Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

CPH sẽ hấp dẫn NĐT ngoại

CPH sẽ hấp dẫn NĐT ngoại


Đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để nâng tỷ lệ sở hữu và triển khai sớm các sản phẩm mới để thu hút nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Đó là 2 trong số nhiều giải pháp quan trọng nhằm phát triển TTCK 2014 được nhiều thành viên kiến nghị.

Đẩy mạnh CPH và đưa lên niêm yết


Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, cho rằng CPH DNNN không những tạo ra đổi mới trong hoạt động mà còn cung cấp thêm hàng hóa chất lượng cho TTCK. Hiện UBCKNN thường xuyên phối hợp các cơ quan liên quan để triển khai chủ trương CPH của Chính phủ, cùng với Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) sẵn sàng lên các kế hoạch theo chương trình CPH để triển khai việc đấu giá các DN trên sàn chứng khoán.


Còn theo ông Trần Thanh Tân, CEO Vietfund Management kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ quản lý quỹ, năm 2014 sẽ khởi đầu cho chu kỳ tăng trưởng mới của TTCK Việt Nam cho đến năm 2019-2020. Tuy nhiên, sự tăng trưởng không giống như năm 2007 mà sẽ bền vững, an toàn và đi vào chiều sâu.


Một trong những điểm được ông Tân kỳ vọng là những tín hiệu về CPH DNNN đã được phát đi, giúp thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. “Khi tiếp xúc với NĐTNN, chúng tôi vẫn luôn lỗi hẹn về chương trình này, tuy nhiên lần này việc CPH đã được xác định. Việc mở room trên sàn là hợp lý nhưng điểm mạnh để có thể bán được nhiều hàng hóa chính là CPH. CPH sẽ có tác động lớn đến kinh tế và TTCK Việt Nam” - ông Tân nói.


TTCK hiện có khoảng 800 công ty niêm yết, đăng ký giao dịch, nhưng số lượng công ty có quy mô vốn lớn, hiệu quả kinh doanh, quản trị tốt... chiếm tỷ trọng khá thấp. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của NĐTNN với TTCK Việt Nam. Chính vì vậy, tăng hàng hóa chất lượng trên thị trường sẽ tạo sức hấp dẫn cũng như khả năng hấp thụ vốn của NĐTNN. Giải pháp cho vấn đề này chính là đẩy mạnh CPH các DNNN và khuyến khích các DN đại chúng tham gia niêm yết, đặc biệt là các DN lớn đóng vai trò quan trọng tăng cường hàng hóa chất lượng cho thị trường.


Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ các công ty niêm yết, cho rằng Nhà nước cần lấy TTCK làm hình mẫu cho tính minh bạch, góp phần làm khỏe DNNN. Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng khác là cần thoái vốn nhà nước tại các DN niêm yết mà Nhà nước còn nắm trên 50% trong những ngành không cần kiểm soát.


Đồng quan điểm, theo ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TPHCM, cho rằng cần thực hiện việc niêm yết và giao dịch CP ngay sau khi IPO như thông lệ quốc tế. Bởi một công ty đủ điều kiện IPO và thực hiện thành công IPO cũng đủ điều kiện niêm yết ngay lập tức. Việc này tránh rủi ro làm giá trên thị trường OTC. Bên cạnh đó, quy định CPH DNNN cần có thực chất, tức phải bán ít nhất 20% tổng lượng CP ra công chúng mà không có ngoại lệ


Nới room, đa dạng hóa sản phẩm


Trong kiến nghị để TTCK có thể tiếp tục tăng lên một cách ổn định và bền vững trong những năm tới, CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng Chính phủ cần ban hành quy định nới room lên mức tối đa (100% nếu có thể) nhằm cho phép NĐTNN được phép đầu tư không hạn chế vào CP có quyền biểu quyết tại công ty đại chúng không thuộc những ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước cần kiểm soát.


Nếu trong trường hợp quy định nới room lên mức tối đa không được ban hành, SSI đề xuất HOSE triển khai sớm sản phẩm NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết). Đồng thời đề xuất sáng lập một bảng giao dịch dành riêng cho các giao dịch của NĐTNN, nhằm mục đích đăng ký và niêm yết giá mua/bán và giao dịch thỏa thuận của các CP hết room, để tăng minh bạch giữa các NĐTNN lẫn nhau.


Theo ông Johan Nyvene, các sản phẩm phái sinh trên TTCK thế giới khá đa dạng nhưng ở Việt Nam hầu như không có. Do vậy, để thu hút được khối ngoại đầu tư nhiều hơn nên xem xét triển khai NVDR. Bởi so với phát hành CP không có quyền biểu quyết, NVDR có nhiều ưu điểm hơn. CP không có quyền biểu quyết đòi hỏi DN phải phát hành thêm CP.


Nhưng khi NĐTNN muốn tăng sở hữu, DN không muốn phát hành thì phương án sẽ bị bế tắc. Trong khi đó, NVDR không ảnh hưởng đến việc phát hành CP nhằm tăng vốn của DN. Khi sở hữu nước ngoài chạm tối đa, nếu muốn tăng sở hữu họ mua NVDR của CP đó. NĐT sở hữu NVDR được hưởng mọi quyền lợi tài chính của CP nhưng không hưởng quyền biểu quyết.


Theo ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT HOSE, để thị trường phát triển đồng bộ, thu hút vốn nước ngoài phải đa dạng hóa các sản phẩm phái sinh, vì NĐTNN không chỉ mua chứng khoán cơ sở mà còn mua các sản phẩm mang tính bảo hiểm lẫn nhau. Nếu NVDR có thể được triển khai sẽ giúp giải quyết tốt bài toán về room cho NĐTNN, từ đó nâng cao thanh khoản và quy mô chứng khoán.


Hà My


Saigondautu




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á