TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhận định năm 2015 là năm mở ra cơ hội rất lớn cho đất nước, nếu chúng ta không chớp được cơ hội thì có tội với đất nước.
TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng năm 2015 là năm mở ra nhiều cơ hội cho đất nước mà từ trước đến nay nền kinh tế của chúng ta không có. Ví dụ như thị trường xuất khẩu sang liên minh hải quan, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp trong nước với khối FDI để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tái cơ cấu lại nền nông nghiệp, hiệp định thương mại tự do với EU, hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, hiệp định TTP…
“Đây là những cơ hội chỉ có một lần trong năm 2015, nếu chúng ta không tận dụng được, cơ hội tuột đi thì chúng ta có tội với lịch sử. Giống như đại thắng “Mùa xuân năm 1975”, nếu tháng 3 cơ hội xuất hiện mà chúng ta không tiến lên giải phóng miền Nam thì chúng ta có tội với đất nước. Năm 2015 cũng thế, nó mở ra cơ hội rất lớn cho đất nước, nếu chúng ta không chớp được cơ hội đấy thì chúng ta có tội với đất nước”, TS. Nguyễn Đức Kiên phân tích.
TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh không có chiến thắng nào mà không có sự hy sinh, bởi vậy, trong việc chớp thời cơ để tạo thuận lợi cho đất nước thì phải có những trả giá.
“Những trả giá này, chúng ta phải nói rõ cho người dân biết. Người dân sẽ sẵn sàng chấp nhận sự gian khổ hơn thêm 1 năm nữa để chúng ta có thêm nguồn lực để phát triển đất nước. Nhưng yêu cầu của nhân dân đối với Đảng, hệ thống chính trị của đất nước là chúng ta phải công khai minh bạch rõ ràng mục tiêu phát triển và những bước tiến hành như thế nào”, TS. Nguyễn Đức Kiên bình luận.
Ông có thể dẫn vài ví dụ cho thấy chúng ta có thể có cơ hội ngay?
Khi kinh tế thế giới khủng hoảng thì lại xuất hiện những thị trường mới cho chúng ta. Đối với xuất khẩu, khi chúng ta đang gặp khó khăn trong việc nâng cao sản lượng xuất khẩu thủy hải sản và nông nghiệp vào thị trường Mỹ, Nhật và EU thì năm 2015 sẽ xuất hiện một thị trường mới, đó là thị trường liên minh hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan).
Hay như chúng ta nói về mạ băng và ngậm nước của cá tra, cá basa xuất khẩu. Nếu kiên quyết đẩy nhanh tốc độ lên và tạo ra được những sản phẩm tốt, thương hiệu tốt thì chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu tốt, chiếm lĩnh thị trường ở những nước hiện nay đang xuất khẩu ngay trong những quý đầu của năm 2015 này. Bởi vì tình hình địa chính trị của Đông Âu đang rất thuận lợi cho chúng ta.
Có quan điểm cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có một thời kỳ phát triển quá nóng, và nền kinh tế vẫn không đủ nội lực để thoát khỏi khủng hoảng. Năm 2015 cũng sẽ là năm như vậy. Ông bình luận gì về quan điểm này?
Nền kinh tế của chúng ta phát triển từ những năm 1992 trở lại đây. Nó không phải là nền kinh tế bóc ngắn cắn dài mà là nền kinh tế được cởi trói những rào cản về mặt cơ chế chính sách. Khi nền kinh tế đang bị kìm hãm và được cởi trói về mặt thể chế thì nó bung ra trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề.
Việc chúng ta phát triển theo chiều rộng là hoàn toàn phù hợp với quy luật của nền kinh tế. Cái cần nói ở đây là chúng ta không biết điểm dừng của nền kinh tế đang được bung ra.
Nền kinh tế phát triển theo chiều rộng đã đem lại sự tăng trưởng, nhưng đến giới hạn chúng ta phải dừng lại và phát triển theo chiều sâu. Nhưng chúng ta không dừng lại mà vẫn tiếp tục phát triển theo chiều rộng và kinh tế nhà nước không trở thành mũi nhọn phát triển, mở đường khai phá để trở thành bà đỡ cho nền kinh tế, cho các thành phần kinh tế khác.
Sự phát triển không có định hướng đã khiến nền kinh tế của chúng ta không khỏe?
Chúng ta tưởng tượng nền kinh tế Việt Nam phát triển như một thanh niên 18 tuổi nhưng lại mặc chiếc áo của đứa bé 12. Cho nên khi cái áo đấy được cởi ra, cơ thịt của chàng thanh niên đó bắt đầu nở ra. Tuy nhiên, cơ thịt nở ra chỉ đến mức độ nhất định, cần phải có luyện tập thể thao mới có cơ thịt hiện ra.
Điểm yếu của chúng ta là không xác định được điểm mạnh để đầu tư, cho nên mới đầu tư dàn trải, cái gì nhà nước cũng có, cái gì nhà nước cũng làm. Cái hạn chế của chúng ta là ở đấy, cho nên nó mới kìm hãm sự phát triển.
Theo ông, năm 2015 nền kinh tế có triển vọng không và liệu mục tiêu tăng trưởng 6,2% có khả thi?
Với góc độ là một người làm nghiên cứu như tôi thì tăng trưởng 6,2% hay 6,5% không quan trọng. Vấn đề mà tôi quan tâm đó là cơ cấu và mô hình tăng trưởng của đất nước có phù hợp không? Liệu với mô hình đấy, cơ cấu của nền kinh tế, tự thân nền kinh tế có thể vận động được tốc độ cao hay không? Bởi nền kinh tế không vận động được tốc độ cao, không có mô hình phù hợp với nền kinh tế vận động ở tốc độ cao thì việc tụt lùi, tụt hậu của nền kinh tế chúng ta là hiện thực.
Nó đang trở thành hiện thực rồi. Nếu trong khu vực ASEAN thì Lào, Việt Nam, Myanmar, Campuchia được coi là 4 nước chậm phát triển nhất trong khối. Nhưng đến bây giờ Việt Nam lại đang có xu hướng chậm dần lại trong đó 3 nước kia lại đang có xu hướng tăng lên. Như vậy, khoảng cách của Việt Nam với 6 nước đầu của khu vực lại ngày càng doãn ra chứ nó không được như lúc đầu hoặc là thu hẹp lại như chúng ta mong muốn.
Cho nên, không nên lấy mục tiêu là 6,2 hay 6,3% là một niềm tự hào, cái quan trọng ở đây là hết 2015 chúng ta có tái cơ cấu xong nền kinh tế không? Chúng ta có đạt được mô hình tăng trưởng mới không để sang năm 2016 mô hình mới đó phát huy và nó đảm bảo từ năm 2016 - 2020 chúng ta sẽ tăng trên 7% không. Đấy mới là cái quan trọng của năm 2015.
Dường như những lĩnh vực chúng ta đang muốn tái cơ cấu thì đều có những vướng mắc nhất định. Theo ông, có những giải pháp gì để năm 2015, về cơ bản có thể hoàn tất được quá trình tái cơ cấu nền kinh tế?
Nếu năm 2015 chúng ta không hoàn tất việc tái cơ cấu thì năm 2016 - 2020 chúng ta không có cơ sở để nói có thể đuổi kịp được nước nào trong khu vực. Trong quá trình làm bao giờ cũng có khó khăn, nhưng những khó khăn này không phải chúng ta không vượt qua được, vấn đề là chúng ta có quyết tâm làm hay không.
Ví dụ về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trong 3 năm từ 2011 – 2013, chúng ta chỉ cải cách được hơn 80 doanh nghiệp, trong khi đó, chỉ năm 2014, chúng ta tiến hành tái cơ cấu, cổ phần hóa được hơn 200 doanh nghiệp. Tức là trong 1 năm chúng ta có thể làm gấp 2,5 lần so với 3 năm trước đó.
Như vậy, vấn đề hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của chúng ta, phụ thuộc vào công tác điều hành chứ không phải là bản thân nền kinh tế. Đúng là tái cơ cấu có những vấn đề đang tồn tại nhưng không phải là không giải quyết được. Vấn đề là công tác điều hành của chúng ta có giải quyết được những vấn đề đó không.
Cần phải nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta vẫn điều hành theo hướng thỏa hiệp với doanh nghiệp thì nền kinh tế không thể phát triển được. Chúng ta cần phải cho doanh nghiệp hiểu nếu muốn tồn tại thì đó là một áp lực. Nếu chúng ta không muốn phát triển thì chúng ta không coi đấy là một áp lực và đấy không phải là vấn đề chúng ta cần phải làm.
Ông bình luận gì về mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong năm 2015 theo hướng giảm số lượng ngân hàng và xây dựng những định chế tài chính lớn vươn tầm khu vực. Đây có phải là cách làm tốt và bền vững cho hoạt động phát triển của hệ thống trong tương lai?
Hiện nay chúng ta đang tái cơ cấu hệ thống TCTD theo đúng lộ trình và kế hoạch. Trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống các TCTD gồm 2 phần: mua bán sáp nhập các TCTD và giải thể, phá sản TCTD. Đến bây giờ việc mua bán, sáp nhập các TCTD đang được triển khai một cách rất quyết liệt. Chỉ trong 3 năm, chúng ta đã giảm được số lượng 5 TCTD. Nếu so với tỷ lệ của số lượng TCTD thì đây không phải là con số nhỏ. Như vậy, con đường đấy đang đi đúng hướng.
Còn việc giải thể, phá sản các TCTD thì chúng ta cũng sẽ làm nhưng phải lựa chọn phương án nào ít ảnh hưởng đến thị trường, số đông người gửi tiền nhất. Thế nên nói phương án nào đúng là rất khó. Thực tế với mỗi ngân hàng là một bài học riêng, cho nên không có cái nào giống cái nào và không vận động nó thành phong trào bởi nó liên quan rất nhiều đến tiền gửi của người dân.
Trong luật các TCTD thì cho phép các TCTD được huy động gấp nhiều lần vốn pháp định của tổ chức đó, cho nên xử lý các TCTD phải có một mô hình đặc thù. Cho nên Luật phá sản có hẳn một chương để xử lý phá sản các TCTD.
MINH HUỆ
Theo Bizlive
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét