Với sự mạnh lên của USD, Ngân hàng Nhà nước đang chịu áp lực lớn hoặc là ổn định để giữ niềm tin với tiền đồng hoặc buộc phải điều chỉnh tỷ giá để ổn định thị trường.
Phản ứng của mấy ngày qua của thị trường đối với sự mạnh lên của USD cũng thấy rõ. Ngày 16/3, các ngân hàng đều chính thức điều chỉnh tăng giá mua bán USD với mức từ 35 - 45 đồng. Tuần trước, giá mua bán USD cũng đã được điều chỉnh tăng khoảng 10 - 20 đồng.
Trên thị trường tự do, giá USD vẫn không ngừng biến động. Sáng ngày 16/3, giá giao dịch USD tại Hà Nội phổ biến ở mức 21.720 – 21.760 đồng/ USD, tăng 40 đồng so với cuối tuần qua. Tuần trước, giá USD tự do đã tăng khoảng 30 đồng. Như vậy, từ sau Tết đến nay giá USD trên thị trường tự do tăng khoảng hơn 200 đồng/USD.
Với diễn biến này, một trong những nỗi lo lớn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong năm 2015 đã hiện hữu. Thực tế, diễn biến tỷ giá trong mấy ngày qua được giới chuyên gia nhận định là do tâm lý kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh ngay 1% trong vài ngày tới chứ không phải là do nhu cầu thị trường.
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đào tạo BIDV, cho rằng tỷ giá tăng trong mấy ngày qua là phản ứng của thị trường khi đồng USD mạnh lên chứ không xuất phát từ nhu cầu thị trường. Thời điểm này chưa cho thấy sự tăng lên về nhu cầu ngoại tệ của thị trường, doanh nghiệp. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước vừa mới điều chỉnh tỷ giá khoảng 2 tháng nên không có lý do gì để điều chỉnh nốt 1% trong thời điểm này.
“Đây là thời điểm khá tĩnh lặng của thị trường tiền tệ do nhu cầu vốn và ngoại tệ không nhiều. Lượng kiều hối tại thời điểm rất cao và việc này giúp cân bằng lại những tác động ngắn hạn của thị trường thế giới”, ông Lực nhận định.
Tuy nhiên, nếu USD vẫn mạnh lên thì tình hình sẽ khác, áp lực tỷ giá sẽ tăng lên trong thời gian hè. Thực tế, trong tuần này, Fed sẽ họp để quyết định tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,5% vào 1/2016 tới và 2,5% vào tháng 1/2017. Điều này càng làm cho nhu cầu USD tăng lên và đồng USD mạnh lên. Điều này cũng ảnh hưởng rõ rằng đến tỷ giá, CPI và lãi suất tại Việt Nam.
Theo CTCK TP.HCM (HSC), khả năng phá giá tiền đồng trên 2% trong năm nay là khá lớn do đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá và Việt Nam nhiều khả năng sẽ thâm hụt thương mại trong năm 2015. Hiện dự trữ ngoại hối vẫn đang cao hơn các năm trước nhưng vẫn không đủ để có thể chống lại các áp lực tỷ giá.
Một trong những áp lực được HSC đề cập đến, đó là hệ số LDR (tỷ lệ dư nợ trên huy động vốn) ngoại tệ. Nếu hệ số này tiến gần 100% (nghĩa là 100% vốn huy động ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng được cho vay) thì sẽ gây ra áp lực đối với tỷ giá, trước hết là tỷ giá tự do và sau đó là tỷ giá liên ngân hàng. Thị trường cho vay ngoại tệ liên ngân hàng kỳ hạn ngắn sẽ có sự biến động.
“Hiện tại chúng tôi chưa lo ngại về một áp lực tăng đối với tỷ giá. Nhìn vào những chỉ số khác nhau, chúng tôi không thấy có dấu hiệu rõ ràng nào về áp lực đối với tỷ giá vì lý do đề cập trên đây. Chúng tôi ước tính hệ số LDR ngoại tệ vẫn trong ngưỡng an toàn, khoảng 82,9%; chúng tôi thấy rằng lãi suất cho vay USD kỳ hạn ngắn (kỳ hạn 1 tháng) hiện là khoảng 0,6%. Trong khi đó, giá giao dịch tỷ giá tự do vẫn ở mức dưới trần. Nghĩa là hiện tại tình hình vẫn bình thường”, HSC bình luận.
Tuy nhiên, HSC cho rằng khả năng tỷ giá tăng hơn 2% trong năm nay là khá cao. “Khả năng sẽ có một đợt điều chỉnh tỷ giá thứ 2 trước mùa hè là khá cao. Và có lẽ sẽ có thêm đợt điều chỉnh tỷ giá lần thứ 3 trước cuối năm nay. Theo đó, cả năm tỷ giá có thể điều chỉnh 3%. Giả định là áp lực tăng tỷ giá không quá cao. Nếu tình hình thế giới có biến động ngoài dự kiến hay đồng USD tăng mạnh hơn dự báo thì có lẽ chúng tôi sẽ phải điều chỉnh kịch bản này”, HSC bình luận.
Về áp lực tỷ giá, ông Lực cũng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước giữ biên độ điều chỉnh 1% đến cuối năm là khó khăn. Tuy nhiên, với vai trò là nhà điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân đối toàn bộ nền kinh tế để có quy định hợp lý.
“Nếu điều chỉnh cao hơn thì niềm tin thị trường với Ngân hàng Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng trước mắt, cơ quan này cần phải bám sát thị trường, để chính sách tỷ giá linh hoạt hơn nữa. Còn mức điều chỉnh cụ thể bao nhiêu thì tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của thời điểm đó”, ông Lực chia sẻ.
TRẦN GIANG
Theo Bizlive
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét