Thiếu động lực tăng điểm vững chắc từ các cổ phiếu chủ chốt trên sàn và sự hỗ trợ tích cực từ các thông tin vĩ mô, TTCK tuần này đã kéo dài đà điều chỉnh.
Cuối tuần trước, Quỹ VNM ETF đã gây bất ngờ với việc công bố kết quả của kỳ tái cơ cấu danh mục đầu tư quý I/2015, khi nâng tỷ trọng đầu tư vào các cổ phiếu Việt Nam lên 77,5%. Tuy vậy, thông tin này chưa tạo được nhiều hiệu ứng tích cực giúp TTCK trong nước tăng điểm.
Trong số các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, các cổ phiếu ngành ngân hàng chỉ đi ngang, thậm chí suy giảm thì dòng dầu khí cũng không tỏ ra chắc chắn khi tiếp tục trồi sụt thất thường theo diễn biến của giá dầu thế giới.
Cũng qua lần cơ cấu danh mục lần này, KBC và KDC là hai cổ phiếu mới được đưa rổ tính của chỉ số Market Vectors Vietnam Index với tỷ trọng tương ứng là 3,13% và 3,79%.
Nhờ lực cầu của khối ngoại, cả hai cổ phiếu trên đều được giao dịch khá sôi động và tăng khá tốt ngay sau khi thông tin trên được đưa ra. Mặc dù vậy, hiệu ứng này không kéo dài, KBC và KDC đều giảm điểm những phiên sau đó.
Trên thị trường thế giới, sự kiện được quan tâm là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc vào tối 18/3 theo giờ Việt Nam. Điều bất ngờ đã xảy ra khi FED chưa đưa ra quyết định tăng lãi suất vào tháng 6 tới như dự báo trước đó của giới phân tích.
Điều này đúng với dự báo của chúng tôi đưa ra trước đó. Theo chung tôi, khả năng FED chỉ có thể nâng lãi suất sau tháng 9/2015 và mức tăng sẽ khá từ tốn. Dù vậy, TTCK Việt Nam có thể sẽ vẫn phản ứng tiêu cực do hoạt động đầu cơ, bên cạnh đó, động thái này có thể khiến dòng vốn từ Mỹ sẽ rút khỏi các thị trường mới nổi trong thời gian tới, trong đó có Việt Nam.
Chúng ta cần phải nhắc lại vai trò tích cực từ lực mua của khối ngoại đến sóng tăng điểm đầu năm 2015 của thị trường, trong bối cảnh dòng vốn nội suy yếu do tác động từ Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, sự đảo chiều, nếu có, của dòng vốn ngoại sẽ có tác động xấu đến diễn biến của TTCK trong ngắn hạn.
Trong những phiên giao dịch vừa qua, dòng tiền vào thị trường cũng trở nên dè dặt hơn, chỉ tập trung ở một số ít cổ phiếu đầu cơ có thông tin hỗ trợ. Chỉ số VN-Index chỉ biến động nhẹ trong phiên với thanh khoản ở mức trung bình.
Nhà đầu tư ngắn hạn bắt đầu tỏ ra mất kiên nhẫn và gia tăng áp lực bán sau khi VN-Index rớt xuống dưới vùng hỗ trợ quan trọng 580-585 điểm và tiếp tục phá vỡ ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn tiếp theo tại vùng 575-577. Nhiều khả năng đây là tín hiệu cho thấy chỉ số VN-Index đang bước vào xu hướng giảm điểm mới.
VN-Index có thể sẽ kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 560 điểm
Sau khi trượt xuống dưới ngưỡng hỗ trợ của đường trung bình động MA200 nằm tại vùng 585 điểm, chỉ số VN-Index đã chứng kiến 3 phiên giảm điểm trong tuần này. Đáng chú ý, chỉ số sàn HOSE đã kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với một nến giảm điểm dài, xuống dưới đường trung bình động MA50 tại 577 điểm dù lực bán không thực sự mạnh. Điều này cho thấy sự thiếu vắng lực cầu ngay cả tại các vùng giá thấp, phản ánh sự suy yếu của dòng tiền đầu tư ngắn hạn.
Chúng tôi nhận thấy tâm lý của nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu đang chuyển từ trạng thái lưỡng lự sang lo lắng và điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên xu hướng điều chỉnh giảm hiện tại của thị trường. Ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo của VN-Index hiện đang nằm tại 560 điểm, tạo bởi vùng đáy thiết lập hồi đầu tháng 2. Nhiều khả năng, chỉ số sẽ kiểm tra ngưỡng hỗ trợ này trong những phiên giao dịch tới, trước khi xuất hiện một nhịp hồi phục kỹ thuật. Nhà đầu tư đang sở hữu tỷ lệ tiền mặt cao có thể xem xét giải ngân một phần danh mục tại đây, nên ưu tiên những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.
CTCK VPBS
Theo Tinnhanhchungkhoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét