TTF: Giải thoát một phần gánh nặng tài chính
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Trong thời gian gần đây, thanh khoản của TTF tăng nhiều so với năm trước, với khối lượng giao dịch trung bình tháng 1 tăng khoảng 50% so với tháng 12. Kể từ đầu năm 2015 đến nay, TTF đã tăng gần 20% và liên tiếp ghi nhận các phiên tăng trần đi ngược xu hướng chung các cổ phiếu trong ngành. Hôm qua, TTF vừa tổ chức Đại hội cổ đông bất thường nhằm chia sẻ các thông tin về tái cấu trúc và kết quả kinh doanh năm 2014 với cổ đông và nhà đầu tư.
Trong các năm gần đây, lãi vay cao gần như “bào mòn” hết lợi nhuận của TTF và dòng tiền hoạt động âm do 2 nguyên nhân: (1)lãi vay cao, với chi phí lãi vay qua các năm trong giai đoạn 2011-2013 luôn duy trì ở mức trên 200 tỷ/năm, chiếm khoảng 13,3% trong doanh thu năm 2013, và 14,1% trong 3 quý đầu năm 2014; (2) quản lý vốn lưu động (đặc biệt là hàng tồn kho) không hiệu quả, với vòng quay tồn kho chỉ 0,55 trong năm 2013.
Quá trình tái cơ cấu tài chính dự kiến sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2015. Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua kế hoạch phát hành thêm 40 triệu cổ phiếu (kì vọng thu về khoảng 400-600 tỷ) phục vụ sản xuất kinh doanh. Ông Thành, Chủ tịch HĐQT cho biết, nếu cổ đông hiện hữu không mua hết thì lượng cổ phiếu này sẽ được bán cho cổ đông tổ chức bên Nhật. Với lượng vốn lưu động được bổ sung thêm, TTF sẽ có cơ hội ổn định kinh doanh, đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm và tồn kho.
Chúng tôi cho rằng ngay cả khi TTF hoàn tất việc tái cấu trúc tài chính, họ chỉ xem như đi 1/3 chặng đường để trở lại là một doanh nghiệp “hấp dẫn” như trước đây.
Nghĩa vụ tài chính vẫn còn rất lớn, thậm chí còn tăng thêm do lãi nhập nợ gốc trong khi khả năng tạo ra dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ chưa rõ ràng. Đồng thời, Doanh nghiệp liên tục thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn dẫn đến EPS bị pha loãng, với EPS 2014 khoảng 759 đồng, tương ứng PE 15,3 cao hơn mức trung bình ngành.
Doanh nghiệp cũng đang đối mặt với rủi ro hàng tồn kho bị mất giá. Với lượng tồn kho tích trữ từ cách đây hơn 3 năm trong khi khoản trích lập dự phòng đến thời điểm này chỉ đạt 0,5% (theo số liệu Quý III/2014). Kế hoạch mở thêm phân khúc sản phẩm trung cấp và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa (mở thêm một số showroom) có thể là một hướng đi nhằm giải quyết hàng tồn kho có nguy cơ bị hao mòn về chất lượng. Chúng tôi dự báo rằng, doanh nghiệp sẽ phải đánh đổi giữa mục tiêu giải phóng hàng tồn kho và biên lợi nhuận.
Ngoài ra, điều chúng tôi còn băn khoăn là 2/3 thị trường tiêu thụ lớn của TTF là Châu Âu (25%), Nhật (15%) vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Sau tài chính, TTF còn rất nhiều việc phải làm ở phía sau để cải thiện chất lượng tài sản lưu động cũng như kết quả kinh doanh.
AAA: Biên lợi nhuận sẽ được cải thiện
CtCK MB (MBS)
AAA công bố kết quả kinh doanh quý IV/2014 của công ty mẹ. Trong quý IV/2014, Công ty phải chịu mức lỗ là 3.2 tỷ VNĐ, so với mức lãi 9 tỷ VNĐ cùng kỳ. Lũy kế đến hết năm 2014, công ty mẹ AAA vẫn lãi ròng 36,3 tỷ đồng, giảm 17,21% so với cùng kỳ.
Công ty công bố do ảnh hưởng của giá dầu thế giới, sự khủng hoảng tại Nga và Ukraina, sự phục hồi yếu của nền kinh tế Châu Âu làm cho việc tiêu thụ sản phẩm của Công ty tại thị trường này ngừng trệ.
Một số khách hàng của Công ty đang bị lỗ, hàng tồn kho lớn và chưa thể tiêu thụ được. Do đó, để hỗ trợ khách hàng và giữ thị trường, Công ty phải giảm giá bán sản phẩm khiến biên lợi nhuận sụt giảm mạnh. Giá bán sản phẩm giảm, trong khi nguyên liệu đầu vào đã được Công ty dự trữ từ trước với giá cao khiến cho biên lợi nhuận của Công ty bị thu hẹp. Chúng tôi đánh giá, giá bán sản phẩm của AAA nhiều khả năng sẽ tiếp tục được giữ ở mức như hiện này trong một đến hai quý tới khi các thị trường tiêu thụ sản phẩm chính của Công ty vẫn chưa hết khó khăn.
Chúng tôi đánh giá, biên lợi nhuận của AAA có khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới khi giá nguyên liệu đầu vào chính của Công ty là hạt nhựa có xu hướng giảm và Công ty sản xuất hết lượng tồn kho nguyên liệu ở mức giá cao.
T.Thúy
Theo Tinnhanhchungkhoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét