Tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đang đến giai đoạn kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định trong nửa đầu năm 2015. Theo nhận định của các chuyên gia, EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế của Việt Nam
Kỳ vọng EVFTA
Thị trường EU có 28 nước thành viên và là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 18.000 tỷ USD, chiếm 22% GDP toàn cầu. Tổng kim ngạch ngoại thương của EU gần 4.000 tỷ USD. Đầu tư của EU ra bên ngoài bằng gần 40% FDI toàn cầu và nhận 20% đầu tư từ bên ngoài.
EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng trưởng ổn định với tốc độ bình quân từ 15-20%/năm. EU cũng là nhà tài trợ ODA lớn thứ 2 cho Việt Nam. Tính từ năm 2007-2013, EU đã cung cấp 5,2 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam, trong đó có 43% là viện trợ không hoàn lại.
Kỳ vọng của Việt Nam đối với Hiệp định EVFTA là hướng đến mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư để tận dụng tốt tiến trình tự do hóa trong khu vực và nắm bắt xu hướng tự do hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Vấn đề cắt giảm thuế
Khi EVFTA chính thức được thiết lập, hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU sẽ được lợi lớn về mặt thuế suất.
Việc gỡ bỏ các hàng rào thuế quan trong thương mại với EU đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. EU là thị trường đa dạng và rộng lớn, hàng hóa thế mạnh của mỗi bên vốn mang tính bổ trợ cho nhau chứ không cạnh tranh một cách trực tiếp.
Việt Nam sẽ có khả năng tiếp cận dễ dàng vào thị trường EU, bởi khung khổ FTA sẽ cho phép loại bỏ thuế quan đối với hơn 90 dòng thuế. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ. Việt Nam có cơ hội nhập khẩu công nghệ nguồn từ EU để điều chỉnh quan hệ thương mại với các nước trên thế giới theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA được ký kết có thể sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam tăng lên từ 10 - 15%. Ngoài ra, hiệp định sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 30 - 40% và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng từ 20 - 25%.
Bên cạnh việc đem lại lợi ích cho Việt Nam từ việc loại bỏ thuế quan khi Hiệp định có hiệu lực và tiếp cận thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, EVFTA còn tác động lên các luồng vốn đầu tư vào Việt Nam. Việc cắt giảm thuế XK sang EU sẽ tạo động lực chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam để hướng tới XK sản phẩm cuối cùng sang EU.
Ngành nào được hưởng lợi
Theo các chuyên gia, với Việt Nam, các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA bao gồm dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm…
Việc ký kết FTA với EU sẽ giúp giảm mức thuế hiện tại mà EU đang áp dụng đối với mặt hàng may mặc của Việt Nam từ 12% xuống 0%, đồng thời, việc EU giảm thuế đối với hàng may mặc của Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu với mức tăng trung bình trên 20%.
Ngành da giày Việt Nam cũng được dự báo là ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất sau khi EVFTA được kí kết vì EU đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành này. Ngành da giày sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn khi thuế suất sẽ được cắt giảm từ 12,4% về 0%.
Ngành chế biến gỗ sẽ được hưởng thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, đồng thời sẽ được giảm giá máy móc thiết bị ngành gỗ nhập khẩu từ các nước đối tác.
Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, các ngành dịch vụ như bán lẻ, truyền thông, tài chính... sẽ có điều kiện tăng trưởng mạnh khi EVFTA kí kết và sẽ thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý EU có những yêu cầu về vệ sinh, kiểm dịch; đóng gói, bao bì; khả năng truy soát nguồn gốc và thủ tục hải quan nghiêm ngặt. Các tiêu chuẩn do EU áp đặt thường nằm trong số các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới và khó đạt được nhất với chi phí cao nhất là thách thức đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Theo Tapchitaichinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét