Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Đến lúc ra ngoài để quảng bá chứng khoán

Đến lúc ra ngoài để quảng bá chứng khoán


Theo nhiều ý kiến, đẩy mạnh xúc tiến thương mại chứng khoán tại nước ngoài là giải pháp đối với tình hình hiện nay. Nhiệm vụ này được đặt lên vai cơ quan quản lý, nhất là UBCKNN.

432 DN đồng loạt bán vốn trong năm 2014 và 2015, theo Nghị quyết của Chính phủ, có nghĩa rằng bình quân 1 ngày sẽ có hơn một DN thực hiện IPO. Ngoài ra, việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đối với các DN đã cổ phần hóa hoặc đầu tư ra các lĩnh vực ngoài ngành cũng được triển khai nhanh trong thời gian tới. Điều này cũng đồng nghĩa, sẽ có một lượng cung hàng hóa lớn được đưa ra thị trường trong thời gian tới.


TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường (UBCKNN) cho rằng, xét về mặt tích cực, NĐT sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm tốt. Nhưng ngược lại, nếu sức cầu không được cải thiện thì có thể dẫn tới cung vượt cầu và quá trình IPO DNNN không thành công, hoặc giá bán không phản ánh đúng giá trị DN. Vì vậy, IPO đồng loạt DNNN vừa có thể là niềm vui cho NĐT, nhưng kèm với đó là nỗi lo, áp lực của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN và cả cơ quan quản lý.


Với một lượng hàng hóa lớn dự kiến được đưa ra thị trường trong thời gian tới, để tạo cầu đủ hấp thụ trở thành bài toán rất khó đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhất là trong bối cảnh tiềm lực NĐT trong nước còn hạn chế như hiện nay. Vì vậy, theo nhiều ý kiến, đẩy mạnh xúc tiến thương mại chứng khoán tại nước ngoài là giải pháp đối với tình hình hiện nay. Nhiệm vụ này được đặt lên vai cơ quan quản lý, nhất là UBCKNN.


Có ý kiến cho rằng, việc tập hợp và tổ chức cho các DNNN lớn đang chuẩn bị cổ phần hóa như Vietnam Airlines, Tập đoàn Dệt may, Than - Khoáng sản, Tổng công ty Sông Đà… đi xúc tiến thương mại tại một số nước có tiềm lực vốn và công nghệ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc không chỉ là giao lưu hợp tác để chào bán 5-10% cổ phần. Quan trọng hơn, cơ quan quản lý Nhà nước cần giúp các DN này tìm được đối tác chiến lược để bán nhiều hơn 10-20% cổ phần.


DN tốt không sợ ế, NĐT Nguyễn Văn Tuấn nhìn nhận như vậy về triển vọng bán vốn Nhà nước tại DN thời gian tới. Theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP, sau 1 năm chào bán chứng khoán ra công chúng, DN phải niêm yết trên thị trường tập trung. Nhưng cả các chuyên gia và NĐT đều khẳng định, chuyện minh bạch thông tin phải làm ngay, để DN tốt phải thực sự tốt. Không có chuyện xấu bảo tốt làm niềm tin thị trường bị ảnh hưởng. “Tôi có thể là cổ đông suốt đời của DN cũng được, nhưng DN phải được niêm yết để NĐT nắm được các thông tin”, ông Tuấn nói.


Chính vì vậy, nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng bởi với hơn 400 DNNN cổ phần trong thời gian ngắn như vậy, UBCKNN sẽ gặp khó trong việc kiểm tra, kiểm soát công bố thông tin của DN. Tuy nhiên, theo UBCKNN, đơn vị này yêu cầu hai sở giao dịch tính toán sắp xếp lịch cho việc cổ phần hóa hơn 400 DN này, để không thể dồn toa. Đồng thời với việc đăng ký đấu giá, hai sở kết hợp hướng DN sau khi đấu giá xong sẽ gắn với niêm yết, có thể sau 1 tuần, hoặc 1 tháng mà không chờ sau 1 năm. Làm được điều này sẽ rất tốt cho cả DN, Nhà nước và NĐT về tính minh bạch.


UBCKNN cho rằng, với năng lực như hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin có thể cho phép đấu giá 2 - 3 DN/ngày. Tuy nhiên, điều quan ngại nhất vẫn là: đưa ra lượng cổ phiếu nhiều thì liệu có người mua hay không? Có quan điểm cho rằng, không cần thiết là mua hết, miễn bán được. Nhưng có ý kiến cho rằng, nói như vậy cũng chưa ổn. Bởi khi tài sản Nhà nước đưa ra bán, đắt thì không ai mua, nhưng hàng nhiều lo ế lại phải bán bằng mọi giá, dẫn tới mất tài sản Nhà nước. Lúc này, cần phát huy vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, kéo NĐT nước ngoài mua cổ phiếu với giá hợp lý. Đây cũng là một giải pháp giảm áp lực cho DNNN, bởi nếu không đưa ra đấu giá được, Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến.


TS. Nguyễn Sơn cho biết, với vai trò quản lý, UBCKNN đã xây dựng chính sách để tác động vào cầu đầu tư trên thị trường như: gắn quá trình cổ phần hóa với niêm yết trên sàn giao dịch; phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp như quỹ ETF, quỹ hưu trí bổ sung...; sửa đổi các quy định liên quan đến giao dịch của NĐT nước ngoài… Và đó là những giải pháp nền tảng, cho một lộ trình có thể bao gồm bước tiếp thị và xúc tiến đầu tư chứng khoán giai đoạn tới.


Theo Dương Công Chiến


Thời báo ngân hàng




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á