Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Bloomberg: Trong tháng này 'chốt' danh sách 280 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015

Bloomberg: Trong tháng này 'chốt' danh sách 280 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015


Với khoảng 280 doanh nghiệp, hầu hết là các tập đoàn lớn trong danh sách, năm nay sẽ là năm kỷ lục về giá trị cổ phần Nhà nước được bán ra.


Trả lời hãng tin Bloomberg, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính cho biết, với khoảng 280 doanh nghiệp, hầu hết là các tập đoàn lớn trong danh sách, năm nay sẽ là năm kỷ lục về giá trị cổ phần Nhà nước được bán ra.


Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, việc đưa ra một danh sách công khai danh sách và quy mô của số cổ phần chào bán sẽ giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.


Danh sách số cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp được chào bán sẽ được hoàn thành vào cuối tháng này và công bố ngay sau đó, ông Đặng Quyết Tiến cho biết.


Việt Nam đang cố gắng đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã bắt đầu từ những năm 1990, khi Chính phủ tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên mức 6,2%/năm - cao nhất trong 4 năm nay trở lại đây. Theo Bloomberg, sự phức tạp của quá trình cổ phần hóa đã cản trở kế hoạch cứu các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, những "chủ nhân" của các khoản nợ xấu đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng.


Michel Tosto, Giám đốc Dịch vụ Cổ phiếu & Trái phiếu - Khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng Chính phủ đang có mong muốn và nỗ lực để đẩy càng nhanh càng tốt quá trình cổ phần hóa, tuy nhiên sự chậm trễ là không thể tránh khỏi khi luật hiện hành khiến quá trình cổ phần hóa kéo dài về thủ tục. Theo ông Tosto, việc Chính phủ đạt được các mục tiêu cổ phần hóa như kế hoạch là không thể.


Năm ngoái, kế hoạch cổ phần hóa của Chính phủ đã không đạt mục tiêu, cho dù số lượng doanh nghiệp bán cổ phần đã tăng gấp đôi so với 2013. Tổng cộng 143 doanh nghiệp Nhà nước đã bán cổ phần trong năm 2014, so với mục tiêu 200.


Để đẩy nhanh quá trình, "họ cần đơn giản các thủ tục cổ phần hóa. Có quá nhiều người liên quan đến quá trình này", ông Tosto nói. "Họ cần hiện đại hóa thủ tục IPO và niêm yết để chúng diễn ra đồng thời thay vì cách nhau cả tháng hay năm. Việc định giá hợp lý cũng sẽ hỗ trợ".


Quá trình cổ phần hóa sẽ thay đổi trong năm nay, theo ông Đỗ Quyết Tiến. Các doanh nghiệp sẽ không cần phải IPO trước, nhưng cần tìm và bán cổ phần cho các đối tác chiến lược phù hợp , những người có thể đưa ra những cam kết lâu dài cho sự tăng trưởng chung, tránh tình trạng các doanh nghiệp của chúng ta cuối cùng bị thâu tóm.


Các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được yêu cầu thực hiện roadshow ở nước ngoài để tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Tiến nói. "Các doanh nghiệp minh bạch cũng sẽ giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư".


Người đứng đầu bộ phận môi giới, kinh doanh Công ty Chứng khoán VPBank Marc Djandji cho rằng, vấn đề hiện nay là chính phủ không biết làm thế nào để tiếp thị cổ phần chào bán.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu cuối năm nay là thời hạn cuối cùng để các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành và các ngân hàng phải giảm nợ xấu về dưới 3%. Năm ngoái, cơ quan chức năng cho biết sẽ thành lập một nhóm làm việc bao gồm các quan chức từ Bộ Tài chính, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM và Hà Nội để giúp các doanh nghiệp Nhà nước bán thành công cổ phần.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á