Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Sửa đổi Nghị định 58: Có bảo vệ được nhà đầu tư trong làn sóng tăng vốn khủng?

Sửa đổi Nghị định 58: Có bảo vệ được nhà đầu tư trong làn sóng tăng vốn khủng?


Để phù hợp hơn với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 mới ban hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang tiến hành lấy ý kiến các thành viên thị trường để hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP. Theo đó, một số nội dung mới mà Ủy ban chú trọng là thắt chặt hơn quy định phát hành riêng lẻ, phát hành chứng khoán hay kiểm soát hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán.


Hạn chế của Nghị định 58 cũ


Cụ thể, tại hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP, ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ pháp chế UBCKNN nêu lên những hạn chế trong Nghị định 58 cần sửa đổi bổ, bổ sung gồm:


Về chào bán chứng khoán, Nghị định 58 còn thiếu quy định hướng dẫn đối với bán phần vốn nhà nước nắm giữ ra công chúng, chào bán cho cổ đông chiến lược trong cùng đợt chào bán ra công chúng…


Về chào bán riêng lẻ, chỉnh sửa chặt chẽ hơn và thống nhất với Luật Doanh nghiệp 2014.


Về niêm yết, chưa bao quát hết các loại chứng khoán niêm yết (các quỹ)…


Về giao dịch chứng khoán, quy định về giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng cần xem xét để tạo điều kiện cho hoạt động quản lý cũng như giao dịch của người sở hữu chứng khoán.


Về tổ chức và kinh doanh chứng khoán, chưa có hướng dẫn về trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư, quy định về tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh doanh chứng khoán Việt Nam cần chỉnh sửa để thống nhất với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.


Quy định về tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Namcần được quy định tại văn bản của Chính phủ, đảm bảo thẩm quyền ban hành văn bản, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, phù hợp với Luật Đầu tư 2014.


Thắt chặt quy định chào bán riêng lẻ


Quy định về chào bán riêng lẻ trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP chỉ quy định cho công ty đại chúng (CTĐC) và tổ chức kinh doanh chứng khoán (bỏ đối tượng là công ty cổ phần chưa đại chúng).


Theo quy định mới, CTĐC chỉ được chào bán riêng lẻ để huy động vốn, hoán đổi các khoản nợ, hoán đổi lấy cổ phần hay phần vốn góp của doanh nghiệp khác; còn tổ chức kinh doanh chứng khoán được chào bán riêng lẻ để chuyển thành công ty cổ phần cũng như các mục đích trên.


Đồng thời, điều kiện được chào bán riêng lẻ là CTĐC phải đăng ký giao dịch trên sàn tập trung hoặc niêm yết. Điều này sẽ làm tăng sản phẩm, hàng hóa trên thị trường chứng khoán và giúp nhà đầu tư tìm kiếm được đối tượng chuyển nhượng vốn khi cần thiết.


Bên cạnh đó, phương án chào bán phải xác định tiêu chí lựa chọn đối tượng được chào bán hoặc đối tượng được chào bán, số lượng nhà đầu tư dự kiến chào bán. Một số trường hợp đặc biệt như việc chào bán dẫn đến tỷ lệ sở hữu của đối tượng hoặc nhóm liên quan tăng từ 10% trở lên thì danh sách chào bán phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Đối với chào bán riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ hoặc cổ phiếu, CTĐC cần rõ ràng, minh bạch về danh sách chủ nợ, nhà đầu tư và các khoản nợ, số lượng cổ phần được hoán đổi, phương pháp xác định cũng như tỷ lệ hoán đổi (phải có ý kiến của tổ chức kiểm toán được chấp thuận có chức năng thẩm định giá).


Ngoài ra, đối với phương án sử dụng nguồn vốn huy động cũng được cơ quan chức năng tăng cường quản lý và giám sát. Hội đồng quản trị chỉ được thay đổi phương án sử dụng vốn khi được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền và mọi thay đổi đều phải báo cáo tại Đại hội gần nhất.


Những quy định chặt chẽ hơn như trên kỳ vọng sẽ bảo vệ nhà đầu tư trong làn sóng tăng vốn khủng của các CTĐC trong thời gian qua.


Trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư


Tổ chức kinh doanh chứng khoán có trách nhiệm trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư, mức trích lập tối đa bằng 5% doanh thu hoạt động môi giới của công ty chứng khoán hoặc 5% doanh thu từ hoạt động quản lý tài sản hằng năm của công ty quản lý quỹ. Quỹ chỉ được sử dụng để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật hay sơ suất của nhân viên tại tổ chức kinh doanh chứng khoán.


Trường hợp số dư quỹ bằng 10% vốn điều lệ thì tổ chức kinh doanh chứng khoán không phải trích nữa.


Mỹ Hà


Theo Vietstock




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á