Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

BIDV tăng tốc

BIDV tăng tốc


Nhóm cổ phiếu ngân hàng thời điểm đầu năm 2015 có những lúc trở thành đầu tàu kéo thị trường chứng khoán tăng điểm trở lại, trong bối cảnh cổ phiếu các ngành khác liên tục bị chào bán. Trong số các cổ phiếu ngân hàng tăng giá từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 4.2), cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là tăng mạnh nhất, lên đến 21,7% so với mức tăng lần lượt 3,7% và 16,5% của hai ngân hàng lớn khác là VCB (Vietcombank) và CTG (VietinBank).


Tròn một năm niêm yết, không chỉ giá cổ phiếu tăng cao mà thông tin ban đầu cho thấy kết quả kinh doanh trong năm qua của BIDV cũng khá khả quan. Không những vậy, một số tín hiệu khác cho thấy BIDV dường như đang cố gắng tăng tốc trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường.


Lợi nhuận bứt phá


Năm 2014, hàng loạt các thông tư mới bắt đầu có hiệu lực và ảnh hưởng mạnh đến ngành ngân hàng. Một trong số đó là Thông tư 02 thay đổi quy định về cách trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu. Hệ quả là tỉ lệ nợ xấu ở các ngân hàng đang tăng lên. Theo số liệu tổng hợp, tính trung bình 7 ngân hàng niêm yết, tỉ lệ nợ xấu tăng từ 2,16% lên mức 2,43% kể từ đầu năm 2014 đến hết quý III năm này.


Để xử lý nợ xấu, các ngân hàng buộc phải hy sinh lợi nhuận và mức sinh lời cũng giảm đáng ngại. Theo số liệu tổng hợp, mức sinh lời trên tài sản bình quân của 7 ngân hàng niêm yết đã giảm từ 0,92% về mức 0,84% trong 9 tháng đầu năm 2014, theo báo cáo tài chính quý III.



Dù vậy, cũng có ngân hàng ít chịu ảnh hưởng bởi khó khăn chung của thị trường. BIDV là một ví dụ. Năm 2014, BIDV ước lợi nhuận trước thuế đạt 6.065 tỉ đồng. Dù thấp hơn VietinBank về con số tuyệt đối, nhưng tốc độ tăng trưởng của BIDV lại lên đến 14,7%, cao hơn so với mức giảm 5,8% của VietinBank.


Trên thực tế, không chỉ VietinBank mà Vietcombank cũng chứng kiến lợi nhuận năm 2014 giảm so với mức thực hiện năm 2013, dù cả hai ngân hàng này đều hoàn thành kế hoạch đặt ra. Theo lý giải của các ngân hàng này, không phải do tình hình kinh doanh kém đi, mà là do chi phí trích lập dự phòng tăng lên (từ đầu năm ngoái, trong số các ngân hàng niêm yết, chỉ có BIDV và Eximbank đưa ra kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng dương).


Vì chưa có báo cáo tài chính cụ thể nên chưa biết được con số tăng trưởng của BIDV đến từ đâu. Tuy nhiên, trong năm qua BIDV cho biết cũng tích cực xử lý nợ xấu. Tỉ lệ nợ xấu theo công bố của BIDV đã giảm mạnh từ mức 2,37% hồi đầu năm ngoái về mức 1,8% vào đầu năm nay. Một phần là do bán được 6.000 tỉ đồng nợ xấu cho công ty quản lý tài sản VAMC, nhưng phần lớn có lẽ là do tăng trưởng tín dụng quá mạnh vào quý cuối của năm, lên đến 18,9%. Đây là tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong số các ngân hàng báo cáo tính đến thời điểm hiện tại (vượt qua VietinBank ở mức 18,1%), mặc dù tính đến quý III/2014, tín dụng tại BIDV mới chỉ tăng 5,47%.


Mở rộng tài sản


Việc ngân hàng mở rộng tín dụng vào quý cuối năm là chuyện thường thấy. Nhưng đáng chú ý là trong khi Vietcombank và VietinBank tỏ ra thận trọng thì BIDV có vẻ như đang tranh thủ tăng tốc mở rộng thị phần. Có một điểm đặc biệt là trong quý IV/2014 vừa qua, BIDV đã chính thức vượt qua VietinBank để trở thành ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất trong số các ngân hàng thương mại (không tính đến Agribank), trong khi về quy mô vốn, BIDV tương đương với Vietcombank và thấp hơn VietinBank.


Năm nay, BIDV tiếp tục kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỉ đồng, tức tăng đến 23,7% so với năm 2014. Trong khi đó, VietinBank đề xuất mức lợi nhuận tương đương hoặc cao hơn năm trước, còn Vietcombank không nhắc đến con số cụ thể. Một ngân hàng lớn khác là Ngân hàng Quân đội (MBB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.150 tỉ đồng, cao hơn chỉ 50 tỉ đồng so với mức kế hoạch của năm 2014.


Những thông tin trên được đưa ra từ website chính thức của các ngân hàng, chứ chưa phải là kế hoạch được cổ đông thông qua. Dù vậy, tất cả những điều này cho thấy có vẻ như BIDV vẫn đang tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng tài sản.


Một xu hướng đáng chú ý trong năm nay là xu hướng các ngân hàng nhỏ sáp nhập vào ngân hàng lớn. Trong đó, thương vụ Vietcombank với SaigonBank được xem là khá chắc chắn, còn lại những thương vụ có thể xảy ra là giữa BIDV với Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB), giữa VietinBank với Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, hoặc với Ngân hàng Đại Dương.


Không phải là một ngân hàng lớn nhưng MHB có nhiều thuận lợi hơn so với các ngân hàng còn lại. Thuộc sở hữu của Nhà nước, MHB có số lượng chi nhánh vượt trội hơn (nằm trong top 10 Ngân hàng có hệ thống mạng lưới lớn nhất Việt Nam, với gần 240 điểm giao dịch) với thị trường chính (40% thị phần) nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nếu MHB sáp nhập với BIDV thì sẽ có thể giúp BIDV tăng đáng kể về quy mô giao dịch, phục vụ cho mục tiêu bán lẻ của ngân hàng này.


Cho đến nay các ngân hàng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính mà mới chỉ đưa ra một vài con số tăng trưởng, nên chưa thể phân tích cụ thể hơn, cũng như chưa thể nắm rõ được cơ chế tạo lợi nhuận của BIDV vì đặc thù của nó. Niêm yết trên sàn chứng khoán sau Vietcombank và VietinBank, đến nay BIDV vẫn là một trong những ngân hàng trụ cột của Chính phủ với việc tài trợ vốn cho các dự án lớn và ngành kinh tế trọng điểm, cũng như nắm giữ lợi thế từ nguồn vốn chi phí thấp. Tuy vậy, những kết quả công bố hiện tại cho thấy BIDV là một trường hợp đáng chú ý trong nhóm ngân hàng mà Nhà nước nắm tỉ lệ chi phối. Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng thuộc khối tư nhân, chỉ có vài ngân hàng báo cáo và đều có lãi tốt như TPBank hay Ngân hàng Nam Á.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á