Cảm động trước tấm lòng của người thầy giáo hơn 20 năm thiện nguyện vì người nghèo, tình nguyện viên Hoàng An đã chia sẻ những dòng cảm xúc của mình. Dưới đây là câu chuyện của An:
Rời ngành sư phạm sau 20 năm gắn bó, cái tâm thương người nghèo thúc đẩy thầy Đỗ Quang Hạnh đồng hành, chia sẻ cùng những mảnh đời bất hạnh.
Hơn 20 năm hoạt động từ thiện, nhờ có “nhân duyên” với tổ chức Y tế, các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh và nhiều thế hệ học sinh luôn ủng hộ việc từ thiện, nên thầy có điều kiện giúp đỡ nhiều hoàn cảnh kém may mắn. Không chỉ chữa bệnh ở Bến Tre mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam. Thầy Hạnh can thiệp, trợ giúp nhiều bệnh nhân nghèo được mổ tim, phẫu thuật vá môi hở hàm ếch, mổ bướu, mắt, cột sống cũng như vài trường hợp trẻ em bị bại liệt. Thầy còn vận động xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, bê tông hoá cầu đường nông thôn, lập quỹ bảo trợ thiếu nhi, lập hội khuyến học, tổ chức nhà ăn chay tình thương miễn phí cho người nghèo.
Tuy ở tuổi “thất thập”, nhưng thầy Hạnh vẫn đến với công tác từ thiện không mệt mỏi. Nhiều người vẫn thắc mắc chẳng hiểu vì sao thầy hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng này khi tài chính không mấy dư giả, bản thân cũng không nắm giữ quyền cao, chức trọng. Thầy chỉ cười tươi rồi giãi bày: “Thầy làm từ thiện xuất phát từ thiện tâm và cũng do nhân duyên phù trợ!”.
Thầy Hạnh trò chuyện cùng các hoàn cảnh
Việc một thầy giáo nghèo ra sức xây dựng và điều hành nhà ăn chay “Gia đình An Lạc” đi vào hoạt động một năm nay, là cả tâm huyết lớn lao, cộng với việc huy động những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng. Nhà ăn đã cung cấp 450 suất miễn phí hàng ngày cho các cụ già, tàn tật, sinh viên-học sinh, người lao động nhập cư cũng như bệnh nhân nghèo ở bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Chỉ riêng công lao thầy giúp “hồi sinh” cho những số phận không may nhờ phẫu thuật tim thành công, với chi phí điều trị khá lớn đã là một thành quả đáng trân trọng. Mỗi khi giải quyết xong một trường hợp, thầy xếp hồ sơ lại, quên luôn tên họ của bệnh nhân đã được cứu giúp, từ chối mọi hình thức đền ơn để tiếp tục đến với những trường hợp khác.
Thấu hiểu cái tâm nặng lòng với bệnh nhân nghèo, những tình nguyện viên của “Gia đình An Lạc” gồng gánh công việc ở nhà ăn chay để thầy Hạnh dành nhiều thời gian hơn đến với các tỉnh như Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Long An, TP Hồ Chí Minh và khắp các huyện ở Bến Tre nhằm xác minh và lập hồ sơ cho từng trường hợp bệnh nhân chuẩn bị nhập viện.
Có người thương cảm với cái nghèo của thầy nên âm thầm góp một chút tấm lòng như: Mua thẻ điện thoại, đổ xăng xe hay thỉnh thoảng có học trò gửi thầy năm, bảy chục ngàn làm lộ phí, thầy mang về nhập vào quỹ nhà ăn. Bởi nơi đây đã tiếp bước cho bao học sinh nghèo trên con đường tìm đến tri thức. Mặc cho nhiều người khuyên thầy dành thời gian vui sống tuổi già, thầy Hạnh vẫn ngày đêm ấp ủ bao dự án lớn lao như thành lập “Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo”, cô nhi viện ở ngoại ô tỉnh Bến Tre hay phòng khám chữa răng từ thiện cho người nghèo... Dẫu hành trình đầy những gian lao, thầy vẫn không từ bỏ mong muốn ấy, vẫn tiếp tục kêu gọi lòng hảo tâm đóng góp của mọi người từ khắp nơi thầy đến.
Ban ngày là thời gian thầy đến kiểm tra, động viên tinh thần các tình nguyện viên ở nhà ăn chay, rồi đến thăm bệnh nhân nghèo cần giúp đỡ. Tối đến, thầy trao đổi qua e-mail với những bộ phận làm công tác y tế, hỗ trợ xã hội nhằm tìm hướng giải quyết miễn giảm chi phí đối với từng trường hợp bệnh nhân nghèo. Thầy luôn giữ một nguyên tắc cho riêng mình: tiền từ các nguồn hỗ trợ không do thầy trực tiếp nắm giữ để tài chính luôn được minh bạch và tạo niềm tin đối với các nhà hảo tâm.
Những người nghèo các tỉnh miền Tây gọi thầy bằng cái tên trìu mến "Thầy Hạnh", cách gọi chân tình dành cho một vị ân nhân. Còn các thế hệ học trò như chúng tôi thì gọi thầy bằng cái tên "Ông Bụt thời A còng".
Câu chuyện tình nguyện Linvn.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét