Hiện nay, với “sức hấp thụ vốn” của doanh nghiệp yếu thì việc thu hút khách hàng cá nhân là lựa chọn tốt nhất đối với các ngân hàng thương mại để tăng trưởng tín dụng, giải quyết nguồn vốn bị ứ đọng.
Phương án duyệt thủ tục nhanh chóng, lãi suất ưu đãi, tư vấn trực tiếp, hình thức trả lãi, gốc linh hoạt... được xem là động thái tích cực để các ngân hàng "khơi thông" nguồn vốn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đề ra.
Lãi suất hạ
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước quy định, lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn dưới 6 tháng là 7%/năm, nhưng trên thực tế, mức trần này hiện đã bị nhiều ngân hàng thương mại phá vỡ. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng của BIDV là 5,8%, 2 tháng là 6,5%, 3 tháng là 6,75%. Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng của Agribank là 6%, 2 tháng là 6,5%. ACB Bank đưa ra mức lãi suất chung 6,5% cho kỳ hạn 1-3 tháng. Mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng của An Bình Bank là 6,8%... Hàng loạt các ngân hàng như Phương Nam, Sacombank, Lienviet Postbank... có mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 6,2 đến 6,5%/năm.
Về nguyên nhân giảm lãi suất vay, hầu hết các ngân hàng đều lý giải: Đối với Bình Phước, quý 1 nhiều người gửi tiết kiệm do thu hoạch vụ điều, cộng thêm các khoản tiền trước đây mua trái phiếu, tín phiếu được đáo hạn... nên dòng tiền đang "quay lại" hệ thống ngân hàng khá nhiều. Trong khi tình hình kinh tế đang khó khăn, nguồn tiền cho vay - đầu ra bị hạn chế, cung nhiều mà cầu thấp nên các ngân hàng buộc phải cân đối giảm lãi suất huy động, tiết kiệm thêm chi phí đầu vào.
Để tiếp cận được nguồn vốn, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch thiết thực, bảo vệ được dự án của mình với ngân hàng. (Ảnh: Dây chuyền chế biến mủ cao su tiểu điền của một doanh nghiệp ở Bình Phước)- Ảnh: N.Sơn
Dù đồng tình với việc hạ lãi suất huy động, nhưng những cam kết hạ lãi suất cho vay vẫn chưa được các ngân hàng khẳng định, cụ thể hóa và hai bên còn có sự thương lượng về lãi suất khi đến vay. Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho rằng lãi suất cho vay của các ngân hàng trên địa bàn đã giảm tương ứng theo lãi suất huy động. Lãi suất đầu ra đã giảm, nhưng một số ngân hàng vẫn áp dụng lãi suất cho vay cao, nhất là tiêu dùng, hay chưa thể hạ lãi suất cho vay, bởi còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn trước đây phải huy động lãi suất cao.
Doanh nghiệp vẫn khó vay vốn
Nghịch lý là trong lúc ngân hàng đang "thừa" tiền thì các doanh nghiệp vẫn phải ca điệp khúc "thiếu vốn", "khó tiếp cận vốn" mặc dù lãi suất cho vay của các ngân hàng đang giảm theo đà giảm của lãi suất huy động. Ông Nguyễn Dinh, Giám đốc Doanh nghiệp Nguyễn Dinh (Chơn Thành) cho biết, muốn được vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải có hồ sơ tài chính và hoạt động sản xuất - kinh doanh, hồ sơ vay vốn, hồ sơ về tài sản đảm bảo chứng minh khả năng thanh toán nợ... "Doanh nghiệp có thể chứng minh được năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự; chứng minh được mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp; có dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh, dịch vụ... nhưng vướng mắc lớn nhất là hồ sơ về tài sản đảm bảo. Những năm qua, doanh nghiệp làm ăn khó khăn và đã thế chấp bất động sản, xe hơi cho ngân hàng, giờ muốn vay vốn để "vượt khó" tiếp tục sản xuất - kinh doanh thì không ngân hàng nào chấp nhận cho doanh nghiệp dùng hợp đồng, hàng tồn kho làm tài sản thế chấp để đảm bảo cho vay..." - ông Dinh cho biết.
Trước tác động của suy thoái kinh tế, doanh nghiệp được vay vốn cũng khó đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh để trả nợ ngân hàng. Ông Trần Hải, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đồng Xoài cho biết: "Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp chúng tôi đã phải đứng ra vay vốn giúp cho vài doanh nghiệp khác. Nguyên nhân là các doanh nghiệp này không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng do tài sản thế chấp không đảm bảo. Dự án có khả thi đến mấy mà tài sản thế chấp không đảm bảo thì ngân hàng khó chấp nhận".
Đứng ở góc độ ngân hàng, ông Văn Tuấn, nhân viên tín dụng của Ngân hàng Agribank Bình Phước thừa nhận, đúng là hồ sơ xin vay thì nhiều nhưng hồ sơ được duyệt vay rất ít và điều kiện doanh nghiệp khó vượt qua nhất là tài sản đảm bảo. Ông Tuấn cho biết, nhiều doanh nghiệp đề nghị thế chấp bằng hợp đồng xuất khẩu, bằng hàng tồn kho... nhưng những tài sản thế chấp này dễ mang rủi ro cho ngân hàng. Thực tế đã xảy ra trường hợp một kho cà phê được thế chấp nhưng bên trong toàn rác; hoặc đã có doanh nghiệp móc nối với nhân viên bảo vệ kho hàng đánh tráo hàng đã thế chấp cho ngân hàng trong kho... "Quy định của ngân hàng là nhân viên tín dụng phải chịu trách nhiệm cho khoản tín dụng mình đã cấp. Nếu biết doanh nghiệp đã từng có nợ xấu, không còn tài sản như bất động sản, phương tiện có giá trị để thế chấp thì dù có phương án sản xuất - kinh doanh tốt đến đâu, nhân viên tín dụng cũng không dám nhận" - ông Tuấn chia sẻ.
Thêm một khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Đó là thời điểm này ngân hàng vẫn chú trọng đến nguồn vốn cho vay ngắn hạn. Các ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở hạn mức ngắn, trong khi doanh nghiệp lại cần nguồn vốn trung và dài hạn. Như vậy, nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng ứng vốn của ngân hàng chưa thực sự gặp nhau. Bởi vậy, nghịch lý "vốn có, khó vay" cũng là điều dễ hiểu.
Theo Báo Bình Phước - T.Mảng - T.Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét