Thời gian qua, thị trường bất động sản "đóng băng" khiến các dự án "treo" ngày càng gia tăng. Tại Hà Nội, hàng loạt dự án chậm triển khai, đang được Sở TN&MT đề nghị thu hồi với diện tích gần 9,7 triệu mét vuông đất.
Tuy nhiên, ứng xử thế nào đối với các dự án "treo" vẫn đang là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Cân nhắc từng dự án
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nếu thu hồi đất đối với các dự án "treo" đã được GPMB hoặc có thể triển khai một phần (chưa kể, có những dự án đã đem thế chấp ngân hàng, huy động vốn của các nhà đầu tư và khách hàng) sẽ gây thiệt hại cho cả Nhà nước, doanh nghiệp lẫn người dân có đất bị thu hồi. Do đó, việc sử dụng công cụ thuế luỹ tiến vẫn là giải pháp tốt hơn thay vì thu hồi các dự án "treo".
Một khu đất dự án biến thành Trung tâm sửa xe trên đường Lê Văn Lương kéo dài. Ảnh: Thanh Hải
Không đồng tình với phương án đánh thuế lũy tiến, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, do thị trường suy thoái, chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên chưa triển khai được. Nếu đánh thuế lũy tiến, doanh nghiệp càng thêm khó khăn, trong khi dự án vẫn nằm đấy. "Việc đánh thuế chỉ nên áp dụng ở thời điểm thị trường bất động sản còn tốt, hoặc đối với các dự án mà giới đầu cơ đã "ôm đất". Trong thời điểm hiện tại, nên cân nhắc, phân loại từng dự án để có cách xử lý thích hợp, lý do tại sao dự án chậm triển khai. Đối với các dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), phải kiên quyết thu hồi, nhưng chỉ đền bù phần nào, thậm chí không đền bù. Nếu thu hồi, phải có kế hoạch sử dụng khu đất đó. Đối với các dự án ở khu vực ngoại thành, có thể thu hồi đấu giá đất để phát triển trang trại. Còn ở khu vực nội thành, phải cân nhắc kỹ, nếu thu hồi lại phải bỏ tiền ra để quản lý khu đất, trả lại tiền cho nhà đầu tư, vậy cơ quan chức năng lấy tiền đâu để trả?" - ông Liêm nêu quan điểm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội, có thể xem xét tạo điều kiện cho chủ đầu tư có thêm thời gian huy động vốn triển khai dự án. Đối với những dự án do chủ đầu tư cố tình chây ỳ hoặc không có động thái triển khai, sẽ áp dụng biện pháp mạnh là thu hồi. Sở đã đề xuất với UBND TP Hà Nội phương án xử lý các dự án đã thu hồi.
Để hạn chế tình trạng chậm triển khai dự án, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án. Khi hết thời hạn, nếu doanh nghiệp không hoàn thành theo tiến độ, các quận, huyện phải báo cáo TP và phối hợp với Sở TN&MT lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định. TP đã giao Sở KH&ĐT rà soát các dự án đã được giao chủ đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không thực hiện theo tiến độ, chủ động thanh, kiểm tra và làm các thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với những dự án vi phạm. Đối với dự án đã được gia hạn, phải nhanh chóng khắc phục vi phạm. Đối với các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện, phải thu hồi dự án để ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, trường học, hoặc tìm đối tác để chuyển nhượng, liên doanh liên kết.
Trong năm 2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành 13 quyết định thu hồi đất đối với 11 tổ chức, với tổng diện tích đất 9.678.406m2. Trong số diện tích thu hồi, dự án Khu đô thị Tây Quốc Oai (huyện Quốc Oai) chiếm tới hơn 9,4 triệu m2. Ngoài ra, UBND TP đang xem xét chỉ đạo việc lập hồ sơ thu hồi đất đối với 3 dự án, diện tích dự kiến thu hồi 33.921m2 đất.
Theo Kinh Tế Đô Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét