm 2005
Đến ngày 8/2/2005, Google Maps lần đầu tiên ra mắt ở Mỹ dưới dạng beta và hai tháng sau thì nó có mặt tại Anh. Nhưng Google không phải là người đầu tiên gia nhập cuộc đua bản đồ online, trước đó Yahoo đã ra mắt dịch vụ Yahoo Maps từ năm 2004.
Hay như tính năng chỉ đường turn-by-turn, Google cũng không phải là người đầu tiên mà công ty MapQuest đã đi trước hãng một bước. Tuy nhiên, vai trò của Google Maps trong việc chuyển hóa, phổ cập bản đồ online từ một thứ chỉ dành cho những người sành công nghệ thành một dịch vụ có thể được sử dụng bởi mọi người lại là một chuyện khác và không nên bị xem nhẹ.
Giao diện Google Maps năm 2005
Google Maps không hề bị nao núng về vị trí của mình trong những ngày đầu ra mắt. Đến cuối năm 2005, Google đã bổ sung thêm tính năng chỉ đường đi bằng phương tiện giao thông công cộng và rồi sau đó là hệ thống hình ảnh chụp từ vệ tinh.
John Hanke, người đồng sáng lập hãng Keyhole và cũng là phó chủ tịch mảng dữ liệu địa lý của Google từ năm 2011 về trước, cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một bản đồ đồng nhất và có thể tra cứu trên cả thế giới - một Trái Đất bạn có thể duyệt vòng vòng trên đó". Hanke nói thêm hai người đồng sáng lập ra Google - Sergey Brin và Larry Page - nghĩ rằng dữ liệu địa lý và dịch vụ bản đồ - chính là một mấu chốt để Google sắp xếp lại thông tin của toàn thế giới.
Hanke nhớ lại rằng vào thời điểm Google Maps mới ra mắt, dữ liệu hình ảnh từ vệ tinh rất đắt đỏ mà lại hiếm bởi vì không có nhiều vệ tinh được triển khai. "Tôi đi gặp Sergey và chỉ cho ông ấy một số thành phố lớn mà chúng tôi muốn mua dữ liệu hình ảnh". Sergey nhìn và chỉ đơn giản nói: "Tại sao không mua hết tất cả?"
Thế rồi vào năm 2006, Google ra mắt tính năng Street View - một tính năng gây tranh cãi nhất của Google Maps nhưng cũng rất được nhiều người ưa chuộng. Ban đầu Street View chỉ hiện hữu ở một vài thành phố tại Mỹ, sau đó nó được mở rộng sang Châu Âu, Nhật và Úc vào năm 2008.
Hình ảnh của Street View, như các bạn đã biết, được ghi nhận bằng một hệ thống camera đặc biệt gắn trên chiếc xe hơi có GPS, dựa vào đây Google có thể đưa ra ảnh thật của từng con đường, từng tòa nhà dọc đường và thậm chí còn cho phép người dùng đi tới lui trên con đường đó. Google cũng không phải dựa vào bên thứ ba để có được những dữ liệu này.
Vậy ý tưởng này ở đâu ra? Chính là từ hai nhà sáng lập Larry và Sergey. Phó chủ tịch Hanke kể lại rằng "Larry và Sergey đã lái xe quanh cơ sở của đại học Stanford, khi đó Larry chụp ảnh môi trường xung quanh bằng một chiếc dSLR để thử nghiệm việc ghép chúng lại với nhau. Đó là ý tưởng của họ, nhưng Google đã phải hợp tác với đại học Standford và Sebastian Blune để biến ý tưởng thành hiện thực".
Chiếc camera trên xe Street View còn ghi nhận lại bảng chỉ dẫn giao thông, số nhà và một số dữ liệu khác mà ảnh vệ tinh không thể thu thập được, nhờ đó mà Google Maps mới nói cho người dùng biết được chỗ nào thì cấm rẽ, giới hạn tốc độ ở từng chặng đường là bao nhiêu. Tất cả đều là một phần nhỏ của một cụm từ mà Google gọi là "Ground Truth" (tạm dịch: sự thật trên mặt đất) - tức nhắm đến việc tạo ra một bản đồ chi tiết và chính xác nhất có thể.
Nhưng Street View không phải là thứ mà ai cũng ủng hộ. Trong quá trình thu thập dữ liệu, những chiếc xe Street View đã ghi nhận thông tin về các mạng Wi-Fi cá nhân và điều đó đã khiến Google bị phạt 7 triệu USD. Khi dịch vụ này mở rộng sang Châu Âu, đặc biệt là ở Đức, nhiều người dân cảm thấy không hài lòng khi nhà của họ bị chụp ảnh và đăng lên mạng khi chưa có sự cho phép của họ.
Google, bản đồ và iPhone
Google Maps lần đầu tiên xuất hiện trên smartphone vào năm 2007, nhưng không phải trên một thiết bị Android mà là iPhone. Ngay từ thế hệ đầu tiên Apple đã tích hợp Google Maps như một ứng dụng riêng biệt cho chiếc điện thoại của mình - và thời đó mối quan hệ giữa hai công ty vẫn còn tốt chứ không đối nghịch như hiện nay. Smartphone chính là chiếc chìa khóa để khiến mọi người yêu lại bản đồ số, và ngày nay thì nhiều khả năng bạn sẽ không mua một cái điện thoại mà không hỗ trợ bản đồ.
Hanke nhớ lại: "Steve Jobs gọi cho tôi lúc tôi đang ngồi ở bàn làm việc để nhờ giúp đỡ về một dự án của Apple - ông không nói đó là gì, nhưng tất nhiên là tôi biết chứ. Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Apple để đảm bảo rằng bản đồ trên iPhone sẵn sàng đi vào hoạt động, và điều đó đã mở ra rất nhiều cơ hội mới".
Và những đối thủ cạnh tranh?
Google Maps càng lúc càng có nhiều đối thủ hơn. Một số đối thủ sử dụng chính dữ liệu bản đồ của Google, ví dụ như app du lịch Citymapper chẳng hạn, trong khi một số khác thì sử dụng dữ liệu của riêng họ.
Apple cũng chuyển từ đối tác sang đối thủ của Google Maps vào năm 2012 khi hãng ra mắt Apple Maps , đồng thời gỡ bỏ hoàn toàn ứng dụng Google Maps ra khỏi iOS 6. Sau đó Google phải phát triển riêng một app mới dành cho nền tảng này. Nhưng Apple Maps lúc đầu cũng không hoàn thiện kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến việc chỉ đường sai và hình ảnh không thực tế. Ngay cả CEO Tim Cook cũng phải đứng ra xin lỗi vì sản phẩm này.
Giao diện Apple Maps trên máy tính
Bing Maps của Microsoft cũng là một trong những đối thủ mạnh của Google khi họ liên tục cập nhật không ảnh cho bản đồ của mình, giới thiệu tính năng bird eye cho phép người dùng xem các con đường và tòa nhà ở góc xéo 45 độ.
Song song đó, Nokia cũng mua lại Navteq - công ty lớn nhất trong lĩnh vực dữ liệu bản đồ dùng cho xe hơi - vào năm 2007 để rồi xây dựng nên Nokia Maps và sau này là Here Maps. Hiện tại độ chính xác của Here Maps rất cao và Nokia đã có thể bán sản phẩm của mình cho những công ty khác như Garmin, BMW, Amazon.
Ngoài những tên tuổi lớn và mang tính thương mại, vẫn có những dự án mở như Open Street Map được sử dụng miễn phí và dữ liệu là do cộng đồng góp lên. Đây là một bản đồ có khả năng chỉnh sửa các sai sót giống như cách mà Wikipedia hoạt động.
Cuộc chiến giữa các bản đồ số vẫn chưa kết thúc, và nó sẽ không bao giờ kết thúc. Sẽ luôn có một cuộc cạnh tranh giữa các công ty để làm cho bản đồ của họ trở nên chính xác hơn và hữu ích hơn. Một bản đồ cũng không bao giờ được hoàn thiện, sẽ luôn có những thứ mới phát sinh để thực hiện. Bất kì ai đưa cho người dùng và doanh nghiệp thứ họ muốn, làm cho những dữ liệu đó trở nên có giá trị với họ thì sẽ trở thành người chiến thắng.
Tương lai của bản đồ số
Trong vòng 5 năm tới, bản đồ sẽ phát triển theo hướng sử dụng các công nghệ, cảm biến mới để định vị thay vì GPS và hệ thống tín hiệu di động truyền thống. Vào lúc này, nếu chúng ta bị mất tín hiệu GPS thì bản đồ hầu như trở nên vô dụng. Chúng ta cần một thứ gì đó để lắp vào khoảng trống này thì bản đồ mới có thể xài được trong nhà, nơi mà việc định vị chính xác trở nên khó khăn hơn.
Chúng ta vẫn chưa rõ công nghệ mới đó có thể là gì, nhưng trong thời gian gần đây Bluetooth beacon đang dần trở nên phổ biến để giúp các cửa hàng nhận biết vị trí của khách rồi gửi thông báo tương ứng. Đó cũng có thể là một giải pháp thay thế cho GPS khi đi vào trong nhà.
Ngoài ra, tương lai của bản đồ kĩ thuật lại không phải là về chính bản đồ đó, mà về cách sử dụng bản đồ ra sao. Những dịch vụ, ứng dụng nào khai thác được tốt bản đồ để mang lại thông tin hữu ích cho người dùng mới là những tên tuổi được nhớ đến. Hiện đã có một số app như thế, như GrabTaxi và Uber dùng để gọi taxi, Field Trip để đề xuất danh lam thắng cảnh, hay Google Ingress - một trò chơi dựa trên vị trí địa lý.
Và giờ đây, chúng ta đã bước vào kỉ nguyên tiến hóa mới của bản đồ số, một kỉ nguyên mà bản đồ không chỉ là về dữ liệu địa lý mà còn là về con người và cách mà bản đồ có thể giúp chúng ta tương tác với thế giới.
Theo Tinh Tế/The Guardian
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét