Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Thị trường vẫn hút mạnh vốn ngoại

Thị trường vẫn hút mạnh vốn ngoại


Trên TTCK Việt Nam cũng đang xuất hiện các quỹ ETF mới được xem là những tay chơi giấu mặt xuất sắc trên TTCK Việt Nam từ năm 2013.

Thị trường chứng khoán (TTCK) đã bước chuyển sang giảm điểm ngắn hạn, nhưng vẫn được đánh giá là tiềm năng nhất khu vực. Thực tế cho thấy, các quỹ đầu tư nước ngoài tiếp tục hút vốn mạnh vào chứng khoán chứ không phải rút ra khỏi thị trường. Họ vẫn kỳ vọng thị trường sẽ phát triển lớn mạnh khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi và các chính sách hỗ trợ thị trường đã phát huy tác dụng.


Theo thống kê, số lượng chứng chỉ quỹ (CCQ) của 2 quỹ FTSE Vietnam và V.N.M tiếp tục tăng mạnh, cho thấy TTCK Việt Nam tiếp tục thu hút dòng tiền của NĐT ngoại.


Quỹ Market Vectors Vietnam ETF (V.N.M) vẫn đang giao dịch ở trạng thái giá khá cao (premium). Mặc dù, tổng tài sản của quỹ V.N.M trong những ngày qua đã bốc hơi mạnh khi TTCK Việt Nam liên tục sụt giảm mạnh. Theo đó, tổng tài sản của quỹ này đã hao hụt 19,9 triệu USD, khoảng 3,9% vào ngày 21/4. Tuy nhiên, điều này dường như không tạo ra sự e ngại quá mức ở các NĐT ngoại khi quỹ tiếp tục phát hành thêm 50.000 chứng chỉ quỹ (CCQ) trong ngày 21/4 (tương đương 2,07 triệu USD).


Thị trường giảm, huy động vẫn tăng


Trong ngày này, CCQ của V.N.M còn thu hút dòng tiền của nhà đầu tư ngoại rất tốt khi trạng thái giá giao dịch ở mức cao 1,34% hơn gấp 6 lần so với mức premium hôm 17/4 là 0,22%, và cách xa mức bình quân 20 phiên trước đó (ở mức 0.87%). Cùng ngày, quỹ V.N.M tiếp tục mua thêm ở tất cả các cổ phiếu trong danh mục cơ sở và nhiều nhất là cổ phiếu PVT mới được đưa vào rổ chỉ số.


Tuy nhiên, những khoảng chênh lệch giữa giá thị trường và giá NAV của ETF thông thường sẽ được san bằng thông qua hoạt động arbitrage (mua bán đồng thời) của các nhà đầu tư tổ chức. Nhìn chung, giá giao dịch của ETF phản ánh khá chính xác giá trị thực của các cổ phiếu trong rổ cổ phiếu của quỹ ETF. Điều này cũng cho thấy cách giao dịch đi ngược thị trường của NĐT nội khi thị trường tăng thì tích cực bán ra, ngược lại, lúc thị trường giảm thì đẩy mạnh mua vào.


Như vậy, TTCK Việt Nam giảm điểm mạnh thì càng thu hút dòng tiền của các NĐT ngoại vào CCQ của FTSE Vietnam khi quỹ phát hành thêm 100.000 CCQ trong ngày 16/4, nâng tổng số lên 12,186,397 CCQ. Theo số liệu tới ngày này, tổng tài sản của quỹ FTSE Vietnam đang ở mức 335,2 triệu USD, tức đã giảm thêm 5,49 triệu USD, tương đương 1,61% so với một ngày trước đó.


Điểm đáng chú ý là trạng thái giao dịch của CCQ FTSE Vietnam đã chuyển qua giao dịch ở trạng thái thấp (discount) mức giá NAV của quỹ ETF trong 2 phiên ngày 15/4 và 16/4 với giá trị lần lượt là -1,18% và -0,34%. Có thể, NĐT ngoại đã tranh thủ chốt lời khi CCQ FTSE Vietnam giao dịch ở trạng thái cao trong các phiên trước.


Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào các quỹ


Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào quỹ Market Vectors Vietnam ETF trong tuần từ ngày 14 - 17/4 với 8,3 triệu USD chỉ sau 4 phiên, nối tiếp mức hút ròng 8,55 triệu USD trong tuần liền trước và đánh dấu tuần hút vốn thứ 3 liên tiếp.


Trong 4 tháng đầu năm, quỹ ETF do Van Eck Global quản lý thu hút gần 100 triệu USD, vượt xa tổng mức rót ròng trong cả năm ngoái là 66,88 triệu USD. Tại ngày 17/4, Market Vectors Vietnam ETF có tổng tài sản ròng 508,1 triệu USD, thấp hơn so với mức 515 triệu USD của ngày 11/4.


Tuy nhiên, số lượng CCQ đang lưu hành tiếp tục tăng từ 24.200.000 lên 24.600.000 đơn vị. Giá trị tài sản ròng (N.A.V) tại ngày 17/4 là 20,66 USD/CCQ, thấp hơn so mức 21,29 USD/CCQ tại ngày 11/4. Từ đầu năm đến nay, N.A.V của Market Vectors Vietnam ETF tăng 10,9%.


Cần thay đổi trong cuộc chơi mới


Trên TTCK Việt Nam cũng đang xuất hiện các quỹ ETF mới được xem là những tay chơi giấu mặt xuất sắc trên TTCK Việt Nam từ năm 2013, như: Mutual Fund Elite, Asean Small Cap Fund, AFC Vietnam Fund... Những quỹ không chịu sự ràng buộc chặt chẽ giống như các quỹ ETF, nhưng có hoạt động khá rộng, đầu tư vào những cổ phiếu nhỏ, trung bình, thậm chí là ít thanh khoản.


Hoạt động của các quỹ này khá âm thầm, không phải NĐT nào cũng biết được. Không có những thời điểm ồn ào nhất là các đợt tái cơ cấu danh mục định kỳ thì mới công bố trên các phương tiện truyền thông.


Theo cách hiểu nào đó, thì những "tay chơi" mang tính chuyên nghiệp này về lâu dài sẽ là những thế lực không thể xem thường. Với lượng vài chục triệu USD, âm thầm thâm nhập thị trường Việt Nam, các quỹ này cũng có thể làm lu mờ các hoạt động khác của nhiều quỹ ngoại vốn.


Chiến lược đầu tư của các quỹ mới thể là dài hạn hoặc ngắn hạn, cũng có thể là đầu cơ không chừng, những cơ hội ít bị cạnh tranh hơn, thậm chí là mạo hiểm hơn. Dù đầu tư bằng cách nào đi chăng nữa, điều đó vẫn cho thấy, TTCK năm nay vẫn là kênh đầu tư nổi lên mạnh mẽ nhất.


Thực tế, chứng khoán luôn luôn là một kênh đầu tư hút được dòng tiền lớn nhất, cho dù trong cả những thời điểm bi đát. Dòng tiền có thể ít giao dịch hàng ngày, nhưng vẫn nằm quan sát và thường trực tìm kiếm cơ hội. Một khi TTCK phục hồi sẽ góp phần giải quyết được rất nhiều bế tắc hiện tại, từ thị trường BĐS đến nợ xấu lẫn sự eo hẹp của dòng vốn vào SXKD.


Tuy nhiên, để thị trường thu hút được nhiều NĐT quốc tế lớn hơn nữa, theo ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở GDCK Tp.HCM, cần phải nâng qui mô DN, thị trường thì mới đủ sức thu hút nguồn vốn mới. Hiện tại, phiên giao dịch cao nhất trên thị trường mới chỉ đạt khoảng 300 triệu USD, nhưng những dòng vốn lớn luôn để ý đến những thị trường giao dịch bình quân khoảng 1 tỷ USD/phiên. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với TTCK Việt Nam. Vì vậy, để hấp dẫn hơn nữa, TTCK Việt Nam cần phải thay đổi chính mình để cạnh tranh và thu hút nguồn vốn mới, tạo động lực phát triển bền vững trong tương lai.


Theo Sơn Long


Thời báo kinh doanh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á