Hai bên đã xác định hướng giải quyết các vấn đề song phương, song còn nhiều việc cần phải làm trước khi đạt được thỏa thuận.
Mỹ và Nhật Bản chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bất chấp những nỗ lực cho đến phút cuối cùng nhằm giải quyết các bất đồng còn tồn tại giữa hai nước trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama rời Tokyo, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du lần này của ông tới châu Á.
Trong tuyên bố chung ngay trước khi Tổng thống Obama rời Nhật Bản sau chuyến thăm cấp nhà nước, cả Washington và Tokyo cho biết đã xác định hướng giải quyết các vấn đề song phương liên quan đến TPP, song còn nhiều việc cần phải làm trước khi đạt được thỏa thuận. Hai nước cam kết sẽ tiến hành các bước đi mạnh bạo cần thiết để hoàn tất thỏa thuận về TPP.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước, mặc dù đã đạt được một số tiến bộ đối với các vấn đề gai góc, song hai nước thừa nhận chưa giải quyết được một số vấn đề "khó," gồm cả vấn đề thuế nhập khẩu thịt bò và thịt lợn của Nhật Bản.
Ông Akira Amari, Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản và hiện là Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, cho hay nước này và Mỹ chưa giải quyết được hoàn toàn vấn đề tiếp cận thị trường nông sản và ôtô, vốn là hai trở ngại lớn nhất trong đàm phán TPP giữa hai nước.
Tuyên bố chung nhấn mạnh Washington và Tokyo kêu gọi tất cả các nước tham gia đàm phán TPP tiến hành các bước đi cần thiết càng sớm càng tốt để đạt được thỏa thuận TPP.
Tuyên bố chung ban đầu dự định được công bố ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 24/4, song Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Barack Obama quyết định lùi thời hạn công bố tuyên bố chung này cho đến trước khi ông Obama rời Tokyo.
Trong tuyên bố chung, Mỹ và Nhật Bản cũng nhấn mạnh sẽ phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn tài chính và kinh tế đa phương để thúc đẩy tự do hóa thương mại và tăng trưởng kinh tế. Hai nước đều coi an ninh năng lượng là nhân tố sống còn để đạt được sự thịnh vượng và ổn định.
Mỹ ủng hộ Kế hoạch năng lượng chiến lược mới của Nhật Bản (trong đó thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình và an toàn, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo), trong khi Nhật Bản hoan nghênh triển vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ trong tương lai.
Cuộc họp toàn thể cấp bộ trưởng về TPP dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 tới tại Singapore, song giới quan sát cho rằng cuộc họp sẽ không thể đạt được tiến triển nào nếu Tokyo và Washington - hiện chiếm khoảng 80% GDP của các nước tham gia đàm phán TPP - không có các bước đi mạnh mẽ hơn nữa trong việc giải quyết các bất đồng. Theo Bộ trưởng Amari, hai nước cũng chưa đưa ra được thời hạn cụ thể cho việc đạt được thỏa thuận này.
Trong chuyến công du châu Á kéo dài một tuần, Tổng thống Obama sẽ tới Malaysia, cũng là một đối tác tham gia đàm phán TPP. Tuy nhiên, phía Malaysia trước đó cho hay nước này không chờ đợi việc đạt được một thỏa thuận TPP tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Malaysia. Hai bên hiện vẫn bất đồng về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và cải cách các doanh nghiệp nhà nước.
Đến nay, tiến trình đàm phán TPP đã kéo dài 3 năm với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Các bên hy vọng một khi được ký kết, hiệp định này sẽ giúp xóa bỏ phần lớn các rào cản thương mại, đảm bảo quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ.
Với các mục tiêu trên, TPP được coi là hiệp định thương mại đa phương tham vọng nhất khi vòng đàm phán Doha về tự do thương mại toàn cầu vẫn chưa có tiến triển, cho phép đặt ra “tiêu chuẩn cao” trong việc loại bỏ thuế quan và rào cản phi thuế quan vốn là những nguyên nhân hạn chế tăng trưởng.
Đối với Mỹ, TPP sẽ giúp nước này tạo thêm nhiều việc làm và là một thành tố quan trọng trong chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Uyên Linh
Báo đầu tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét