Sau gần 1 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngân hàng xem xét giảm nhanh lãi suất các khoản vay cũ, các ngân hàng vẫn “phớt lờ” chỉ đạo này.
Điệp khúc chờ
Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết, ngay sau khi Thủ tướng chỉ đạo giảm lãi suất (LS) khoản vay cũ, ông đã gửi đơn đến các ngân hàng (NH) "chủ nợ" đề nghị giảm lãi vay và câu trả lời chung là “chờ xem xét”. “Mức LS 12% của chúng tôi hiện nay đã áp dụng từ quý 3/2013 và chúng tôi đang kỳ vọng tiếp tục được giảm thêm như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Các NH chỉnh lên thì nhanh mà giảm xuống thì luôn kéo dài”, ông Thành bức xúc. Khoản vay lớn nên giảm LS có tác động rất lớn đến công ty. Theo ước tính, nếu được giảm thêm 1%/năm, thì chi phí lãi vay sẽ giảm 1 tỉ đồng/tháng.
Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành : "Mức lãi suất 12% của chúng tôi hiện nay đã áp dụng từ quý 3/2013 và chúng tôi đang kỳ vọng tiếp tục được giảm thêm như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Các ngân hàng chỉnh lên thì nhanh mà giảm xuống thì luôn kéo dài"
Công ty cổ phần giấy Sài Gòn cũng đang mỏi mòn chờ NH xem xét giảm lãi vay với những hợp đồng vay vốn ngắn hạn. Theo ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn, nếu được giảm 1% lãi vay công ty sẽ giảm khoản tiền phải trả hơn 20 tỉ đồng/năm trong tổng số khoảng 200 tỉ chi phí lãi vay cả năm nay. Chủ một doanh nghiệp (DN) dệt may tại TP.HCM liên tục thở dài khi chúng tôi hỏi đã được giảm lãi khoản vay cũ theo chỉ đạo của Thủ tướng hay chưa. Công ty này cho biết, họ vẫn đang phải trả mức lãi vay 14%/năm cho NH vì công ty có quy mô nhỏ, không được ưu tiên như nhiều DN lớn.
Tình trạng LS của các khoản vay cũ chưa được giảm xuống đang hiện hữu ở hầu hết các DN, đặc biệt các DN vừa và nhỏ đang cực kỳ khó khăn. Theo số liệu thống kê trong quý 1/2014, cả nước có 16.745 DN phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM nhận xét, tình trạng này có một phần nguyên nhân do LS của các khoản vay cũ vẫn ở mức cao khiến DN không thể "gồng" nổi.
Giảm cho có
Cũng có một số ít DN có hồ sơ tín dụng tốt, quan hệ với NH mật thiết… được giảm nhưng chỉ ở mức giảm cho có. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH thương mại xây dựng Lê Thành, cho biết công ty vừa được NH giảm LS hợp đồng vay cũ từ mức 14%/năm xuống còn 13,5%/năm. “Mức giảm không đáng kể và lãi vay như vậy vẫn còn khá cao nếu so với LS huy động hiện ở mức 6 - 7%/năm. Nếu được giảm xuống còn 12%/năm, chúng tôi sẽ tiết kiệm được 1,5 tỉ đồng/năm trên khoản vay 100 tỉ đồng”, ông Nghĩa nói.
Ông Cao Tiến Vị nhận xét, hầu như các hợp đồng vay trung dài hạn vẫn có ở mức lãi vay cao hơn từ 1 - 3%/năm so các hợp đồng ngắn hạn. Chính sách tín dụng này không khuyến khích các DN đầu tư phát triển, cải tiến, thay mới máy móc công nghệ. Đó là chưa kể việc đàm phán vay vốn xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị máy móc cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Còn ông Đỗ Duy Thái - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam thì đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm xem lại chính sách tín dụng, trong đó cần giảm nhanh LS vay dài hạn. Với mức LS vay dài hạn trên 10%/năm thì các DN trong nước không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu và các DN nước ngoài ngay sân nhà.
Các khoản vay cũ hiện nay như “bầu sữa” của các NH khi tình hình cho vay mới trở nên khó khăn hơn. Một giám đốc NH cổ phần thừa nhận tình trạng các hợp đồng vay cũ hiện nay vẫn chưa có chuyển biến gì nhiều về mặt LS. Các NH không xem xét điều chỉnh LS vì nhiều lý do như khoản vay quá hạn, khách hàng không có phương án mới, không có tiền đáo hạn để vay mới, DN có lượng hàng tồn kho cao, lịch sử nợ xấu và cả chủ quan từ phía NH không muốn giảm vì trước đây chi phí vốn cao.
Vì vậy đang có sự chuyển hướng khi một số DN lên kế hoạch thay đổi chủ nợ, chuyển sang NH khác khi NH cũ không chịu giảm LS vay. Giám đốc một DN cho biết khoản nợ của DN đang được một NH mời gọi chuyển qua với LS thấp hơn, ở mức 10%/năm so với mức 13%/năm ở NH hiện tại. Nhưng chỉ có những DN được đánh giá tốt, trả lãi đúng hạn… mới được các NH chào mời và săn đón chuyển nợ.
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc chuyển giao nợ giữa các NH là điều đáng làm. Đây là xu hướng tất yếu trong sự cạnh tranh trên thị trường hiện nay.
Theo Thanh Xuân-Mai Phương
Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét