Chưa đầy nửa tháng nữa để đến ngày 1/4/2015. Các ngân hàng thương mại sắp phải chính thức ngừng cơ chế được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm. Áp lực ở đây được dự báo là lớn…
Ngày 23/4/2012, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định 780, mở ra cơ chế cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm. Cơ chế này một mặt góp phần xoa dịu áp lực nợ xấu đang gia tăng, mặt khác tạo điều kiện để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vay vốn gặp khó khăn.
Tại một số thời điểm, chính sách trên tưởng như dừng lại, nhưng rồi được nối tiếp. Với Thông tư 09 ban hành ngày 18/3/2014, Ngân hàng Nhà nước nới thêm một năm nữa; đến 1/4/2015 phải chính thức ngừng.
Theo số liệu công bố trước đây, quy mô nợ được cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm từng lên tới khoảng 300.000 tỷ đồng. Việc dừng lại theo đó sẽ có ảnh hưởng/biểu hiện đáng kể ở nợ xấu.
Chủ động dự phòng
Trước thềm mốc hẹn 1/4/2015 là mùa báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Lợi nhuận của nhiều thành viên đã được nhường chỗ cho việc trích lập dự phòng nghiêm túc hơn.
Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về an toàn trong hoạt động, việc các ngân hàng dồn lực trích lập dự phòng được xem là sự chuẩn bị cần thiết cho việc thực hiện mốc hẹn 1/4/2015 nói trên, cũng như những chiến lược khác cho năm 2015.
Cũng có tình huống ngân hàng chủ động kết thúc sớm việc cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, ghi nhận cụ thể là nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng tăng đột biến.
Trong bối cảnh đó, cũng có không ít ngân hàng đã xác định rõ thách thức phía trước và chủ động rải bớt áp lực qua các năm gần đây.
Tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), báo cáo kết quả kinh doanh 2014 cho thấy ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế ở mức 648 tỷ đồng và việc trích lập dự phòng tiếp tục được thực hiện nghiêm túc với con số 1.188 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp VIB thể hiện chiến lược này.
Năm 2014, VIB đã giảm nợ xấu từ 2,82% xuống 2,51% và tiếp tục dẫn đầu thị trường về tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tại ngày 31/12/2014 đạt 17,7%.
Ông Loic Fraussier, Giám đốc Quản trị rủi ro của VIB, cho biết, từ nhiều năm trước, VIB đã định hướng chiến lược theo hướng tăng trưởng bền vững, gia tăng nguồn lực dự phòng bên cạnh mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận.
Lãnh đạo chuyên trách của VIB cho rằng, đó là một trong những cơ sở để VIB từng bước tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động, để trở thành ngân hàng Việt Nam duy nhất được nâng hạng tín nhiệm, trở thành một trong 2 ngân hàng có chỉ số sức mạnh tài chính cao nhất trong số 9 ngân hàng lớn được Moody's đánh giá năm qua.
"Chiến lược và sự chuẩn bị đó giúp chúng tôi chủ động hơn tại mọi thời điểm, cũng như sẵn sàng và cam kết áp dụng các chuẩn mực cao hơn của Basel II vào cuối năm 2015", ông Loic Fraussier nói.
"Ngân hàng sẽ an toàn hơn"
Lộ trình đã định trước, các tổ chức tín dụng từng bước chuẩn bị để có thể chủ động với thách thức. Ở cấp quản lý, Ngân hàng Nhà nước cũng đang có các biện pháp kỹ thuật cần thiết.
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi tới các ngân hàng thương mại, xác định rõ quy mô và thời điểm để các thành viên bán lại nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Theo yêu cầu trên, dự kiến một lượng lớn nợ xấu của hệ thống sẽ nhanh chóng được đưa ra ngoại bảng, có thể xem là một sự cân đối trước áp lực nợ xấu gia tăng từ việc thực hiện thách thức ngày 1/4/2015 nói trên, cũng như từ việc phân loại nợ dựa trên cơ sở thông tin của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) từ đầu năm 2015…
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, việc tập trung bán lại cho VAMC là cần thiết, khi nợ xấu sẽ khó lẩn khuất với việc ngừng cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm. Song, áp lực gia tăng chi phí dự phòng cũng cần tính đến.
"Thực hiện yêu cầu trên, chi phí trích lập dự phòng sẽ tăng lên, do việc trích lập được thực hiện trên cơ sở nợ gốc chứ không được trừ đi giá trị tài sản đảm bảo còn lại như trước. Đây là bước đi mạnh, nhưng như vậy các ngân hàng sẽ an toàn hơn", lãnh đạo ngân hàng trên nhìn nhận.
Ông cũng lưu ý rằng, với cơ chế trích lập đó, sau 5 năm thực hiện trích lập xong khoản nợ đã bán lại cho VAMC, nếu thu hồi được nợ ngân hàng sẽ được hoàn nhập, hoặc hoàn nhập ở giá trị tài sản đảm bảo khi xử lý được.
Trong khi đó, có một tình huống khác cũng đáng xem xét, rằng áp lực thực hiện mốc hẹn 1/4/2015 nói trên không hẳn sẽ sớm thể hiện. Các ngân hàng thương mại có thể sẽ tranh thủ thời hạn cuối để cơ cấu lại các khoản nợ tiềm ẩn, thậm chí chuyển đổi từ nợ ngắn hạn thành nợ trung dài hạn để giãn bớt áp lực nợ xấu.
Tình huống trên cũng có thuận lợi từ chính sách mới, khi Thông tư 36 đã nới rộng giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% lên tới 60%...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét