Tết thầy, xưa…
Với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, ngày Tết đến thăm thầy có ý nghĩa rất thiêng liêng, thể hiện sự tôn kính, tri ân của học trò đối người đã dạy dỗ mình nên người. Người xưa thường đến thăm thầy của mình cùng với bạn đồng môn, đến nhà thầy thường khăn áo chỉnh tế, nói năng nghiêm trang, lễ phép. Người cao tuổi nhất hoặc người được bạn bè đồng môn tín nhiệm nhất sẽ thay mặt mọi người đứng lên trịnh trọng chúc thầy thượng thọ, vạn sự tốt lành.
Dù có quyền cao chức trọng đến đâu người học trò cũ vẫn đến thầy thăm thầy giáo mỗi khi Tết đến và vẫn phải một lòng phải khiêm nhường, tôn kính thầy. Có câu chuyện kể lại rằng, có người quan làm đến chức thượng thư, tể tướng của triều đình nhưng đến ngày Tết, vẫn phải dừng kiệu, võng ở đầu làng và đi bộ vào nhà thầy, đến cửa quỳ lạy thầy như lạy cha mình…
Món quà mà các học trò thời xưa thường mang đến biếu, tặng thầy dịp Tết thường chỉ là chục trứng, con gà hoặc gạo, bánh chưng… Những món quà giản dị ấy là tấm lòng, tình cảm vô tư nhưng sâu sắc của học trò giành cho người cha thứ 2 của mình. Thầy giáo Văn Như Cương (hiệu trường THPT Lương Thế Vinh) từng kể câu chuyện về học trò cũ đến thăm cha thầy – vốn cũng là một thầy giáo và mang biếu một con gà. Cha thầy khăng khăng không nhận, nhưng khi cậu học trò kính cẩn thưa rằng: “Thưa thầy, gà này là gà nhà con nuôi được”, người thầy mới nhận vì cảm động trước tấm lòng của cậu học trò.
Tết thầy là tục lệ đẹp của học trò xưa và nay
Và ngày nay…
Ngày nay, trải qua thời gian và bao thăng trầm, nghề giáo vẫn được coi là nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quý, truyền thống tôn sư trọng đạo “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vẫn luôn luôn được giữ gìn và tất nhiên, đến thăm thầy cô vẫn là điều mà rất nhiều người nghĩ tới mỗi khi Tết đến, xuân về. Với thầy cô, có lẽ một trong những ngày vui nhất trong năm là ngày Tết được đông đủ học trò của mình từ khắp mọi nơi về thăm. Đó là khi thầy cô được chứng kiến các học trò nhỏ ngày nào của mình giờ đã trưởng thành.
Tuy nhiên, ngày nay, đi Tết thầy – một phong tục đẹp thời xưa dường như đã bị thay đổi ít nhiều. Không ít học trò và phụ huynh vẫn đến thăm, chúc Tết thầy cô nhưng mục đích chính là cầu cạnh mong thầy cô giúp đỡ, quan tâm đến con em mình hơn… Do đó, thường mang theo những món quà giá trị đắt tiền đến tặng thầy cô. Tuy nhiên, đó không phải là đa số. Vẫn còn rất nhiều học sinh ngày Tết vẫn hẹn nhau đến thăm thầy cô của mình cùng tấm lòng tri ân, đầy tôn kính.
Cô giáo Nguyễn Thị Thông (giáo viên Văn – Ninh Bình) đã nghỉ hưu được gần 2 năm nhưng mỗi dịp Tết đến, ngôi nhà nhỏ của cô vẫn đầy ắp tiếng cười của các thế hệ học trò về thăm. “Được lắng nghe chia sẻ của từng học trò về cuộc sống, sự nghiệp, gia đình…, cô cảm thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ hết và với cô, đó là món quà Tết quý giá nhất mà cô vẫn nhận được trong năm mới” cô Thông xúc động chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét