Giữa lúc dồi dào nguồn tiền, tín dụng gặp khó, một số ngân hàng đã "tự cứu" mình bằng cách hạ lãi suất huy động, một số khác chọn cách kích cầu từ cho vay cá nhân.
Với tốc độ dư nợ tín dụng tăng trưởng âm 0,5% trong tháng 1/2014 và dự báo tăng yếu trong tháng 2, trong khi lượng tiền gửi vào ngân hàng lại tăng mạnh, hiện nguồn tiền trong các ngân hàng trở nên dồi dào hơn bao giờ hết.
Thanh khoản tăng cao, nhiều ngân hàng đã bắt đầu hạ lãi suất huy động trong khi đầu ra gặp khó khăn. Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã phát thông báo giảm lãi suất tiết kiệm truyền thống kỳ hạn từ 1 - 2 tháng chỉ còn 6,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng lãi suất là 6,6%/năm (tức lãi tiết kiệm kỳ hạn ngắn hạn giảm khoảng 0,4%/năm so với trước đây).
Hay như tại Sacombank, với số tiền dưới 50 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng (lãi cuối kỳ), lãi suất được ngân hàng này áp dụng ở mức 6%/năm, giảm khoảng 0,5% so với đầu tháng 2. Với số tiền gửi trên 50 triệu đồng, ngân hàng này áp dụng lãi suất 6,6%/năm, giảm 0,3%/năm so với trước đây.
Một số ngân hàng khác như An Bình (ABBank), SeaBank cũng hạ lãi suất đầu vào các kỳ hạn ngắn hạn thêm khoảng 0,1%-0,2%.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt để giải quyết ách tắc cho nguồn tiền vẫn là việc các ngân hàng phải chủ động khơi dòng tín dụng, kích cầu tín dụng giữa lúc doanh nghiệp gặp khó khăn.
Lấy ví dụ Ngân hàng Quốc Tế (VIB), nhà băng này cho biết đã chính thức triển khai gói 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi bất động sản/cá nhân kinh doanh/ mua ôtô với mức lãi suất từ 9,99%/năm không đổi trong 12 tháng đầu của khoản vay hoặc 7,77%/năm trong 3 tháng đầu.
Theo đó, từ 24/02 đến 31/03/2013, khách hàng cá nhân vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà hoặc vay phục vụ sản xuất kinh doanh, hoặc mua ôtô tại VIB với khoản vay từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi không đổi 9,99%/năm trong 12 tháng đầu.
Với khoản vay từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng, mức lãi suất ưu đãi trong 12 tháng đầu là 10,99%/năm. Đối với khách hàng vay trong thời gian ngắn, VIB cũng đưa ra lãi suất ưu đãi là 7,77%/ năm trong 3 tháng đầu. VIB cho biết, khách hàng sẽ không phải trả phí định giá tài sản nếu không thực hiện khoản vay. Từ tháng thứ 13, mức lãi suất sẽ được điều chỉnh theo điều kiện của thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hạ lãi suất là tất yếu trong bối cảnh hiện nay và cũng là tiền đề để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Theo đó, với tình hình hiện tại, đã đến lúc cơ quan điều hành nên thả nổi lãi suất mà không gây biến động. Ngân hàng Nhà nước cần gỡ bỏ trần lãi suất huy động và để thị trường điều tiết dòng tiền.
Theo Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét