Không chỉ đưa ra dự báo về cặp USD/VND, ngân hàng này cũng nêu một số cảnh báo liên quan đến tỷ giá trong 3 quý còn lại của năm 2015.
Trong báo cáo Kinh tế vĩ mô các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong quý II vừa công bố, HSBC tiếp tục nêu dự báo tỷ giá đến cuối năm có thể tăng lên 21.750 đồng một đôla.
Hiện tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được neo ở 21.458 đồng, bất chấp sự mạnh lên của đồng đôla thế giới và một vài biến động về tỷ giá trong nước nửa tháng. Theo cam kết của Thống đốc, tỷ giá năm 2015 sẽ được điều chỉnh không quá 2%. Như vậy ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng cam kết này, điều chỉnh thêm 1%, tỷ giá bình quân liên ngân hàng của nhà điều hành vẫn thấp hơn mức dự báo 21.750 đồng của HSBC.
Khi đưa ra thông điệp chưa điều chỉnh tỷ giá tại cuộc họp báo giữa tuần này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định nhà điều hành chưa nhìn thấy những căng thẳng về cung cầu ngoại tệ thời gian qua. Tuy nhiên, trong bản báo cáo vừa phát đi của mình, HSBC vẫn nêu ra một vài nguy cơ đối với nhà điều hành.
Theo đó, nếu Ngân hàng Nhà nước không đáp ứng kịp thời các điều kiện thị trường sẽ dẫn đến thanh khoản trong nước bị o ép. HSBC nêu ra một trong hai khả năng khi điều kiện này xảy ra. Một là nhà điều hành sẽ để cung cầu thị trường tác động đến các quyết định tỷ giá USD/VND. Hai là cơ quan này sẽ phải bơm một lượng ngoại tệ vào hệ thống. Tuy nhiên, nếu vậy theo HSBC, thanh khoản có thể sẽ mỏng hơn. Hiện dự trữ ngoại hối Việt Nam khoảng 36 tỷ USD.
Theo HSBC, hầu hết các nước trong khối ASEAN đều đang xử lý những thử thách do lỗ hổng từ việc đồng đôla Mỹ mạnh lên tạo ra. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa các nước. Như Philippines và Việt Nam, theo đánh giá của HSBC, là "tiếp tục vững vàng tiến về phía trước". Ngược lại, Thái Lan tăng trưởng chậm sau khi GDP sụt giảm vào năm ngoái. Các đồng nội tệ của Malaysia, Indonesia giảm giá đã làm gia tăng rủi ro vốn đầu tư sẽ tăng cao hơn. "Đây là điều sẽ khống chế nhu cầu nội địa trong năm nay", HSBC nhận định.
Ngoại trừ nguy cơ về tỷ giá, theo HSBC, thu nhập từ dầu mỏ thấp hơn khi giá dầu vẫn sụt giảm còn có thể ảnh hưởng đến vị thế tài chính của Việt Nam. Ngân hàng này dẫn số liệu cho thấy, năm 2012, dầu mỏ chiếm 19% tổng doanh thu cả nước. "Chúng tôi tin rằng nguồn thu ngân sách, đặc biệt là từ dầu mỏ sẽ giảm, từ đó ảnh hưởng đến cán cân tài chính", nhóm nghiên cứu kinh tế của HSBC viết trong báo cáo. Mặc dù vậy, ngân hàng này vẫn tin việc thiếu hụt nguồn thu ngân sách năm nay không quá vênh so với dự toán do Bộ Tài chính đã có đánh giá thận trọng về dầu mỏ từ trước đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét