Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này đang đề xuất lên Chính phủ nới thời hạn cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng lên 15 năm thay vì 10 năm như hiện nay.
Nếu đề xuất này được thông qua thì những người có nhu cầu thực sự về nhà ở có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng. Kỳ vọng nhiều, tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói vốn này, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Thêm cơ hội vay vốn ưu đãi
Lãnh đạo Vụ tín dụng - NHNN và Cục Quản lý nhà ở (Bộ Xây dựng) vừa có buổi làm việc để bàn về các giải pháp đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ. đồng. Theo đó, một trong những khó khăn sẽ sớm được xem xét tháo gỡ là việc kéo dài thời hạn cho vay lãi suất ưu đãi, có thể lên đến 15 năm để tạo điều kiện cho người dân tích đủ vốn mua nhà. Theo quy định hiện hành, từ 1/6/2013, thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi tối đa đối với khách hàng cá nhân là 10 năm và không quá 5 năm với doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà.
Tư vấn cho khách hàng về thủ tục vay vốn tại chi nhánh OceanBank Trung Yên. Ảnh: Mạnh Dũng
Đề xuất này nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân. Anh Nguyễn Văn Lam (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, gia đình anh đang có nhu cầu vay khoảng 300 triệu để đóng tiền đợt 2 căn hộ chung cư khu vực Hoàng Mai. Nếu thời hạn vay tối đa lên 15 năm thì áp lực trả nợ gốc và lãi hàng tháng sẽ giảm đi rất nhiều. Với thu nhập 2 vợ chồng khoảng 12 triệu đồng/tháng, cơ hội để ngân hàng chấp nhận cho anh Lam vay vốn cũng sẽ tăng lên.
Ông Phạm Quang Tùng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, BIDV rất ủng hộ đề xuất kéo dài thêm thời gian vay đối với người mua nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội. "Qua một thời gian triển khai cho vay, BIDV nhận thấy ngoài chuyện lãi suất vay thì thời hạn cho vay 10 năm đối với người thu nhập thấp là hơi "căng", nên nếu kéo giãn thời gian này sẽ tạo điều kiện cho người mua nhà có thêm điều kiện trả đều đặn lãi vay hàng tháng cho ngân hàng" - ông Tùng nói.
Bên cạnh đề xuất kéo dài thời gian vay vốn, đại diện NHNN cho biết, cơ quan này đang kiến nghị tăng thêm số lượng các ngân hàng được cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Hiện, lãi suất áp dụng cho năm 2014 của gói hỗ trợ cho vay nhà ở là 5%/năm.
Tốc độ giải ngân vẫn chậm
Dù nhận được nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, tốc độ giải ngân của gói cho vay lãi suất ưu đãi 5% này vẫn rất chậm. Thông tin từ NHNN cho biết, đến ngày 31/1, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 2.246 khách hàng với tổng số tiền đạt 2.324,3 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 2.218 khách hàng với tổng dư nợ 1.068,5 tỷ đồng, tương đương hơn 3,5%.
Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho 2.231 khách hàng vay với tổng số tiền 801,6 tỷ đồng và đã giải ngân theo tiến độ cho 2.208 khách hàng với dư nợ 533,7 tỷ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, đến nay NHNN đã xác nhận đăng ký của BIDV, VietinBank, Agribank được ký hợp đồng tín dụng với 15 doanh nghiệp với tổng số tiền cam kết 1.501 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,7% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở dành cho doanh nghiệp. Số tiền đã giải ngân cho 10 doanh nghiệp (11 dự án) là 534,8 tỷ đồng. Riêng tháng 1/2014, NHNN đã xác nhận việc đăng ký cho vay hỗ trợ nhà ở bằng nguồn tái cấp vốn của NHNN theo quy định đối với 3 dự án vay vốn tại BIDV với tổng số tiền được xác nhận đăng ký vay là 263 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được xác nhận lên 16 dự án.
Những số liệu trên cho thấy, tốc độ giải ngân của gói tín dụng được mong chờ này còn chậm và quá ít so với kỳ vọng của người mua nhà. Bên cạnh các yêu cầu chặt chẽ về khả năng trả nợ của ngân hàng thì thủ tục rườm rà, nguồn cung nhà ở xã hội chưa nhiều được coi là nguyên nhân "níu chân" quá trình đẩy vốn 30.000 tỷ đồng ra nền kinh tế.
Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Xây dựng, NHNN trong năm 2014 tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội và tốc độ giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng. Điều này mang lại những hy vọng mới không chỉ với thị trường bất động sản mà còn với nhiều người có nhu cầu nhà ở thực sự hiện nay.
"Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng phải giải quyết dứt điểm các cản trở về thủ tục để đưa gói tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng đi vào thực tế, bởi nhu cầu, sức mua và thanh khoản của thị trường nhà ở là có thực. Tất nhiên, đây là nhiệm vụ không đơn giản vì cơ chế cho vay vẫn là ngân hàng chịu trách nhiệm về tính an toàn khoản vay." - TS Lê Xuân NghĩaViện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh
Theo Kinh Tế & Đô Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét