Tiếp nối những kết quả đã đạt được năm 2014, chính sách tiền tệ năm 2015 tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương điều hành một cách chủ động, linh hoạt.
Nhân dịp đầu Xuân, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có những chia sẻ với phóng viên (PV) Báo Nhân Dân chung quanh vấn đề này.
PV: Một trong những thành công lớn nhất về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN năm qua là chính sách tỷ giá. Tuy nhiên, ngay những ngày đầu năm 2015 này, NHNN đã sử dụng mất một nửa giới hạn trong room điều chỉnh 2% cho cả năm của mình. Trong khi, đồng đô-la Mỹ được cho là có khả năng tăng giá nhưng đồng Việt Nam vẫn neo ở mức như năm 2014. NHNN sẽ giải quyết câu chuyện này như thế nào để không tạo ra sự tăng giá giả tạo, thưa Thống đốc?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Thực ra, đồng đô-la Mỹ không chỉ lên giá năm nay mà trong nửa sau của năm 2014 đã tăng cao. NHNN tuyên bố mức điều chỉnh tối đa không quá 2% nhưng rồi chỉ điều chỉnh 1% mà không cần phải dùng đến hết giới hạn. NHNN có thể điều chỉnh từ tháng 11-2014 thêm 1% nữa, nhưng có ba lý do sau đây mà chúng tôi đã không điều chỉnh. Thứ nhất, năm qua, NHNN đã mua vào khá nhiều ngoại tệ ngay từ đầu năm, cùng với tiền đồng Việt Nam đưa ra thị trường khá lớn, dự trữ ngoại hối Nhà nước ở mức khá nên nhu cầu thiết yếu phải tăng thêm dự trữ ngoại hối không còn cấp bách.
Trong khi đó, chúng tôi cũng muốn thu bớt một ít tiền về để chuẩn bị cho năm mới. Thứ hai, đối với doanh nghiệp (DN) thì tháng 11 là thời điểm họ sắp sửa về đích, so sánh kế hoạch kinh doanh cả năm lời lỗ thế nào. Nếu NHNN bất ngờ điều chỉnh thì một số DN sẽ bỗng dưng bị "bốc hơi" lợi nhuận, từ đó làm cho DN khó khăn hơn. Thứ ba, chúng tôi cũng muốn tác động để thị trường hiểu rằng không phải NHNN nói tối đa 2% thì chắc chắn là sẽ điều chỉnh 2% để rồi khi NHNN chưa điều chỉnh thì cứ chờ sự điều chỉnh.
Như thế cũng để thấy rằng nhà điều hành có một tính độc lập riêng và thị trường phải khuất phục. Tôi phải dùng từ khuất phục bởi nếu để thị trường đoán được, thì khi đó sẽ có đồn thổi, rồi tạo ra dư luận, và dùng chính dư luận gây sức ép cho nhà điều hành.
Với ba lý do trên, NHNN đã quyết định không điều chỉnh mà bán ngoại tệ can thiệp để duy trì ổn định. Bước sang đầu năm 2015, chúng tôi mới quyết định điều chỉnh và như chúng ta cũng thấy, thị trường vẫn giữ được ổn định.
PV: Cùng với quan điểm về tỷ giá như nêu trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, với việc phải gánh luôn cả nguồn vốn trung và dài hạn, hệ thống ngân hàng dường như đang phải làm cả những phần việc lẽ ra là của thị trường chứng khoán. Quan điểm của Thống đốc về vấn đề này như thế nào?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Từ trước đến nay thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ luôn có sự tách rời khá lớn trong khi lẽ ra, đó phải là hai vấn đề gắn chặt với nhau. Trong một nền kinh tế thị trường đã có sự phân định rất rõ, chính sách tiền tệ chủ yếu là chính sách vốn ngắn hạn dưới một năm, và thị trường chứng khoán mới chính là nơi cung cấp vốn đầu tư trung và dài hạn.
Nhưng thực tế ở nước ta hiện nay, đến 80% cả vốn lưu động lẫn vốn đầu tư đều nhờ vào hệ thống ngân hàng. Nhu cầu vốn vay ngân hàng càng lớn thì ngân hàng càng phải huy động nhiều vốn trong dân để cho vay ra. Từ đó kéo theo lãi suất huy động càng cao, vượt trên cả các loại cổ tức, lãi suất trái phiếu. Điều này cũng có nghĩa thị trường ngân hàng sẽ "hút" hết tiền của xã hội, và "sân chơi" của thị trường chứng khoán cũng ngày bị thu hẹp. Đây chính là bất cập và khi nhìn nhận rõ điều này, chúng tôi đã quyết định nắn chỉnh lại thị trường tiền tệ để làm sao hỗ trợ tốt hơn nữa, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với thị trường chứng khoán. Và việc đầu tiên chính là nắn chỉnh tín dụng ngân hàng. Nếu trước đây tăng trưởng tín dụng bình quân là 34%/năm, thì từ năm 2011 con số đó đã được khống chế ở mức không quá 20%/năm, và đến nay là 15%/năm. Điều này đã có tác động tích cực trong quan hệ với hai thị trường: Một là,ngân hàng vì không cần nhiều vốn nữa sẽ phải hạ lãi suất xuống. Hai là,so sánh tương quan bên thị trường chứng khoán thì cổ tức sẽ cao lên.
Bởi lẽ nếu trước đây cổ tức là 10% thì với lãi suất huy động là 12 -15%, người dân sẽ đổ xô gửi ngân hàng chứ chả ai dại gì đi mua bên thị trường chứng khoán. Nhưng nay, lãi suất ngân hàng chỉ còn khoảng 6-8%, mà cổ tức là 12-13% thì rõ ràng người dân sẽ phải suy nghĩ lại. Trong khoảng hai năm trở lại đây, chúng tôi điều hành với mức lãi suất như vậy thì người dân đã dần dần tin vào sự ổn định của lãi suất ngân hàng.
Và ở một mức độ nhất định, một phần vốn từ ngân hàng đã có sự chuyển dịch sang bên thị trường chứng khoán. Cùng với đó, NHNN mới đây đã ban hành Thông tư số 36 quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng. Với thông tư này, chúng tôi hướng tới thắt dần "bầu sữa" của hệ thống ngân hàng đổ vào chứng khoán để thay vào đó người dân, thị trường có cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh đó Thông tư 36 cũng vẫn quy định một tỷ lệ giới hạn 5% để ngân hàng đầu tư sang thị trường chứng khoán và thực tế đến thời điểm hiện nay thì room đó vẫn chưa sử dụng hết.
Điều này vừa có lợi cho thị trường chứng khoán để lập lại sự cân đối nhằm phát triển lâu dài và ổn định, đồng thời cũng để góp phần làm lành mạnh thị trường tiền tệ.
PV: Như vậy có thể hiểu, chính sách tiền tệ không đơn độc, tách lẻ mà trong những năm qua đã có sự giao thoa với các lĩnh vực khác như thị trường chứng khoán, đầu tư..., thưa Thống đốc?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Vấn đề ở đây là làm thế nào để tiền nhiều nhằm giúp kéo lãi suất giảm xuống, nhưng lại không gây lạm phát? Và câu trả lời chính là ở thị trường ngoại tệ và thị trường vàng. Việc đầu tiên tôi cần phải làm là chặn đứng vàng hóa và đô-la hóa. Muốn vậy, phải tạo niềm tin vào đồng Việt Nam, làm cho lãi suất đồng Việt Nam trở nên hấp dẫn. Và với động thái điều chỉnh nâng dần lãi suất tái cấp vốn lên mức 15% thời điểm năm 2011 thì ngay sau đó, NHNN đã thu về hàng chục nghìn tỷ đồng. Như vậy, NHNN vừa không phải phát hành thêm tiền mà vẫn thu về nhiều tiền, vừa góp phần kiềm chế lạm phát. Tiền đồng cũng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người dân.
Ngoài ra, cùng với các chính sách tác động thêm về vàng và ngoại tệ, NHNN cũng đã chặn đứng được việc vàng hóa, đô-la hóa, làm cho vàng và ngoại tệ trở thành một kênh đầu tư kém hấp dẫn. Người dân, nhà đầu tư bán ngoại tệ; NHNN mua, đẩy tiền đồng ra ngoài thị trường. Như vậy có nghĩa là NHNN đã vừa kiềm chế lạm phát vừa bảo đảm thanh khoản, mà vẫn không phải phát hành thêm tiền mới. Và một khi thanh khoản bảo đảm, tiền nhiều rồi thì rõ ràng theo cơ chế thị trường, lãi suất cũng sẽ dần dần hạ xuống. Khi lãi suất hạ xuống đến một mức độ nào đó thì nó mới hình thành đường cong lãi suất.
Bởi lãi suất xuống, cùng với tất cả những gì NHNN đã làm trong thời gian qua như góp phần kiềm chế lạm phát, ngăn chặn vàng hóa, đô-la hóa trong nền kinh tế,... thì người dân mới tin vào giá trị đồng Việt Nam. Và khi tin rồi thì lúc đó tiền vay vốn ngắn hạn với tiền gửi trung, dài hạn cũng sẽ khác. Đây là lý do vì sao ta thấy trong hai năm trở lại đây thị trường bắt đầu có mặt bằng lãi suất ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Và trong năm tới, NHNN sẽ phải tiếp tục củng cố để mặt bằng lãi suất này rõ nét hơn nữa, từ đó phân khúc thị trường.
Như vậy, việc tạo ra mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ, cùng với việc kìm tốc độ tăng trưởng tín dụng để mặt bằng lãi suất ổn định, sẽ góp phần tạo mặt bằng lãi suất cho thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư khi muốn mua trái phiếu ba năm sẽ tham chiếu lãi suất ngân hàng là bao nhiêu, có cao hay thấp hơn so với lãi suất trái phiếu hay cổ tức của DN,... Từ đấy trở đi sẽ tạo ra sự cân đối giữa hai thị trường.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thống đốc !
Theo Nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét