Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Những dấu mốc VN-Index

Những dấu mốc VN-Index


Các điểm mốc là nơi ghi dấu những thắng lợi có thể là siêu phàm nhưng cũng là nơi để lại những vết thương khó lành cho rất nhiều nhà đầu tư.

Dù sao, các điểm mốc vẫn là cái không thể thiếu cho thị trường và nhà đầu tư, tất cả họ vẫn phải luôn nhìn lại những điểm mốc đó để người thì nhấm nháp chiến thắng và kẻ thì lặng lẽ ôn lại các bài học xương máu sau các đợt sóng thị trường.


Ngày 01/04/2013, lần đầu tiên chỉ số VN-Index tái lập mốc trên 500 điểm sau khi để rơi tuột mất điểm mốc này hơn hai năm trước đó vào ngày 18/02/2011. VN-Index sau đó đã phải mất 7 tháng rưỡi liên tục chiến đấu, lên xuống vất vả quanh mốc 500 điểm để rồi chính thức khẳng định trụ lại trên mốc này vào ngày 15/11/2013 (501.34 điểm).


Tiếp nối chặng đường gian nan trên, đã có những phiên VN-Index bị kéo xuống mon men ngưỡng nhạy cảm 500 điểm (ngày 30/12/2013: 500.35 điểm), nhưng có thể nói thời gian tích lũy đã đủ dài, 9 tháng trời, để VN-Index có nội lực đủ mạnh, lần lượt phá tung hàng loạt các mốc điểm chẵn sau đó: 510 - 520 - 530 - 540 - 550 - 560 và rồi là 570 điểm vào ngày 13/02/2014.


Trong phiên giao dịch ngày 20/02/2014, đã có lúc VN-Index hưng phấn nhảy vọt qua mốc 580 lên tới 584.10 để rồi sau đó mệt mỏi thả mình rơi xuống còn 571.0 điểm, từ 578.10 của ngày hôm trước 19/02.



Diễn biến của VN-Index trong 3 năm gần nhất


Nhìn lại chặng đường vượt các ngưỡng điểm chẵn của VN-Index, ta có thể thấy một điều khá thú vị. Thị trường chứng khoán là nơi tập hợp rất nhiều nhà đầu tư, khác nhau rất nhiều về trình độ, văn hóa, sự vững vàng về tâm lý, kỹ năng, độ nặng nhẹ của hầu bao… Nhưng nhìn chung, dù đầu tư cho tổ chức hay cá nhân thì trong tiềm thức tâm lý của mình, họ đều cố công đi tìm kiếm một điểm tựa nhất định trong sự dao động không ngừng nghỉ của thị trường, như cuộc sống. Các nhà đầu tư đều coi đó là điểm tựa, điểm mốc, mang tính hỗ trợ về mặt tâm lý cho việc ra quyết định mua bán chứng khoán trong thị trường đầy sóng gió. Các chuyên gia phân tích kỹ thuật và cơ bản sử dụng các bảng biểu đồ thị và các hệ số tài chính để phân tích và đoán định sự biến động của thị trường, đặt ra các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự đầy định tính xoay quanh các mốc điểm chẵn và cuối cùng là tư vấn mức độ cao thấp của thị trường cũng như mức đắt rẻ các cổ phiếu cụ thể tại các mốc cụ thể định tính.


Mỗi mốc điểm tròn của VN-Index là nơi chứa đựng tất cả những tâm ý của cả thị trường: đầy sự lo lắng, toan tính, hồ hởi và trên tất cả là tràn đầy kỳ vọng khi thị trường đang trong xu thế đi lên (Up trend) trong những ngày đầu năm con ngựa này.


Mỗi khi VN-Index đột phá qua được một điểm mốc tròn, sự hưng phấn và kỳ vọng lại tăng lên và thấp thoáng sau đó là còn là nỗi lo sợ của sự điều chỉnh sẽ đến. Mỗi điểm đột phá đó lại như tiếp thêm năng lượng và củng cố cho tâm lý nhà đầu tư, tích thêm động năng cho thị trường để nó tiếp tục đi lên.


Cũng tại mỗi điểm mốc đó, cũng lại là nơi đọng lại rất nhiều cung bậc cảm xúc trái chiều của cộng đồng đầu tư trên thị trường: Thị trường lên, những chuyên gia phân tích với cặp kính dày cộp và những biểu đồ nhằng nhịt số má thì thở phào “ồ mình đã đúng” nếu như buổi chiều hôm trước họ nhận định thị trường tiếp tục lên; những nhà đầu tư mua cổ phiếu hôm trước thì hân hoan phấn khởi vì tài khoản của mình hôm nay đã ăn thêm có thể tới mức tối đa 7-10%; những người trót bán hôm qua thì tiếc rẻ và tự an ủi “ăn thế thôi cho lành”... Thị trường chứng khoán là nơi rất vui và đầy thú vị. Là một cái chợ (Market) mà lại không như một cái chợ theo nghĩa ngữ Việt mà chúng ta quen hình dung theo lẽ thường ngày. Nó cũng nhộn nhịp, ồn ào và… cũng chất chứa không ít chất chợ. Nói như học giả người Mỹ William Feather: “Một điều rất thú vị của thị trường chứng khoán là bất cứ thời điểm nào, có người bán ra là có người mua vào. Và họ đều nghĩ rằng mình là kẻ khôn ngoan”.


Phiên giao dịch ngày 24/02/2014 lại thêm một điểm mốc đánh dấu sự bại trận của nhiều chuyên gia dự đoán và phân tích, sau khi VN-Index tăng 6.01 điểm, đạt mức 576.58, đứng ngạo nghễ trên mức 570 điểm.


Nhưng hãy chú ý một điều, những cổ phiếu của lĩnh vực nào đưa thị trường vượt qua các điểm mốc đáng nhớ, lên đỉnh thì cũng chính những cổ phiếu đó cũng sẽ kéo thị trường xuống. Có thể kiểm chứng điều này ở TTCK Mỹ : Cổ phiếu công nghệ gây ra bong bóng dot.com đưa TTCK Mỹ lên tận mây xanh rồi “vít cổ” nó xuống vào năm 2000. Cổ phiếu ngành tài chính Mỹ với các “bệnh nhân người Mỹ” như BearStern, Lemanth Brother đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 mà hậu quả của nó là đến bây giờ nhiều thị trường vẫn chưa bình phục. Cũng cần nhớ lại cơn sốt ghê gớm cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam năm 2007, và sau đó ra sao, hẳn chưa nhà đầu tư nào dám quên.


Nguyễn Thanh Hà


Congly




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á