Cùng với việc phát hành 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt trong năm nay, VAMC được quyền quyết định cụ thể thời hạn đối với từng trái phiếu đặc biệt phù hợp với từng khoản nợ xấu được mua và thỏa thuận. Ngoài ra cũng theo yêu cầu NHNN sau khi mua nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng bán nợ khẩn trương triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ, hỗ trợ khách hàng vay và xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật.
Trở lại với Chỉ thị 02 của NHNN, yêu cầu các Tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, đảm bảo đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015. Nợ xấu bán cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015, nhằm mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm. Như vậy để hoàn thành được mục tiêu, VAMC phải gom được từng khoản nợ, bất kể to hay bé. Các ngân hàng cũng không thể chần chừ trong việc bán nợ cho VAMC.
Cập nhật số liệu nợ xấu, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, đến cuối tháng 11/2014 nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là 3,8%, tỷ lệ nợ xấu theo kết quả phân loại của NHNN dựa trên thông tin tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng là 5,3%.
Dẫn con số cụ thể cho biết, Vietcombank đến hết năm 2014 đang ôm 7.404 tỷ đồng nợ xấu chiếm tỷ lệ 2,29%; hay BIDV nợ xấu chiếm 1,8%, MBank nợ xấu cũng ở 2,73%. Dĩ nhiên đây chỉ là con số nợ xấu của những ngân hàng "khỏe", còn các ngân hàng ở tầm trung có con số khác, dự báo còn cao hơn thế rất nhiều.
Hiện nay ngoài việc bán nợ cho VAMC, bản thân từng NH cũng đang áp dụng hàng loạt giải pháp để thu hồi nợ xấu. Thậm chí tính đến cả phương án phát mãi tài sản, đưa ra tòa.
Nhưng liệu VAMC và ngân hàng có cùng nhau ép được nợ xấu về 3%?
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, đại diện lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, câu chuyện nợ xấu xưa nay vẫn nhức nhối. NHNN cho VAMC phát hành 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt là một phương cách.
Như vậy, nếu như VAMC đặt mục tiêu mua được 80.000 tỷ đồng nợ xấu từ trái phiếu đặc biệt phát hành, tổng số nợ xấu mà VAMC mua vào lên tới 200.000 tỷ đồng kể từ năm thành lập 2013. Song điểm lại VAMC chỉ mới xử lý được khoảng 4000 tỷ đồng nợ xấu. Kế hoạch của VAMC năm nay cũng đặt ra mua bán nợ theo thị trường. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, với tiến độ xây dựng và sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến xử lý nợ hiện nay, năm 2015, VAMC vẫn chủ yếu là gom nợ. Sau năm nay mới có thể bắt tay vào xử lý nợ, bán nợ và mua nợ theo giá thị trường.
Để sớm đưa nợ xấu về 3%, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu rõ: NHNN đang tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành sớm trình Chính phủ sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường thông thoáng hơn trong vấn đề xử lý tài sản gắn với nợ xấu của TCTD cũng như của VAMC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét