Đó là nhận định của TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương về đề xuất tăng giá điện của EVN tại hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV năm 2014 và triển vọng kinh tế năm 2015”.
Sáng nay (11/2/2015), Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã tổ chức hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV năm 2014 và triển vọng kinh tế năm 2015”.
Phát biểu tại hội thảo về vấn đề trật tự thị trường: Bộ Công thương, giá điện và EVN, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW nhận định, vấn đề không phải là tăng giá bao nhiêu mà là cách thức họ tăng giá.
"Không thể bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN"
Theo ông Cung, Bộ Công thương bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện thay cho EVN. Bộ đồng ý tăng giá để bù lỗ cho doanh nghiệp, thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Bộ lại bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN.
“Việc cần làm bây giờ là Bộ Công thương phải rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện, tham vấn chuyên gia, tham vấn người tiêu dùng và các bên liên quan. Qua đó, kiểm soát giá điện, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, chứ không phải bảo vệ lợi ích của EVN. Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá thì EVN sẽ phá sản và sụp đổ ngành điện” – ông Nguyễn Đình Cung cho biết.
Về trung và dài hạn, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW kiến nghị tách EVN thành nhiều phần, tách riêng sản xuất và phân phối với chuyển tải điện. Liên quan đến quản lý điện, Bộ Công thương nên tách thành 3 phần: chính sách điện, sở hữu EVN và cá đơn vị trực thuộc, cơ quan điều tiết điện lực quốc gia. Bên cạnh đó, cần lập thị trường cạnh tranh về điện.
Cần có chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW, giá xăng giảm mạnh, liên tục và nhiều lần trong thời gian qua nhưng giá giá cước vận tải chưa giảm tương ứng. Nguyên nhân cơ bản là do cung cầu không có khả năng cân bằng trong ngắn hạn, thị trường cạnh tranh kém.
“Trong khi đó, cách quản lý là Bộ, sở 2 ngành giao thông và tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra giá, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá, nếu không sẽ phạt hoặc dọa rút giấy phép. Liệu cách quản lý thị trường như vậy có phù hợp” – ông Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi.
Theo ông Cung, công cụ quản lý ở đây là chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, chứ không phải là kiểm soát, thanh tra giá, không phải là can thiệp và mệnh lệnh hành chính.
Sự xâm lấn của các đại gia bán lẻ
Năm 2014 nổi lên một vấn đề là các nhà bán lẻ lớn nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt Nam và mua lại các siêu thị hiện có. Siêu thị đi trước, hàng hóa theo sau khiến cho hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sản xuất không được vào siêu thị do “chiết khấu” và rào cản khác quá cao.
“Ngoài chống chuyển giá, trốn thuế thì vấn đề không phải là ngăn cấm, hạn chế họ mà là kiểm soát, ngăn chặn, loại bỏ phân biệt đối xử, bất bình đằng và cạnh tranh không lành mạnh” – Viện trưởng Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Khánh Nhi
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét