Năm 2015, kinh tế Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% - con số cao hơn hẳn mục tiêu của năm 2014 (5,8%) và kết quả thực tế (5,98%) của năm 2014. Mặc dù còn phải đối diện với không ít khó khăn, nhưng nền kinh tế cũng có những cơ hội từ bên trong và bên ngoài để đẩy mạnh tăng trưởng. Một số dự báo trong nước và quốc tế cho rằng, mục tiêu của năm 2015 là khả thi trong điều kiện không có những đột biến.
Tăng trưởng 6,2% là mục tiêu khả thi
Nhiều dự báo gần đây cho thấy, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, hồi phục còn chậm; trong khi đó, giá dầu vẫn đang lao dốc và nhiều khả năng tiếp tục hạ, tác động đến kinh tế Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, giá dầu thấp có tác động 2 chiều đối với kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng đến thu ngân sách, song, giúp giảm chi phí đầu vào cho sản xuất - kinh doanh, đạt giá trị gia tăng cao hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu giá dầu duy trì xu hướng như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm 2015.
Chung quan điểm này, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo, tốc độ tăng trưởng quý I/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo. Với các giả định kinh tế tăng trưởng ổn định; Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng, đẩy mạnh phục vụ thị trường nội địa; tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở; tái cơ cấu nền kinh tế có những điểm “chốt” tích cực... Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam dự báo, tăng trưởng GDP trong năm 2015 hoàn toàn có thể đạt mức 6,0 - 6,2%.
Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, GDP của Việt Nam năm 2015 được kỳ vọng tăng tốc vì lĩnh vực xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, có một số dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế đang hồi phục do ổn định kinh tế vĩ mô, niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư đang ngày càng tăng, cũng như sự “ấm lên” trong lĩnh vực bất động sản và một số ngành liên quan khác. Giá dầu và lương thực thế giới được dự báo tiếp tục giảm, nên sẽ hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giữ áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát.
Trong báo cáo mới nhất ngày 6/1/2015 với tiêu đề “Khởi đầu thuận lợi: Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi”, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhấn mạnh, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6,1% trong năm 2015 nhờ sự hỗ trợ của các nhân tố như: Kể từ tháng 9/2013, chỉ số Nhà quản trị ngành sản xuất (PMI) Việt Nam đã trên 50 điểm - biểu thị sự tăng trưởng của các điều kiện kinh doanh. Đà tăng này sẽ được duy trì trong năm 2015 nhờ vào 4 trụ cột: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự hồi phục của thị trường xuất khẩu lớn nhất - Mỹ, nỗ lực tự do hóa thương mại của Việt Nam và giá hàng hóa nguyên liệu (dầu thô, than đá...). Nhu cầu từ thị trường nước ngoài tăng cao và việc tham gia vào các hiệp ước thương mại cũng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu trong khi nhu cầu trong nước dần phục hồi trong năm 2015 và 2016.
Thách thức không nhỏ…
Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, kinh tế thế giới mặc dù phục hồi nhưng chậm và còn không ít bất trắc. Giá hàng hóa thế giới được dự báo giảm không chỉ trong năm 2015 mà thậm chí ở những năm tiếp theo phần nào sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Giá dầu giảm cũng làm hạn chế nguồn thu ngân sách quan trọng và thu nhập xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nhu cầu trong nước mặc dù đã có sự cải thiện, song, còn chậm và vẫn bị ảnh hưởng bởi các khoản nợ xấu.
Theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, một trong những thách thức lớn của năm 2015 là một số cân đối vĩ mô còn rất khó khăn, nhất là về thu, chi ngân sách trong điều kiện nợ công đã gần chạm trần, giá dầu thô giảm sâu và kéo dài. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng do nhu cầu nội địa phục hồi chậm, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, nợ xấu còn cao cũng là những lo ngại hiện nay.
… song cơ hội cũng khá lớn
Mặc dù vậy, cũng có nhiều cơ hội từ bên ngoài và nội tại đang mở ra cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2015, Việt Nam hoàn tất đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại với Hàn Quốc, EU, Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN… mở ra khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các thị trường xuất khẩu về cả số lượng và quy mô.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã thông qua được nhiều dự luật quan trọng trong năm 2014, trong đó một số luật có hiệu lực từ năm 2015, liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Các luật này tiếp cận theo hướng tích cực, hiện đại tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng cùng với những cam kết mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực như thuế, hải quan, tiếp cận điện lực, đất đai... được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới sản xuất - kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định: Tổng cầu sẽ hồi phục trong năm 2015 do tiêu dùng phục hồi nhờ lạm phát thấp trong năm 2014 sẽ giúp cải thiện sức mua; đầu tư tư nhân cải thiện do môi trường kinh tế vĩ mô cùng với những cải cách thể chế sẽ tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp và hộ gia đình... ; trong khi tổng cung cũng được cải thiện nhờ quá trình tái cơ cấu dần phát huy tác dụng đối với năng suất của nền kinh tế.
Phân tích tác động 2 chiều của việc dầu thô giảm giá đối với kinh tế Việt Nam, ở chiều tích cực, đây là tin vui đối với nhiều ngành kinh tế mà dầu thô là nguyên liệu đầu vào quan trọng. Điều này có thể kích thích một làn sóng đầu tư sản xuất và tiêu dùng mới, hỗ trợ nền kinh tế và có thể bù đắp tác động tiêu cực do nguồn thu từ dầu giảm. Công ty tư vấn đầu tư vào các thị trường mới nổi Frontier Strategy Group (FSG) nhận định, Việt Nam nằm trong số các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất vì giá dầu thô giảm sẽ kích thích sức mua và gia tăng lợi nhuận biên cho doanh nghiệp.
Kỳ vọng ở doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, năm 2015, sẽ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn, theo đó tỷ giá, lãi suất sẽ được kiểm soát ổn định, trong khi lạm phát sẽ được giữ ở mức 5%.
Ông Sanjay Kalra khuyến nghị, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn, điều cốt yếu là ổn định kinh tế vĩ mô phải được tiếp tục duy trì. Đồng thời, tiến trình tái cấu trúc phải được đẩy nhanh hơn. Việc tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng sẽ tạo điều kiện cải thiện các trung gian tài chính, làm lành mạnh hơn bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, hạ thấp chi phí vay của doanh nghiệp và gỡ bỏ được các rủi ro trong lĩnh vực tài chính. Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần được đẩy nhanh hơn đi đôi với nâng cao hiệu quả của đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh thâm hụt tài khóa và nợ công đang tăng cao.
HSBC khuyến nghị, về trung hạn, Việt Nam cần phải giải quyết những vấn đề liên quan đến việc kết nối khá hạn chế của các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài, từ đó phát triển một chiến lược rõ ràng để nền kinh tế có thể cạnh tranh khi yếu tố cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ không còn nữa.
Động lực tăng trưởng chính năm 2015 đang được kỳ vọng ở khối doanh nghiệp. Bên cạnh việc tạo khung khổ pháp lý, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là về nợ và vốn cho doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất - kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét