Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 3, diễn ra ngày 1/4/2014, ba vấn đề lớn được Thống đốc NHNN báo cáo là: tăng trưởng tín dụng đã ở mức dương; dự trữ ngoại hối tăng thêm 7,7 tỷ USD nhưng vẫn duy trì ổn định tỷ giá; đồng thời, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã có bước tiến mới.
Bơm hút vốn nhịp nhàng
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của hệ thống các TCTD vẫn tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay. Đặc biệt, trong nửa cuối tháng 3 vừa qua, huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng duy trì mức khả quan. Diễn biến này cho thấy, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động vừa qua không ảnh hưởng đến dòng tiền vào hệ thống ngân hàng.
“Sau khi điều chỉnh giảm 1% lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và các mức lãi suất điều hành, mặt bằng chung lãi suất huy động của các TCTD giảm từ 0,5-1%/năm ở các kỳ hạn khác nhau. Theo đó, mức lãi suất cho vay cũng phản ứng tích cực, giảm từ 0,5 đến trên 1%/năm”, Thống đốc NHNN cho biết.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng (TTTD) cũng có cải thiện rất đáng kể. Sau khi giảm sâu, theo các thống kê được các cơ quan chức năng công bố hồi đầu năm, đến thời điểm cuối tháng 3/2014, tín dụng đã tăng trưởng dương. Còn theo số liệu của NHNN đến ngày 31/3, TTTD đã tạm thời dương 0,01%, phù hợp với diễn biến cùng kỳ năm trước và 1 vài năm gần đây. Như vậy, tốc độ TTTD của tháng 3 so với tháng 2 là khá cao, khoảng 1% và với xu hướng hiện nay, các tháng tiếp theo tốc độ tăng tín dụng đảm bảo mục tiêu đề ra 12-14%. “Đà này rất tốt, tăng tín dụng không có vấn đề gì quá đáng lo ngại”, Thống đốc NHNN khẳng định trước các thành viên Chính phủ.
Một trong những điểm đáng chú ý khác trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là sự chủ động, linh hoạt và cân đối hợp lý giữa dòng tiền vào và ra nền kinh tế. Theo đó, đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế để mua vào ngoại tệ nhưng vẫn duy trì ổn định tỷ giá. “Quý I/2014 đã mua vào 7,7 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối”, Thống đốc cho biết. Nguồn lực dự trữ ngoại hối tăng liên tục đã nâng vị thế trong giao dịch kinh tế đối ngoại của quốc gia. Nhưng điều quan trọng hơn là khi bơm ra một lượng tiền Đồng tương đương với số ngoại tệ đã mua vào, diễn biến lạm phát và tỷ giá vẫn ổn định, không gây áp lực lớn đối với điều hành chính sách tiền tệ.
Mong muốn tăng nguồn tiền để giải ngân các dự án, công trình được tài trợ bằng nguồn vốn ngân sách, giảm áp lực thừa tiền trong nền kinh tế, NHNN đã xử lý rất linh hoạt. Với chính sách lãi suất thấp, thanh khoản tốt, nên NHNN đã tạo điều kiện để một lượng tiền của các NHTM chuyển sang mua TPCP. Đến cuối tháng 3/2014, tổng lượng trái phiếu các loại phát hành khoảng 90 nghìn tỷ đồng, riêng TPCP khoảng 75.000 tỷ đồng. Số này phù hợp với kế hoạch đặt ra từ đầu năm, cỡ 300.000 tỷ đồng cả năm. Trong đó, quý I/2014 kế hoạch là trên 70.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giải ngân vốn TPCP vẫn còn rất chậm, số dư trái phiếu luôn dao động khoảng 63.000 tỷ đồng. Thống đốc NHNN cho rằng, số tiền là rất lớn, nếu giải ngân hết trong quý I, đưa số dư chỉ còn 20.000 tỷ đồng để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng. “Đề nghị các Bộ, ngành vào cuộc để tăng tốc độ giải ngân thì mới thực hiện được mức thâm hụt bội chi mà Quốc hội đặt ra để đảm bảo tăng trưởng GDP như dự kiến”, Thống đốc NHNN đặt vấn đề tại cuộc họp Chính phủ.
“Có điều, Chính phủ còn phải phát hành lượng TPCP từ nay đến cuối năm rất lớn nên tốc độ giải ngân quý II phải quyết liệt hơn. Vì khi TTTD bắt đầu tăng và quý III, quý IV có thể còn tăng mạnh hơn nữa, nên khả năng thu hút nguồn tiền cho TPCP có thể giảm”, Thống đốc đặt vấn đề.
Quyết liệt tái cơ cấu
Liên quan đến vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay - tái cơ cấu các NHTM - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện NHNN tiếp tục hoàn thiện một số văn bản để có thể bán được các khoản nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài. “Họ đã tiếp xúc với NHNN để tìm hiểu khả năng mua lại, nhưng còn một số vấn đề thủ tục pháp lý, đặc biệt về đất đai. NHNN tiếp tục làm việc để tháo gỡ”, Thống đốc cho biết.
Nói về triển vọng xử lý nợ xấu, người đứng đầu NHNN nêu mục tiêu mua 70-100 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong 2014 là “hoàn toàn nằm trong khả năng thực hiện”. Thực tế, như báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu nội bảng hiện còn khoảng 3,6-3,9%. “Nợ xấu giảm do, một mặt sử dụng công cụ trích lập dự phòng rủi ro, mua bán nợ xấu. Mặt khác, sản phẩm tồn kho, đặc biệt là bất động sản ấm lên trong thời gian vừa qua cũng đã góp phần vào xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng”, Thống đốc cho hay.
Đáng chú ý là trường hợp cuối cùng trong nhóm NHTM phải tái cơ cấu đợt đầu là GPBank, Thống đốc cho biết: “Đối tác nước ngoài đang đàm phán bước cuối cùng để hoàn tất việc hợp tác với GPBank. Còn cơ bản các ngân hàng khác đã khắc phục được hạn chế. Sau hợp nhất, không những trả được nợ vay tái cấp vốn từ NHNN mà còn trả được nợ trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản được cải thiện, thoát khỏi đổ vỡ trước đây”.
Năm 2014, NHNN sẽ triển khai đợt 2 tái cơ cấu mạnh mẽ. Trong quý I/2014, NHNN đã thanh tra và giao các công ty kiểm toán độc lập lớn vào kiểm toán chất lượng tín dụng. Trên cơ sở đó, quý II/2014, triển khai một loạt các chương trình tái cấu trúc một số TCTD mới. Dự kiến của NHNN, trong 2014 sẽ xử lý khoảng 6-7 ngân hàng qua các hình thức hợp nhất, sáp nhập, đưa tổng số các ngân hàng phải giải thể, rút giấy phép từ trước đến nay lên 7-10 ngân hàng.
Liên quan đến việc điều chỉnh thời hạn áp dụng các tiêu chí nợ và trích lập dự phòng theo Thông tư 02, Thống đốc NHNN cho biết: bản chất quy định cách thức phân loại nợ theo Thông tư 02 rất sát với thông lệ quốc tế. “Nhưng so với tình hình hiện nay, nếu áp dụng Thông tư 02 ngay thì các TCTD chịu áp lực quá mức. Chúng tôi điều chỉnh một số chỉ tiêu, và ban hành Thông tư 09 là bước lập lại kỷ cương, siết chặt hơn việc phân loại tài sản và nợ của các TCTD”, Thống đốc khẳng định.
Thanh Huyền - Thời Báo Ngân Hàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét