“Vốn của hệ thống ngân hàng là vốn vay của nền kinh tế, của dân, nếu hạ lãi suất xuống thấp hơn nữa thì chúng ta phải giải quyết được vấn đề: dân còn gửi tiền vào ngân hàng nữa hay không?..."
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng và 6-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng là 7,5-8,3%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 7-8%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn và 11-12,5%/năm đối nvới trung và dài hạn.
Lãi suất các khoản vay cũ đã được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm, đến cuối tháng 3/2014, tỷ trọng dư nợ cho vay có lãi suất trên 13% chỉ còn 17% trong tổng dư nợ cho vay so với tỷ lệ 31% vào cuối tháng 6/2013. Tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 5,6% so với mức 20,6% vào cuối năm 2012.
Trước ý kiến của doanh nghiệp: Liệu lãi suất có thể giảm nữa hay không?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay: “Chúng tôi sẽ theo dõi sát, thậm chí 10-15 ngày lại phân tích lại một lần để nếu có bất kỳ cơ hội nào để có thể giảm lãi suất xuống nữa thì chúng tôi sẽ tiến hành ngay. Thế nhưng phải chú ý việc hạ lãi suất bền vững để không bị giật cục “nay lên mai xuống”. "Sẽ tiếp tục nghiên cứu để phù hợp với kinh tế vĩ mô”.
Theo Thống đốc, giảm lãi suất là mục tiêu mà Ngân hàng đặt mục tiêu suốt 2 năm vừa qua, đến nay đã có mặt bằng lãi suất thấp hơn nhiều so với trước đây hơn 1 năm. Hơn nữa, việc điều chỉnh giảm lãi suất xuống nữa còn phải phụ thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô. Vừa rồi quyết định giảm lãi suất huy động xuống 6% và mặt bằng lãi suất cho vay xuống 1-2% nữa cũng là quyết định đầy khó khăn, nhiều rủi ro đối với những người làm công tác quản lý vĩ mô.
“Vốn của hệ thống ngân hàng là vốn vay của nền kinh tế, của dân, nếu hạ lãi suất xuống thấp hơn nữa thì chúng ta phải giải quyết được vấn đề: dân còn gửi tiền vào ngân hàng nữa hay không? Nếu dân không gửi tiền vào ngân hàng nữa thì dân sẽ chuyển tiền sang đầu tư vào vàng, đô la Mỹ hay vào lĩnh vực khác.
Vì thế, phải cân đối kỹ lưỡng để đảm bảo được giá trị của đồng tiền Việt Nam, đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế của chúng ta trên cơ sở đảm bảo thanh khoản của nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng”, ông Bình lưu ý.
Theo nhận định của người đứng đầu ngành ngân hàng, thị trường tiền tệ sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay và các năm sau, mặt bằng lãi suất về cơ bản vẫn ổn định như bây giờ, nếu có điều kiện thì lãi suất cho vay sẽ giảm hơn nữa. Từ đầu năm đã giảm từ 0,5-2%, tùy từng lĩnh vực, cần tiếp tục giảm thêm sao cho cả năm nay giảm được khoảng 1,5-2% mặt bằng lãi suất cho vay của các loại kỳ hạn.
Thêm vào đó, ông Bình cũng dự báo: Tỷ giá cũng sẽ ổn định từ nay đến cuối năm, từ giờ đến cuối năm nếu có điều chỉnh tăng thì cũng chỉ ở mức 1%. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước cam kết ổn định giá trị đồng VN với mức biến động không quá 2% và chủ động điều hành ổn định tỷ giá bình quân liên ngân hàng và tỷ giá ngoại tệ của NHNN để định hướng tỷ giá giao dịch của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết: Dự trữ ngoại hối đã ở mức cao nhất, trên 35 tỷ USD. Đây là nguồn dự trữ tốt cho nền kinh tế, đảm bảo ổn định tiền tệ và kiểm soát lạm phát.
Minh Thư - Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét