Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Lại cuống quýt với nợ xấu

Lại cuống quýt với nợ xấu


Trước sức ép hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước lại cuống quýt với nợ xấu bằng cơ chế bắt buộc các ngân hàng phải bán nợ cho VAMC.


Cơ chế chính thức bắt buộc các ngân hàng bán lại nợ xấu cho VAMC được hiện thực hóa bằng văn bản Ngân hàng Nhà nước gửi đến toàn hệ thống ngày 11/3 vừa qua về việc yêu cầu thống kê cụ thể số lượng nợ xấu sẽ hoán đổi với VAMC trong năm nay. Văn bản cũng quy định con số nợ xấu này không được thấp hơn một mức nhất định.


Nội dung của văn bản cũng yêu cầu mỗi ngân hàng phải chuẩn bị và báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước kế hoạch cụ thể của từng ngân hàng về lượng nợ xấu hoán đổi với VAMC theo từng tháng. Và phải đảm bảo rằng không ít hơn 75% số lượng nợ xấu theo yêu cầu sẽ được hoán đổi trước cuối tháng 6/2015. Với mục tiêu cuối cùng là hoàn thành hoán đổi 100% số lượng nợ xấu theo kế hoạch vào ngày 30/9/2015.


Hành động này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt trong việc đẩy mạnh hoán đổi và tái cấu trúc nợ để đạt mục tiêu nợ xấu về mức 3% trong năm nay. Dĩ nhiên, nếu các ngân hàng đồng thời tích cực tái cấu trúc nợ xấu của mình, số lượng nợ đã tái cấu trúc có thể được giảm trừ vào số lượng nợ tối thiểu phải thực hiện hoán đổi theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.


Con số nợ xấu cập nhật nhất, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2014, nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) là 167.861 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 3,8%); tỷ lệ nợ xấu theo kết quả phân loại dựa trên thông tin tín dụng của CIC là 5,3%.


Theo kế hoạch, đến cuối tháng 1/2015 Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức có số liệu cuối cùng về tỷ lệ nợ xấu của năm 2014. Nhưng đến nay, con số nợ xấu năm 2014 vẫn chưa được công bố.


Để xử lý nợ xấu thông qua VAMC, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý cho VAMC phát hành 80.000 tỷ đồng, tương ứng với ước tính 100.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ được tái cấu trúc hay 2,4% dư nợ.


Theo đó, để đạt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 3% vào cuối năm 2015 (hoặc nhiều khả năng tháng 9/2015), ngành ngân hàng sẽ phải xử lý khoảng 2,4% giá trị nợ xấu bằng cách hoặc hoán đổi với VAMC hoặc tự tiến hành tái cấu trúc nợ xấu. 2,4% dự nơ đương tương với khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu vào thời điểm cuối tháng 10/2014.


Thực tế, hành động này của Ngân hàng Nhà nước là để chuyển địa chỉ nợ xấu chứ vấn đề này sẽ không thể được xử lý trong năm nay, bởi phương pháp này cũng có rủi ro.


Với sự phụ thuộc vào dữ liệu CIC, điều này vẫn để lại khả năng là các ngân hàng tái cấu trúc nợ bằng cách phân loại lại thời hạn của các khoản nợ (chuyển nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn hơn hay thậm chí nợ dài hạn thanh toán một lần) và sau đó ghi nhận các khoản nợ này sang nợ Nhóm 1. Cách thức này đặc biệt áp dụng cho người vay chỉ vay tiền từ một ngân hàng do số liệu CIC đáng tin cậy hơn khi mà có nhiều nguồn tham khảo khác nhau (một vài khoản vay hiện tại cho một người vay từ một số ngân hàng).


Do đó, mặc dù cách thức này ở thời điểm hiện tại sẽ có thể xử lý một phần đáng kể nợ xấu, nhưng thực tế không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề. Những khoản nợ tái cấu trúc được trì hoãn trả lãi cho đến khi đáo hạn sẽ có thể xuất hiện trở lại sau đó, rồi lại phải được xử lý...


TRẦN GIANG


Theo Bizlive




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á