Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Tài chính ngân hàng không có tác động nhiều sau TPP

Tài chính ngân hàng không có tác động nhiều sau TPP


Đó là khẳng định của TS.Trịnh Minh Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế khi vấn đề tiếp cận thị trường, nhất là thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng đang là một trong những trở ngại lớn của đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

Mặc dù, theo đánh giá chung của Ngân hàng HSBC thì sau TPP, tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ Việt Nam sẽ giảm 9,6% trong 10 năm tới.


Thậm chí, TS. Trịnh Minh Anh cũng chia sẻ: “Trong 2 năm gần đây, chúng ta có thể tự hào nhờ kinh tế thế giới khủng hoảng chúng ta xuất siêu một tí ti nhưng dịch vụ chúng ta liên tục nhập siêu”.


Song nhìn riêng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Trịnh Minh Anh nói: “Hiện nay, sân chơi của chúng ta có vẻ bình lặng và những vấn đề sau TPP còn là câu chuyện ở phía trước. Nhưng tôi tin với những động thái điều hành của nền tài chính ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây thì sẽ không có tác động nhiều sau TPP”.


Để lý giải cho nhận định của mình, ông Trịnh Minh Anh đưa ra “ví dụ nhãn tiền” về mở cửa ngành dịch vụ nói chung và dịch vụ tài chính ngân hàng nói riêng ở Việt Nam trong các hiệp định tự do thương mại trước đây.


Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam biết đến khái niệm cam kết mở cửa dịch vụ là trong đàm phán Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ và khi đó những lo ngại ngành dịch vụ khổng lồ của Mỹ sẽ “nuốt chửng” ngành dịch vụ Việt Nam, trong đó có dịch vụ tài chính ngân hàng đã làm quá trình đàm phán kéo dài mất 4 năm mới được ký kết.


Nhưng đến nay, sau 14 năm, chẳng thấy có ngân hàng nào "chết" do Mỹ “giày xéo”. Ngược lại Việt Nam còn phát triển tốt. Chỉ một năm sau Hiệp định thương mại song phương trên, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng từ khoảng 1 triệu USD lên 1,4 tỷ USD. Trong khi, Mỹ xuất khẩu ngược lại chỉ có vài trăm triệu và đến giờ Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 25 tỷ USD.


Tuy nhiên, trước đây mức độ mở cửa ngành dịch vụ của Việt Nam không quá cao. Với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Mỹ ký năm 2000, Việt Nam chỉ mới mở 8/11lĩnh vực dịch vụ và 95/165 phân ngành dịch vụ cho Mỹ.


Trong khi, tham gia TPP, Việt Nam phải cam kết mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức độ sâu hơn nên tác động cũng sẽ lớn hơn.


Theo TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), vì chất lượng dịch vụ của chúng ta còn nhiều vấn đề trong khi nước ngoài có nhiều lợi thế hơn nên cạnh tranh sẽ rất khốc liệt.


Trước những lo ngại trên, ông Trịnh Minh Anh trấn an: “Những kết quả dự báo trước đây về tác động tiêu cực khi mở cửa ngành dịch vụ nói chung và ngành tài chính ngân hàng nói riêng sau khi gia nhập WTO và Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Mỹ đều sai”. “Thực tế lịch sử chứng minh là không có 1 nền kinh tế nào phát triển được nếu không 'chơi' với Mỹ, kể cả những đối tác phát triển mạnh nhất về dịch vụ”, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.


Minh Hằng


Stockbiz




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á