Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Bao giờ khối ngoại dừng bán ròng?

Bao giờ khối ngoại dừng bán ròng?


Động thái bán ròng của khối ngoại đang khiến nhà đầu tư sốt ruột. Mọi quyết định dường như đều phải chờ thị trường ổn định trở lại khi khối ngoại giảm/ ngừng bán ròng.


Trong vòng 03 tuần nay, khối ngoại đã bán ròng 1.285 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Có những phiên như ngày 26/03, chỉ riêng giá trị bán ròng của khối ngoại cũng đã chiếm tới 15,7% tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn. Thấp hơn một chút là ngày 19/03, giá trị bán ròng của khối ngoại chiếm 13% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.



Picture 2



Khi chưa có thông tin gì mới mẻ và đủ sức tạo động lực cho sự tăng trưởng của thị trường thì việc khối ngoại liên tục bán ròng với khối lượng lớn thực sự là một áp lực lên các chỉ số. Nguyên tuần vừa qua, cả VN-Index và HNX-Index liên tục chìm trong sắc đỏ. Còn tính trong khoảng thời gian 3 tuần, sắc xanh của các chỉ số không được quá 3 phiên.


Với động thái bán “ác liệt” của khối ngoại, câu chuyện ETFs rút vốn đang khiến nhà đầu tư hết sức quan tâm và được dùng để làm kim chỉ nam cho sự vận động của thị trường.


Dòng tiền rút tiền khỏi Việt Nam và đổ vào đâu?


Tính từ ngày 06/03 đến 27/03 , quỹ ETF VNM – Vietnam market vector đã rút 2,85 triệu chứng chỉ quỹ tương đương 49,64 triệu USD. Trong khi tỷ giá VND/USD được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ ổn định thì do sự giảm giá của đồng tiền tại nhiều quốc gia so với USD mà đặc biệt là đồng EUR, dòng tiền được cho rằng đã bị rút khỏi Việt Nam và chảy vào những thị trường hấp dẫn hơn, ví dụ như châu Âu.


Có thể thấy thị trường chứng khoán châu Âu trong 3 tháng đầu năm đã tăng rất mạnh. FTSE 100 Index đã tăng từ mức 6.300 lên trên dưới 7.000 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng từ 4.000 lên trên 5.000 điểm (mức tăng khoảng 25%). Chỉ số DAX của Đức đã đi một mạch từ dưới 10.000 điểm vượt qua 12.000 điểm, lên mức cao nhất lịch sử (tăng khoảng 25%)…


Trong khi đó, VN-Index sau khi đạt mức 600 điểm vào ngày 04/03 đã liên tục đi xuống. Sau 3 tuần, tính đến ngày 30/03, chỉ số giảm 9,2%. HNX-Index cũng giảm chừng 6,2%.


Đồng EUR giảm giá mạnh so với đồng USD khiến cho giá trị các tài sản tại khu vực này tính theo USD đã trở nên rẻ hơn rất nhiều và hấp dẫn vốn đầu tư từ Mỹ. Bên cạnh đó, sự giảm giá này còn là động lực thúc đẩy sản lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp tại các nước châu Âu, dự báo một kết quả kinh doanh khả quan hơn trong năm 2015 và có lẽ cả trong những năm tới. Và ETFs là sản phẩm tài chính quá thuận lợi để cho nhà đầu tư tại Mỹ đầu tư vào Châu Âu.


Khi nào xu hướng này dừng lại?


Động thái bán ròng của khối ngoại đang khiến nhà đầu tư sốt ruột. Mọi quyết định dường như đều phải chờ thị trường ổn định trở lại khi khối ngoại giảm/ ngừng bán ròng.


Nếu nhìn vào tình trạng thặng dư hay chiết khấu (premium/discount) của ETF VNM thì có thể thấy chứng chỉ quỹ này đã ở trong trạng thái premium 0,23% trong ngày 27/03.



Picture 4



Ngay trong ngày 30/03, mặc dù khối ngoại bán ròng 169,5 tỷ trên HOSE nhưng riêng VIC chiếm đến 150 tỷ đồng và có lẽ là được thực hiện nhiều qua thỏa thuận (trong phiên này, VIC được thỏa thuận hơn 319 tỷ đồng). Loại bỏ giao dịch của VIC, giá trị bán ròng của khối ngoại đã giảm mạnh so với các phiên trước đó.


Theo công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), việc trạng thái của quỹ ETF VNM được cải thiện và giá trị chứng chỉ quỹ bị rút của quỹ đang giảm dần (từ 700.000 chứng chỉ quỹ của tuần trước xuống còn 250.000 chứng chỉ quỹ trong ngày 30/03 – theo tính toán của BSC), ETF VNM nhiều khả năng sẽ dừng bán trong ngày 31/03. Đó là cơ hội cho sự hồi phục của thị trường.


Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cũng kỳ vọng vào ngày 31/03 - ngày chốt NAV quý 1 của các quỹ đầu tư, thị trường sẽ có một phiên giao dịch khởi sắc.


Thanh Mao


Theo InfoNet




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á