Diễn biến lạ của tín dụng trong năm nay, đó là đã tăng trưởng dương với mức tăng là 0,68% trong 2 tháng đầu năm. Đây được coi là bất ngờ bởi vài năm qua (từ năm 2012 – 2014), tín dụng trong 2 tháng đầu đều tăng trưởng âm.
Trước đó, theo con số của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến cuối tháng 2 đạt khoảng 0,96-1%; nghĩa là cao hơn đáng kể so với cùng kỳ 3 năm trước (ở những năm trước tín dụng còn giảm vài tháng đầu năm trước khi phục hồi vào khoảng cuối tháng 6).
Bình luận về tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm, một chuyên gia ngân hàng cho rằng số liệu tăng trưởng tín dụng có vẻ khả quan hơn cùng kỳ các năm trước. Tín hiệu này cho thấy tín dụng đã khởi động ngay từ đầu năm chứ không để ứ đọng, dồn cục trong những tháng cuối năm như những năm trước.
“Quan trọng hơn, một số ngân hàng nhỏ đã tăng cho vay bất động sản do nhu cầu tăng. Đồng thời hoạt động cho vay cũng sôi động hơn nhờ tỷ lệ nợ xấu giảm (dư nợ tín dụng tăng cũng giúp giảm tỷ lệ nợ xấu)”, vị này bình luận.
Tín dụng chảy vào bất động sản
Theo CTCK TP.HCM (HSC), tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh chủ yếu từ nhu cầu của các doanh nghiệp quốc doanh cũng như từ sự mở rộng của các ngành công nghiệp FDI.
“Hơn nữa, với những dấu hiệu phục hồi của bất động sản, theo đó các doanh nghiệp phát triển bất động sản và các công ty xây dựng sẽ có thể có nhu cầu lớn hơn đối với các khoản vay cho vốn lưu động trong năm nay. Cùng với đó, nhiều tổ chức nước ngoài đã đưa ra một số nhận định tích cực về các kế hoạch đề xuất của Chính phủ về bán cổ phần tại 280 công ty như một phần của quá trình cổ phần hóa. Việc này sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng”, HSC bình luận.
HSC cũng cho rằng, nhu cầu tín dụng của ngành bất động sản và tín dụng tiêu dùng đã tăng trở lại đã giúp kích thích tín dụng phục hồi trong những tháng gần đây.
“Từ những thông tin thu thập được từ một số ngân hàng chúng tôi thấy các ngân hàng quốc doanh và các NHTM cổ phần lớn trong 2 tháng đầu năm tín dụng giữ nguyên không tăng. Tuy nhiên, những ngân hàng này cho biết tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng nhỏ có lẽ đã có sự tăng tốc. Các ngân hàng này có lẽ là các ngân hàng nhỏ nhất hệ thống”, HSC phân tích.
Theo HSC, có nhiều lý do khiến tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng nhỏ tăng tốc. Một số ngân hàng nhỏ thường có xu hướng cho vay nhiều đối với một số ngành, chẳng hạn ngành có mức độ rủi ro tương đối cao là bất động sản và trong một số trường hợp là cho vay margin.
“Trong khi đó trái lại các ngân hàng lớn thường có danh mục cho vay khá cân bằng và tỷ trọng cho vay các ngành nằm trong một giới hạn nhất định theo bình quân ngành. Do vậy nhu cầu vay mua nhà và vay đầu tư phát triển dự án BĐS nói chung tăng sẽ khiến tín dụng tại các ngân hàng nhỏ tăng trưởng mạnh cho dù là chỉ trong một khoảng thời gian ngắn”, HSC nhận định.
Một động lực nữa để các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đó là để giảm tỷ lệ nợ xấu. Các ngân hàng đang chịu áp lực phải giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm nay theo quy định và do đó các ngân hàng có thể sẽ tìm nhiều cách để làm được điều này, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Cần phải giảm lãi suất cho vay
Sự cải thiện về tăng trưởng tín dụng đang là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 lên khoảng 17%. Mức điều chỉnh này cũng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, dự tính từ cuối năm ngoái.
Theo ông Bình, năm 2015 tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện hơn, nên việc đề ra mục tiêu tăng trưởng là để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế chứ không phải là mục tiêu phấn đấu của ngân hàng.
Không lạc quan như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% do nền kinh tế phục hồi là hơi lạc quan. Vấn đề ở đây là nếu điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng trưởng cung tiền M2 không? Theo kế hoạch đặt ra, tăng trưởng cung tiền M2 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước là 17 - 18%, tăng trưởng tín dụng từ 13 - 15%, nên thanh khoản tự do sẽ rất nhỏ.
Theo tính toán của nhiều tổ chức, với tăng trưởng tín dụng khoảng 15,5%, tăng trưởng cung tiền M2 là 18,5% là mức đủ để đạt được mục tiêu GDP 6,2% trong năm nay. Điều quan trọng nhất là giảm lãi suất cho vay.
“Lãi suất cho vay vẫn còn cao và Ngân hàng Nhà nước nên tìm cách đưa mặt bằng lãi suất cho vay xuống dưới 10%/năm, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo ông Hiếu, với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn chưa tạo điều kiện tài chính tốt để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. “Thực tế, doanh nghiệp vẫn dùng vốn vay ngân hàng quá lớn, trong khi nguồn vốn tự có và vốn huy động từ khách hàng han chế. Do vậy, với mặt bằng lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hiếu phân tích.
Để lãi suất có thể giảm, theo ông Hiếu hoặc là Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất đầu vào hoặc là bơm thanh khoản qua thị trường mở (OMO) hoặc để lãi suất thả nổi trên thị trường.
Nếu chọn giải pháp giảm lãi suất, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh giảm trần lãi suất xuống khoảng 4 - 4,5%. Tuy nhiên, quyết định giảm lãi suất huy động đang gặp khó khăn khi mà đồng USD mạnh lên.
Nếu chọn giải pháp lãi suất thả nổi theo cung cầu thị trường, lãi suất sẽ giảm và tạo ra lãi suất thị trường quân bình. “Nếu để lãi suất quyết định bởi thị trường thì lãi suất sẽ giảm trong điều kiện hiện nay. Bởi khi đó, ngân hàng có thế mạnh về nguồn vốn sẽ giảm lãi suất và sẽ tạo mặt bằng lãi suất cho vay mới”, ông Hiếu phân tích.
Ông Hiếu bình luận với việc áp trần lãi suất hiện nay, lãi suất không vận hành theo thị trường, bởi đây là quyết định hành chính. Do vậy lãi suất không phản ánh cung cầu thị trường và khách hàng sẽ tìm đến ngân hàng có lãi suất cao.
“Thả nổi lãi suất sẽ giúp thị trường nhận ra được ngân hàng nào khỏe, ngân hàng nào yếu để lựa chọn nơi gửi tiền an toàn. Để làm được điều đó thì thông tin lãi suất phải minh bạch, các ngân hàng không còn mục “lãi suất ngoại bảng” và thị trường sẽ loại bỏ những ngân hàng yếu kém”, ông Hiếu nhận đinh.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, với việc Ngân hàng Nhà nước “bảo kê” cho tất cả các ngân hàng không cho phá sản thì rất khó thả nổi lãi suất. Và như vậy, lãi suất có giảm được hay không lại phụ thuộc vào hành động cụ thể của cơ quan này.
TRẦN GIANG
Theo Bizlive
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét