Ngân hàng Nhà nước vừa công bố con số nợ xấu năm 2014 được tập hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng là 3,22%. Tỷ lệ nợ xấu giảm đã đi ngược với dự đoán của nhiều tổ chức trong và ngoài nước.
Con số này giảm so với tháng 11/2014 là 3,8%, tương đương 167.861 tỷ đồng và thấp hơn nhiều so với con số nợ xấu mà Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) công bố. Tính đến tháng 11/2014, tỷ lệ nợ xấu theo kết quả phân loại dựa trên thông tin tín dụng của CIC là 5,3%.
Sự chênh lệch về con số nợ xấu đang là vấn đề quan tâm của cơ quan quản lý và ngân hàng. Vấn đề này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước, VAMC và đại diện các ngân hàng ngồi lại với nhau vào hồi giữa tháng 3 để đi đến sự thống nhất về con số nợ xấu.
Giải thích về sự chênh lệch này, nhiều ngân hàng cho rằng nhiều khoản nợ xấu đã có tín hiệu tích cực do môi trường kinh doanh đã cải thiện, thanh khoản của các tài sản thế chấp cũng tăng, nhiều khách hàng đã hoạt động trở lại và có khả năng trả nợ.
Con số nợ xấu giảm mặc dù có bất ngờ nhưng cũng đã được thị trường đoán định được bởi nhìn vào bức tranh nợ xấu qua báo cáo tài chính năm 2014 của các ngân hàng cũng cho thấy sự giảm nhẹ của nợ xấu.
Điển hình như Vietcombank với tốc độ giảm chóng mặt. Nếu cuối quý II/2014, nợ xấu của ngân hàng này chiếm 3,09% thì đến cuối năm 2014, nợ xấu giảm mạnh xuống còn 2,3%.
Hay như Vietinbank, 6 tháng đầu năm 2014 nợ xấu đang là 2,5%, đến cuối năm 2014 nợ xấu chỉ còn 0,89%. MB cũng có tốc độ giảm nợ xấu mạnh, từ 3,09% trong 9 tháng đầu năm 2014 xuống còn 2,87% trong cuối năm 2014.
Nếu đầu năm 2014, nợ xấu của BIDV là 2,37% thì đến 31/12/2014, giảm còn 1,8%. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV giảm một phần là do bán được 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, nhưng chủ yếu là nhờ mức tăng trưởng tín dụng cao hơn dự báo.
SHB cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm “sốc” từ 4,08% hồi cuối năm 2013 xuống còn 2,4% cuối năm 2014, tương ứng giảm 794,93 tỷ đồng. Cuối năm 2012, sau khi sáp nhập ngân hàng Habubank, nợ xấu của SHB từng lên tới 8,8%.
Tốc độ giảm nợ xấu của nhiều ngân hàng Việt khiến giới tài chính thế giới sửng sốt, ngay cả những tập đoàn tài chính sừng sỏ của thế giới cũng phải ngạc nhiên!
Điểm chung của những ngân hàng này trong việc giảm nợ xấu đó là tốc độ tín dụng tăng rất mạnh vào những tháng cuối năm.
Ví như Vietcombank, năm 2014, tăng trưởng tín dụng đạt tới 18%, cao hơn mục tiêu 15% đưa ra đầu năm. Ngoài ra, theo báo cáo sơ bộ, Vietcombank cũng đã sẵn có khoảng 5% tăng trưởng tín dụng cho năm tới, theo tính toán dư nợ sẽ giải ngân cho các hợp đồng tín dụng đã ký.
Gây sốc có lẽ là BIDV, nếu 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 5,47% mà tổng cả năm là 18,9%, tương đương khoảng 460.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ 3 tháng cuối năm, tín dụng tăng 13,44%.
Vietinbank cũng là một đại diện khi 9 tháng đầu năm, tín dụng mới đạt 7%, tương đương 491.000 tỷ đồng, thì tính đến 31/12/2014 đã tăng 18,2%, tương đương 544.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ 3 tháng, tín dụng của Vietinbank đã tăng 11,2%.
Hay như MB, đến cuối tháng 9, tín dụng mới đạt 5,3%, tương đương 92.396 tỷ đồng. So với con số cuối năm 2014 tăng 14,6%, 3 tháng cuối năm đã "đóng góp" 9,3%.
Tăng trưởng tín dụng mạnh để giảm tỷ lệ nợ xấu cũng được SHB áp dụng. Trong những năm qua, SHB nằm trong nhóm NHTM cổ phần có tốc độ tăng tín dụng cao nhất, cụ thể, năm 2011 tăng 19,64%, năm 2013 tăng 34,4%, năm 2014 tăng 25,6%...
Giới chuyên gia ngân hàng từng dự đoán, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng lên vì chịu ảnh hưởng từ một số chính sách như cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, hoặc mức độ thực hiện cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 09, Thông tư 36, Thông tư 02…
Dù vậy, con số nợ xấu giảm đã cho thấy mức độ sai số trong dự tính cũng như sự biến động của những dự liệu đươc công bố trước đó. Nhiều lần Ngân hàng Nhà nước cũng đã giải thích về sự khác biệt giữa con số của cơ quan quản lý với con số tập hợp từ các TCTD. Sự khác biệt là do giám sát từ xa, cùng với đó, mức biện động từng ngày của một số khoản nợ lớn đã được xử lý hoặc bị chuyển thành nợ xấu cũng cho một kết quả khác biệt.
Tuy nhiên, sự trung thực với nợ xấu là cần thiết để bức tranh nợ xấu được nhận diện đầy đủ hơn nhằm tránh sự bi quan hay lạc quan không đúng trong cách ứng xử với nó.
TRẦN GIANG
Theo Bizlive
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét