Từ xa xưa, chữ hiếu đã trở thành nét văn hóa đẹp của người Việt. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển của xã hội, đến nay, chữ hiếu ấy vẫn không hề thay đổi. Đó vẫn là tình cảm chân thành hướng đến đấng sinh thành, là trách nhiệm báo đáp lại công ơn dưỡng dục bao la như trời bể của cha mẹ.
Trong không khí đặc biệt của những ngày đầu năm, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ thú vị và bổ ích từ thầy giáo, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn để hiểu rõ hơn về chữ HIẾU nhé!
Thầy giáo, tiến sĩ Huỳnh Sơn tại Trường quay Tiin
Đạo làm con không chỉ nằm ở chữ hiếu
Thưa thầy, tại sao khi nói đến đạo làm con, người ta lại đặt chữ hiếu lên hàng đầu?
Người ta nói như vậy vì, ngay trong gia đình, nếu chúng ta không biết trân trọng công ơn của đấng sinh thành thì chúng ta sẽ không thể làm được gì khi ở ngoài xã hội. Chân lý này hoàn toàn đúng với câu: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Bên cạnh đó, nó còn được sự chấp nhận của nhiều tầng lớp trong xã hội. Dù mọi thứ phát triển đến đâu thì con người ta ai cũng có cha, có mẹ.
Thầy nghĩ sao về ý kiến: làm tròn chữ hiếu là làm tròn trách nhiệm của người con?
Tròn hay không tròn rất khó đánh giá vì nó dựa trên sự mong đợi của mình với bản thân và sự mong đợi của người khác với mình. Chữ hiếu với tôi là một nhiệm vụ rất quan trọng của con cái đối với cha mẹ.
Nhiều bạn cho rằng chăm sóc con cái là nghĩa vụ của cha mẹ nên việc hiếu lễ chắc không quan trọng lắm. Thầy nghĩ sao về nhận định này?
Trong tình yêu, chúng ta chăm sóc, ươm mầm tình yêu thế nào thì sẽ nhận lại được trái quả như vậy. Nếu chúng ta mặc định thụ hưởng tất cả sự quan tâm của cha mẹ cho mình thì đến lúc bản thân làm cha, làm mẹ, bạn cũng sẽ đạt được kết cục y như vậy.
Có nhiều cách để thể hiện chữ hiếu
Không ai chọn được cho mình nơi sinh ra, không ai chọn được cho mình hoàn cảnh sống nhất định, nhưng chúng ta có thể chọn được lối sống để có sự đền đáp xứng đáng trong tương lai đúng không ạ?
Đúng rồi. Hiếu lễ ở đây không chỉ là lo lắng cho cha mẹ. Nếu chúng ta không có đầy đủ điều kiện về vật chất thì vẫn còn rất nhiều món quà ý nghĩa khác như: những cái ôm ngọt ngào, sự nhẫn nhịn hay những nụ cười,… Chữ hiếu có khi mơ hồ, trừu tượng, khi lại gần gũi, thực tế trong cuộc sống.
Quan niệm của thầy về “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”?
Cái này là xuất phát từ văn hóa người Việt của chúng ta, xuất phát từ văn hóa lúa nước và đặc biệt là văn hóa phương đông.
Chữ hiếu ngày xưa và ngày nay khác nhau thế nào, thưa thầy?
Dù là xưa hay nay thì chúng ta cũng nên đặt mình ở vị trí người con để hiểu về chữ hiếu đối với ông bà, cha mẹ. Ngày nay, mỗi người sẽ thể hiện chữ hiếu của mình theo nhiều cách khác nhau, không nhất thiết cứ phải là “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”, không nhất thiết cứ phải tết đến xuân về là phải ở nhà với gia đình. Quan trọng nhất vẫn là trái tim và tình cảm chúng ta luôn hướng về cha mẹ.
Cha mẹ nên chấp nhận sự khác biệt
Theo thầy, đâu là cái hay, cái dở của cuộc sống ngày nay khiến nhiều bạn trẻ không làm tròn chữ hiếu?
Tôi muốn bênh vực các bạn trẻ chút xíu vì các bạn phải thở bằng hơi thở mới, sống cuộc sống mới và hành động theo cách đặc biệt của riêng mình. Mong mỏi của cha mẹ có thể có lý nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp với các bạn trẻ.
Kỉ niệm của thầy về chữ hiếu trong quá khứ?
Tôi là con út trong gia đình, mẹ sinh tôi ra khi bà đã khá lớn tuổi, 2 mẹ con rất thân nhau. Tôi luôn quy ước với bản thân là không bao giờ để mẹ lo lắng. Cứ 2 ngày là tôi lại gọi về cho mẹ, kể cả khi đi du học nước ngoài. Mỗi lần mẹ bệnh, mẹ nghĩ mai không thể đi nổi nhưng biết tôi sẽ gọi về nói chuyện thì cảm thấy rất ấm áp và có thêm sức mạnh.
Đánh cha mẹ là làm tổn thương chính mình
Mẹ thầy có vẻ rất tin tưởng và thấu hiểu con mình?
Đôi khi mình cũng phải teen teen một chút để hiểu hơn về thế hệ trẻ. Chúng ta mong muốn người lớn thông cảm và chấp nhận mình không đủ, mà chúng ta cần thông cảm, chấp nhận cho người lớn. Vì chúng ta xác định rằng, cách nhìn của chúng ta về cha mẹ hiện tại có thể là cách nhìn của con cái đối với chúng ta trong tương lai.
Nhiều bạn trẻ hiện nay khiến nhiều người thất vọng vì những hành vi ngược đãi cha mẹ. Thầy có suy nghĩ gì về thực trạng này?
Nếu chúng ta không giải quyết được theo kiểu thân tình thì cũng nên là công dân tốt. Một công dân tốt thường bị ràng buộc bởi những quy chuẩn về đạo đức và đặc biệt là những quy định về mặt pháp lý.
Nếu chúng ta làm tổn thương người già, người cao tuổi và người thân thì chúng ta đã vi phạm những điều cơ bản trong luật phòng chống bạo lực gia đình. Khi đánh cha mẹ, người đã mang nặng đẻ đau thì chúng ta cũng đang tự làm tổn thương chính mình.
Người ta hay nói “con hư tại mẹ”, thầy có suy nghĩ gì về câu này không ạ?
Chúng ta đang sống trong giai đoạn giao thời, đất nước phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa nên những người mẹ cũng cần học lại chữ hiếu đối với ông bà. Nếu người cha, người mẹ không thể hiện sự hiếu lễ với ông bà thì con mình không bao giờ học theo được. Người mẹ quá chiều con cũng không làm cho con cảm nhận được chữ hiếu một cách trọn vẹn.
Thầy Sơn giúp giới trẻ giải quyết mâu thuẫn với cha mẹ
Một bạn nam dẫn bạn gái ra mắt bố mẹ nhưng không được chấp nhận vì… bạn nữ quá gầy. Bạn nam đã bỏ nhà đi với mong muốn bố mẹ sẽ suy nghĩ lại. Liệu bạn trẻ này có phải là người con bất hiếu không ạ?
Bây giờ vẫn chưa hết Tết nên bạn trẻ này vẫn có thể quay về để thắp nén nhang cho ông bà, về để nói lời xin lỗi với cha mẹ. Người yêu gầy thì có thể nhờ sự can thiệp của chuyên gia dinh dưỡng và đặc biệt là chuyên gia về thể thao. Mọi thứ đều có cách để giải quyết và nếu giải quyết không được thì chúng ta vẫn có thể đấu tranh một cách nhẹ nhàng.
Một bạn trẻ khác than phiền vì bố mẹ thường xuyên vào Facebook cá nhân khiến bạn ấy không ít khó chịu và lớn tiếng la bố mẹ. Bạn trẻ này nên làm thế nào để bố mẹ không xâm phạm đến cuộc sống riêng của bạn ấy nữa?
Tôi nghĩ là bạn trẻ này đang cảm nhận rằng mình bị giam cầm. Nếu bạn hoàn toàn trong sáng thì không việc gì phải lo lắng khi bố mẹ vào Facebook. Thay vì đó, hãy lắng nghe xem vì sao bố mẹ lại hành động như thế. Bạn nên kiểm soát mình trước khi bố mẹ kiểm soát bạn thì mọi thứ sẽ được giải quyết rất nhẹ nhàng.
Gần đến kì thi Đại học, một bạn trẻ xác định chọn ngành này nhưng bố mẹ lại bắt bạn ấy chọn ngành khác. Bạn ấy đã tìm đủ mọi cách, kể cả việc nhịn ăn mong bố mẹ suy nghĩ lại. Theo thầy, bạn trẻ này làm gì để bố mẹ hiểu cho tâm tư của bạn ấy?
Tôi hiểu vì sao bố mẹ bạn lại quyết định như thế. Đơn giản vì bạn chưa trình bày được nghành nghề bạn chọn sẽ mang lại lợi ích gì cho bạn, cũng như không thể chứng minh bạn có phù hợp với nghề đó hay không. Nếu bạn có khả năng thì bạn hãy chứng minh.
Cảm ơn thầy vì cuộc trò chuyện rất thú vị và bổ ích. Chúc thầy và gia đình năm mới sức khỏe và hạnh phúc.
Chương trình được thực hiện bởi Báo Đất Việt tại Trường quay Tiin.
MC: Anh Đào
Ảnh: Thạch Bamboo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét