Bán nhà theo phương pháp tính diện tích tim tường, chủ đầu tư đã thu lợi nhiều tỷ đồng so với cách tính tim tường bao. Kể từ ngày 8/4, phương pháp này sẽ bị xóa bỏ tuy nhiên thiệt hại về tài chính của người mua nhà trước đó thì ai sẽ chịu trách nhiệm.
Liệu các chủ đầu tư có chịu móc hầu bao đền bù thiệt hại cho người mua nhà?
Sau 3 năm thực thi, ngày 20/2, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư 03/TT- BXD sửa đổi một số điều tại thông tư 16/2011. Trong đó, nội dung quan trọng được sửa đổi theo hướng có lợi cho người dân. Bộ Xây dựng quy định, các chủ đầu tư khi bán nhà phải tính diện tích theo phương pháp thông thủy, không được tính cột, hộp kỹ thuật, tường bao, tường ngăn vào diện tích nhà.
Việc sửa đổi xuất phát từ việc thông tư 16 chưa quy định rõ về phương pháp tính diện tích khiến cho chủ đầu tư và người dân đều không có cơ sở tham chiếu vì vậy đã xảy ra tranh chấp nảy lửa giữa cư dân và chủ đầu tư. Thêm vào đó, cách tính diện tích theo tim tường đưa ra tại Thông tư 16 là trái với Luật Nhà ở và Nghị định 71 (Nghị định hướng dẫn thực hiện luật này) và Bộ Luật dân sự. Không tách bạch được phần sở hữu chung và sở hữu riêng trong các căn hộ chung cư.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Xây dựng ban hành thông tư 16 sai đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân thì trách nhiệm Bộ Xây dựng đến đâu? 3 năm qua những người mua nhà đã phải chi trả từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng do chênh lệch diện tích giữa hai cách tính. Vậy, các chủ đầu tư sau khi "ôm" cả cột nhà vào hợp đồng mua bán, thu tiền rồi có dễ dàng rút hầu bao trả lại cho người mua nhà hay không?....
2 cách tính vênh nhau cả trăm triệu đồng
Sau khi có thông tin này, PV đã ghi nhận nhiều ý kiến của người dân xung quanh thay đổi mới.
Chị Nguyễn Ánh Nhung (cư dân chung cư Trung Hòa, Nhân Chính ) cho biết, chị đã mua căn hộ chung cư 110m2 tại Cầu Giấy, Hà Nội, giá bán 38 triệu đồng/m2. Hợp đồng mua nhà quy định cách tính diện tích thông thủy. Tuy nhiên, nếu tính phương án tim tường diện tích thực tế chị được sử dụng chỉ có 106m2 như vậy chị đã phải chịu thiệt 4m2 tương đương 152 triệu đồng. "Số tiền này không hề nhỏ nhưng chủ đầu tư đã áp đặt trong hợp đồng sẵn như vậy nên chúng tôi phải chấp nhận. Bao lâu nay, tôi chưa thấy có tiền lệ chủ đầu tư để khách hàng được tự thương thảo về tính diện tích. Họ đã phích sẵn khách hàng chỉ việc theo", chị Nhung cho biết.
Bà Trịnh Thúy Mai (cư dân chung cư Keangnam) đặt câu hỏi, theo Thông tư 03 có hiệu lực từ 8/4 thì chỉ những hợp đồng sau này được giải quyết, còn hợp đồng đã ký kết trước đó tính thế nào? "Trong hợp đồng mua bán không hề đề cập đến sở hữu chung này (cột, hộp kỹ thuật) và không hiểu khi đưa ra tòa thì tòa xử như thế nào?. Rồi sổ đỏ đã cầm rồi, tới đây đưa đi sửa lại cũng rất phức tạp", bà Mai nói.
Anh Nguyễn Công Cảnh (cư dân chung cư The Sparks, Nam Cường) cho biết: "Các cư dân ở đây đã đấu tranh không mệt mỏi với chủ đầu tư về việc nhập nhèm cách tính căn hộ. Bây giờ, theo quy định mới, chúng tôi muốn được hoàn trả lại số tiền chủ đầu tư đã tính thừa. Tuy nhiên, ai sẽ là người đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của hàng nghìn cư dân khi mà chủ đầu tư đã đút tiền đầy túi?".
Chị Phương, một cư dân mua nhà tại dự án khu đô thị Dương Nội cho rằng: Điều khoản quy định tính diện tích chung cư theo thông thủy sẽ là cơ sở rõ ràng, minh bạch hơn cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà tại các dự án chung cư. Nhiều cuộc tranh chấp diện tích đã xảy ra là do Thông tư 16 của Bộ Xây dựng không thống nhất với Luật Nhà ở và Nghị định 71. Việc sửa đổi, đưa ra quy định cụ thể cách tính diện tích căn hộ chung cư theo kích thước thông thủy tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần này có thể là do Bộ Xây dựng đã nhận thấy sự bất hợp lý, nhưng đây là cách sửa sai cho tương lai.
Cần có phương án giải quyết thiệt hại
Theo quy định thông tư 03, từ ngày 8/4 tới đây các dự án phải áp dụng phương pháp tính diện tích thông thủy. Còn những dự án mà chủ đầu tư đã bán trước đây vẫn chiếu theo hợp đồng đã ký kết giữa người mua nhà và chủ đầu tư. Như vậy, vô hình chung người dân phải chấp nhận chịu thiệt thòi do lỗi vô tình của cơ quan quản lý nhà nước!?
Tại phiên chất vấn Ủy ban pháp luật Quốc hội chiều ngày 25/2, TS.Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định, dù hướng dẫn 2 cách tính nhưng các chủ đầu tư chỉ áp dụng theo cách tính tim tường, có lợi cho họ và gây thiệt hại cho người dân mua chung cư. Chủ căn hộ tầng thấp, cột chiếm tới cả chục m2, lên tầng cao cũng căn hộ như thế nhưng diện tích cột chiếm ít hơn, khiến diện tích sử dụng thực tế của hai căn hộ có sự chênh lệch khá lớn.
Vì thế, việc quy định cách tính diện tích theo tim tường trong Thông tư 16 không phù hợp với luật, cần giải quyết hậu quả như thế nào? Ông Sơn đề nghị Bộ Xây dựng phải có phương án giải quyết thiệt hại trình Ủy ban pháp luật. "Phải điều tra xem có bao nhiêu căn hộ bị "ôm" cả cột…. Lợi ích thuộc về ai khi có cả triệu căn nhà "ôm" thêm cả cái cột, hộp kỹ thuật như thế? Giải quyết, bồi thường hậu quả như thế nào đối với những hợp đồng đã ký?" ông Sơn yêu cầu.
Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nếu doanh nghiệp đã thu rồi thì giờ tính toán trả lại cho người dân.Tuy nhiên, phương án này xem ra khó khả thi bởi doanh nghiệp bất động sản lâu nay rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Giờ lấy đâu ra cả vài chục tỷ đồng đề đền bù cho người dân.
Theo VnMedia
NDH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét