Hai tuần đầu tháng 3, tỷ giá USD/VND bất ngờ tăng dựng ngược ở cả ngoài thị trường chợ đen và ngân hàng. Đây là một diễn biến khiến nhiều người xem như là một báo hiệu ẩn chứa nhiều bất thường.
Diễn biến bất thường
Ông Nguyễn Văn Hiểu, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu phụ tùng ô tô Hàn Quốc bất ngờ với diễn biến tỷ giá USD/VND trong vài ngày qua. Tỷ giá tăng mạnh nhất trong hai năm qua khiến ông lo ngại công việc kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn do nhiều lô hàng sắp nhập thỏa thuận thanh toán bằng đồng bạc xanh.
Trong ngày 16/3, gần như đồng loạt, các ngân hàng thương mại lớn nhỏ đã tăng tỷ giá thêm 100-125 đồng/USD. Chốt phiên, giá niêm yết của hầu hết các ngân hàng đều ở mức cao nhất trong ngày.
Vietcombank để giá USD mua vào và bán ra ở mức 21.460 - 21.520 đồng/USD; Vietinbank 21.450 - 21.510 đồng; BIDV 21.440 - 21.490 đồng. Các ngân hàng thương mại cổ phần khác có mức niêm yết gần tương tự, trừ trường hợp SCB để giá ở mức rất cao 21.420 - 21.580 đồng/USD. Đến chiều ngày 17/3, USD đã giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức tăng cao so với hồi cuối tháng trước.
Giá USD đã bắt đầu dậy sóng từ trong tuần trước. Bắt đầu từ thị trường tự do, hơi nóng dường như truyền nhanh vào hệ thống NH trong bối cảnh chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế tăng vọt lên khoảng 5,4 triệu đồng/lượng.
Chị Nguyễn Thị Lan ở Thanh Xuân, HN cho biết, chị vừa bán giúp sếp Hàn Quốc 2.000 USD ở một tiệm vàng quen với giá bán lên tới 21.710 đồng/USD và có thể bán được giá cao hơn khoảng 10 đồng/USD nếu khối lượng lớn.
Hiện tượng tỷ giá USD/VND nổi là khá bất thường bởi nhu cầu USD cho hoạt động nhập khẩu vào thời điểm này thường không quá cao. Hơn thế, NHNN đã tăng tỷ giá bình quân liên NH giữa USD và VND thêm 1% ngay hồi đầu năm, từ mức 21.246 đồng lên 21.458 đồng.
Nhiều người lo ngại, USD có thể còn tăng tiếp theo diễn biến mạnh lên của đồng tiền này trên thế giới sau khi Tổng thống Mỹ Obama khẳng định nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở lại. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đang ở mức thấp hơn trước cuộc khủng hoảng tài chính. Và Cục dự trữ liên bang (Fed) có thể tăng lãi suất vào năm nay sau một thời gian dài kể từ 2008 neo ở mức gần 0%.
Đồng USD tăng giá khiến nhiều chuyên gia lo ngại nợ quốc gia sẽ tăng lên. Hàng loạt DN vay nợ nước ngoài bằng đồng USD cũng ngồi trên đống lửa. Các NĐT chứng khoán lo ngại đồng USD tăng giá có thể khiến dòng tiền chảy từ các thị trường mới nổi về Mỹ khiến chứng khoán trong nước suy giảm. Người cầm vàng lo ngại tài sản của họ sẽ bốc hơi theo đà tăng tiến của đồng USD.
Trên thực tế, giá vàng liên tục giảm trong 9 phiên gần đây và đang ở mức thấp nhất 3 tháng, khoảng 1.150 USD/ounce. MSCI Emerging Markets Index đo lường diễn biến của các TTCK mới nổi giảm khoảng 1% trong hơn một tháng qua.
Dầu đã giảm phiên thứ 4 liên tiếp xuống thấp nhất 6 năm. Tuy nhiên, lo ngại còn ở chỗ, các thị trường có thể còn giảm tiếp nếu USD tăng giá theo các tín hiệu tăng lãi suất của Fed.
Còn tăng mạnh?
"Đây thực sự là một thời điểm tốt để sở hữu vài xấp đô la", tờ Washington Post của Mỹ viết câu đầu tiên trong bài "Kẻ được người mất khi USD tăng mạnh" hồi cuối tháng 1.
Dự báo này có lẽ cho đến bây giờ vẫn không sai bởi đồng bạc xanh liên tục tăng giá trước đó và trong thời gian gần đây, nhất là sau khi ông Obama khẳng định nền kinh tế Mỹ hồi phục. Các NĐT trên khắp thế giới đổ xô mua USD khiến cho đồng tiền này càng mạnh hơn. Trong 8 tháng qua, đồng USD đã tăng hơn 15% so với các ngoại tệ mạnh.
Có nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ không có tăng giá đột biến.
Đồng USD đã tăng giá rất mạnh so với Euro trong năm vừa qua và đang được giao dịch ở mức 1,05 USD đổi 1 euro - mức cao nhất kể từ 2002 đến nay. Tỷ giá Euro/USD, theo dự báo của Goldman Sachs, thậm chí còn được dự báo sẽ chỉ còn 0,95 USD đổi một Euro trong vòng một năm tới.
USD được dự báo còn tăng so với nhiều ngoại tệ mạnh khác trong bối cảnh Fed thắt chặt chính sách tiền tệ còn các khu vực khác, trong đó có EU và Nhật Bản mở rộng gói kích thích nền kinh tế, bơm thêm tiền ra thị trường.
Trong nước, Chứng khoán BIDV (BSC) tháng 2/2015 đã đưa ra dự báo về khả năng tăng mạnh của tỷ giá USD/VND. Các chuyên gia BSC cho rằng, sự mạnh lên của đồng USD trong tương quan so sánh với các ngoại tệ mạnh khác trên thế giới ít nhiều ảnh hưởng tới diễn biến USD/VND.
Bên cạnh đó, NHNN chủ trương giảm lãi suất trung và dài hạn, cho nên dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển về các tài sản định giá bằng đồng USD.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ không có tăng giá đột biến.
CTCK Vietcombank (VCBS) kỳ vọng tỷ giá sẽ không điều chỉnh trong 6 tháng đầu năm 2015 do đây là thời điểm nhu cầu ngoại tệ cao vào cuối năm 2014 đã qua đi; nhu cầu VND vào thời điểm này thường tăng cao do ảnh hưởng của kiều hối; Việt Nam xuất siêu trong tháng 2; dự trữ ngoại hối cao...
Bên cạnh đó, VCBS cho rằng, Fed nhiều khả năng sẽ chưa sớm nâng lãi suất trong nửa đầu năm 2015.
Trên thế giới, nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng vào sự "kiên nhẫn" đợi thời cơ nâng lãi suất của Fed. Thậm chí, một số người đánh cược vào khả năng ngược lại.
Lawrence G. McDonald, một chuyên gia thị trường, chia sẻ trên Marketwatch gần đây cho rằng, đồng USD - đang ở mức cao nhất trong 9 năm qua - sẽ nhanh chóng suy suy yếu trước sự ngạc nhiên của các NĐT và tạo ra sự đảo chiều của giá dầu, giá than và sự tăng trở lại của TTCK. "Fed sẽ không hài lòng với một đồng USD mạnh".
Cho tới thời điểm này, NHNN chưa đưa ra bình luận gì đối với hiện tượng USD tăng giá mạnh trong khoảng 2 tuần qua. Tuy nhiên, tỷ giá đang có dấu hiệu giảm trở lại, giảm từ 20-40 đồng trong buổi sáng 17/3.
Đầu năm 2015, NHNN đưa ra mục tiêu trong năm 2015 điều chỉnh tỷ giá USD/VND không quá 2%.
Theo VietnamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét