Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá đơn điệu và nhỏ bé

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá đơn điệu và nhỏ bé


Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM, ông Trần Đắc Sinh nhận định : "Chính vì thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá nhỏ bé nên chưa thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài".

Tại Hội nghị phát triển thị trường chứng khoán năm 2014 tại Hà Nội vừa qua, một báo cáo cho thấy giá trị giao dịch trung bình trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ đạt khoảng 88 triệu USD/ngày.


Đây được xem là mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á khi con số này tại một số thị trường khác như Thái Lan là 1,5 tỷ USD/ngày, Malaysia là 625 triệu USD/ngày, Indonesia là 528 triệu USD/ngày, Philippines là 426 triệu USD/ngày.


Nhìn nhận vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HSX) - ông Trần Đắc Sinh cho rằng : "Chính vì thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá nhỏ bé nên chưa thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài".


Theo số liệu Bloomberg công bố cuối năm 2012, giá trị vốn hóa của thị trường Việt Nam cũng không cao chỉ khoảng 45 tỷ USD tổng cộng cả 2 sàn. Số liệu này nhỏ hơn nhiều so với các thị trường chứng khoán trong khu vực như Thái Lan 460 tỷ USD, Indonesia 427 tỷ USD, Philippines 186 tỷ USD.


Quy mô lớn nhất của công ty Việt Nam hiện tại cũng chưa vượt được 5 tỷ USD, trong khi đó quy mô của công ty lớn trong khu vực đã vào khoảng 30 tỷ USD. Số lượng các công ty có vốn hóa lớn hơn 1 tỷ USD niêm yết tại HSX là 8 công ty, trong khi tại Thái Lan có 23 công ty với giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trên 10 triệu USD. Điều này cho thấy, quy mô thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn rất nhỏ đối với các nhà đầu tư quốc tế.


Các chuyên gia cũng nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn khá đơn điệu và thiếu nhiều loại sản phẩm hấp dẫn nhà đầu tư. Hàng hóa trên thị trường còn rất căn bản. Hiện nay, thị trường chứng khoán vẫn chỉ có cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. Mặc dù, đây là những hàng hóa cơ bản trên thị trường cơ sở nhưng vẫn rất cần thiết có những loại sản phẩm phái sinh, sản phẩm phụ trợ để phục vụ cho nhiều mục đích đầu tư, giao dịch khác nhau. Quy mô nhỏ hẹp, thanh khoản trên thị trường thấp đã dẫn đến quá trình hình thành giá dễ bị ảnh hưởng nếu có những giao dịch lớn xảy ra. Ngoài ra, rất nhiều vấn đề trong cấu trúc thị trường cũng làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài.


"Nới room": 60% vẫn chưa thể thỏa mãn hoàn toàn


Vào tháng 11/2013, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng dự thảo quyết định về việc tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, nội dung mới nhất của đề xuất lần này là nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài ở các công ty niêm yết lên mức 60%, thay vì mức 49% như hiện nay. Đối với cổ phiếu không có quyền biểu quyết, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua không giới hạn. Ở các công ty chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 100%, thay vì tối đa là 49%. Với chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 100% (hiện nay tối đa là 49%).


Trả lời phỏng vấn với phóng viên BizLIVE vào một ngày đầu năm 2014, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Maybank KimEng có nói: "Việc mở rộng 60% theo tôi chưa thỏa mãn hoàn toàn các nhà đầu tư. Bởi vì họ vẫn mong muốn được sở hữu nhiều hơn nữa nhất là đối với những doanh nghiệp kinh doanh tốt, những lĩnh vực không hạn chế đầu tư".


Trong khi đó, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc công ty chứng khoán HSC cũng nhìn nhận rằng, nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam rất khó khăn vì với những cổ phiếu lớn, hạn mức dành cho nhà đầu tư nước ngoài đã hết, trong khi thị trường lại có nhiều mã cổ phiếu quá nhỏ, thanh khoản thấp, không phù hợp để nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư với số lượng lớn.


Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều đến chuyện nới room, vì hiện nay phần lớn các công ty tăng trưởng tốt đều đã "kín room", nhà đầu tư nước ngoài không còn cơ hội tham gia đầu tư vào các công ty đó nữa.


Đơn cử như trong số 302 cổ phiếu niêm yết trên sàn TP. HCM thì có 21 cổ phiếu đã kín room như VNM của Vinamilk, DHG của Dược Hậu Giang, HCM của công ty chứng khoán TP. HCM, FPT của Tập đoàn FPT....(số liệu: Báo Lao động).


Như vậy, việc nới room cho khối ngoại lên mức 60% sắp tới sẽ là một thay đổi tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam đặc biệt khi thị trường Việt Nam đang nhìn nhận là khá đơn điệu và nhỏ bé. Song theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp này tuy sẽ giải quyết được một phần nhất định nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng đến một giai đoạn nhất định, giới hạn nào rồi cũng sẽ đến hạn mức, phần "room" được nới rộng thêm cũng sẽ cạn. Khi đó, thị trường cũng sẽ lại đứng trước một áp lực khác mà không phải là con số 60%.


Theo Diễn Đàn Đầu Tư




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á