Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, hiện nay các chủ đầu tư có xu hướng chuyển từ cho thuê dài hạn đất công nghiệp sang xây dựng nhà xưởng cho thuê.
Báo cáo của Cushman & Wakefield cho hay, trong quý IV-2013 thị trường BĐS khu công nghiệp tại TPHCM không có nguồn cung mới nào đi vào hoạt động. Hiện TPHCM có 18 KCN đang hoạt động với tổng diện tích hơn 3.600 ha, trong đó diện tích có thể cho thuê chiếm 62% tổng diện tích đất, đạt hơn 2.200 ha.
Thời hạn sử dụng đất còn lại của các KCN khoảng 28-45 năm, hay thời hạn sử dụng đất trung bình còn lại khoảng 37 năm. Hầu hết các KCN nằm ở ngoại thành, và chủ yếu tập trung ở các quận/huyện phía Tây. Củ chi và Hóc Môn được xem là hai quận mới nổi cho các dự án KCN do quỹ đất trống còn tương đối lớn.
Giá chào thuê trung bình quý IV-2013 đạt 2.568.000 VNĐ/m2/thời hạn thuê (122USD/m2/thời hạn thuê), giảm gần 2% so với quý trước và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê này cao hơn gấp hai lần so với Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Phần lớn các KCN ở TPHCM có tỷ lệ lấp đầy trên 90% nhờ qua nhiều năm thành lập và vận hành. Tuy nhiên, một số KCN tại huyện Bình Chánh và Củ Chi vừa đi vào hoạt động gần đây nên tỷ lệ lấp đầy vẫn còn thấp, dưới 50%, kéo tỷ lệ cho thuê trung bình toàn thị trường chỉ khoảng 73%, không đổi so với quý trước nhưng tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay các chủ đầu tư có xu hướng chuyển từ cho thuê dài hạn đất công nghiệp sang xây dựng nhà xưởng cho thuê với diện tích khoảng 2.000-3.000 m2. Vấn đề cần tiếp tục được quan tâm là chính sách hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành để thu hút đầu tư.
Từ đây đến năm 2020, tổng nguồn cung ước tính sẽ tăng lên khoảng 3.000 ha, tăng 85% so với nguồn cung hiện tại. Về số lượng các KCN, sẽ có khoảng 30 KCN mới lẫn các KCN mới mở rộng đi vào hoạt động, tăng 12 KCN so với nguồn cung tại thời điểm quý IV-2013.
Theo đánh giá của Cushman & Wakefield hoạt động cho thuê trầm lắng được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra trong những năm tới, điều này sẽ gây áp lực lên giá thuê.
Tuy nhiên, trái với quan điểm của Cushman & Wakefield, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Vietnam cho hay: "Tôi cho rằng bất động sản khu công nghiệp sẽ là phân khúc có triển vọng nhất trong năm 2014.
Theo quan sát của chúng tôi, trong thời gian vừa qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khá là lớn, đặc biệt từ các công ty lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản. Với nguồn vốn đầu tư như vậy sẽ thúc đẩy sản xuất, góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng phân khúc BĐS khu công nghiệp".
Được biết, tổng nguồn vốn đầu từ trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam đã đăng ký và bổ sung thêm trong năm 2013 đạt 21,6 tỷ USD (tăng 54% so với cùng kỳ năm trước). Gần 80% tổng số vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. FDI được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2014.
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét