Không còn cảnh ngân hàng rôm rả tổ chức đại hội cổ đông để khoe lợi nhuận khủng, như những năm trước, các kỳ đại hội cổ đông của ngân hàng giờ “nặng gánh” với những chất vấn: nợ xấu cao, cổ tức hẻo.
Héo hắt
Ngoài chuyện tìm cách trấn an các cổ đông xung quanh câu chuyện lợi nhuận, chiến lược hoạt động… Mùa đại hội cổ đông năm nay ghi dấu ấn đặc biệt khi nhiều ngân hàng thông báo mức cổ tức chia “hẻo”, thấp hơn cả lãi suất tiết kiệm. Thậm chí, có đơn vị xin khất, lùi việc trả cổ tức cho cổ đông khi hoạt động có lãi.
Đợi chờ cả năm nhưng đến kỳ “thu hoạch”, cổ tức không có khiến nhiều cổ đông thất vọng. Những điệp khúc “cổ ức”, “cổ hứa” được nhiều cổ đông nhỏ lẻ nhắc đến khi chất vấn lãnh đạo các ngân hàng.
Tại đại hội cổ đông của ngân hàng An Bình (ngày 23/4), với mức lợi nhuận trước thuế đạt 190,8 tỷ đồng (lãi sau thuế 157,6 tỷ đồng), hội đồng quản trị ngân hàng trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2013 với mức cổ tức 246 đồng/cổ phiếu (2,46%/mệnh giá). Mức cổ tức “hẻo” này, chỉ bằng 1/3 mức cổ tức mà ABBank trả cho cổ đông trong năm trước. Không ít cổ đông cảm thấy thất vọng khi số tiền thu được thấp hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm.
Kinh doanh khó khăn, gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro lớn cũng khiến ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) phải xin ý kiến cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận chia cổ tức (2 tỷ đồng, tương đương 0,05% vốn điều lệ) dưới hình thức lợi nhuận chưa phân phối để hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở tại TPHCM cho biết, việc ngân hàng không chia cổ tức là điều bất đắc dĩ. Ngân hàng cũng như doanh nghiệp (nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng là cổ đông với số tiền góp vào ngân hàng rất lớn) đều muốn được nhận cổ tức từ số tiền mình bỏ ra. Việc kinh doanh không thuận lợi, đặc biệt là với các ngân hàng nhỏ, cộng với gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro lớn, khiến lợi nhuận của ngân hàng không còn bao nhiêu.
Không ít cổ đông tỏ ý không hài lòng khi so việc “nợ” cổ tức với phần thù lao của các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của ngân hàng này (14,17 tỷ đồng).
Đây cũng không phải lần đầu tiên ngân hàng này có mức cổ tức thấp. Tại đại hội cổ đông năm 2013, Southern Bank cũng trình cổ đông thông qua việc chi trả cổ tức năm 2012 ở mức 2,1%. Lãnh đạo Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho hay, tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt 81 tỷ đồng, giảm 88% so với năm 2012. Các chỉ số tài chính đều khá thấp, vì vậy VIB đề xuất tạm không chia cổ tức 2013.
Có mặt trong danh sách những ngân hàng không chia cổ tức hoặc cổ tức thấp có MaritimeBank (trước dự định chia cổ tức 7%), Tiên Phong Bank. Một số ngân hàng thông báo trả cổ tức với mức cực thấp: PGBank (dự kiến trả cổ tức 1% cho năm 2014); MDBank (cổ tức năm 2013 chỉ 1,5% và kế hoạch 2014 là 3,5%). Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Trong khi nhiều ngân hàng lớn “gác” cổ tức hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhiều ngân hàng nhỏ dù lợi nhuận không hẳn đã cao nhưng vẫn khá mạnh tay chia cổ tức khá cao.
Ngân hàng Nam Á cho biết sẽ trả cổ tức ở mức 7% bằng tiền mặt trong khi đại gia Sacombank trả tới 16% (8% bằng tiền mặt).
LienVietPostBank thông báo trả cổ tức 10% tiền mặt trong khi SHB trả 7,5%. Ông lớn Vietcombank thông báo trả cổ tức 12%. Ngân hàng Bảo Việt, dù đang phải đối mặt với việc cựu Tổng giám đốc bị khởi tố, cũng mạnh tay thông qua việc chi trả 1.021 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt (tương đương mức tra cổ tức 15%).
Lỗ nặng vì cổ tức thấp
Trao đổi với PV Tiền Phong, một cổ đông lớn đại diện phần vốn góp 1.000 tỷ đồng tại một nhà băng có trụ sở ở TPHCM cho biết, những năm đầu rót vốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, thị trường đầy sắc hồng, đến kỳ lĩnh cổ tức, ai cũng hoan hỷ. Nhưng những kỷ niệm đẹp đã qua lâu. Gần 3 năm trở lại đây, hoạt động của ngân hàng ngày càng khó khăn. Cổ tức cũng vì thế mà tụt lùi.
“Năm đầu tiên cổ tức khá cao. Năm thứ hai, dấu hiệu khó khăn bắt đầu xuất hiện, cổ tức chỉ nhỉnh hơn lãi suất ngân hàng chút đỉnh. Các cổ đông động viên nhau cố gắng. Giờ thì mệt mỏi rồi. Cổ tức chỉ còn dưới 6%. So với gửi tiết kiệm thì tôi lỗ cả trăm tỷ đồng nhưng cũng chả biết làm thế nào vì thoái vốn không phải dễ dàng”, vị này than.
Theo Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét