Tự mình sa lầy vào chứng khoán, bầu Thụy vô cùng chật vật mới thoát ra khỏi lĩnh vực "nóng" này.
Sa lầy chứng khoán
Đầu năm 2011, thời điểm cả nền kinh tế đối mặt muôn vàn khó khăn. Trong đó, chứng khoán là ngành chịu thiệt hại nặng nề. Hàng loạt công ty công bố kết quả kinh doanh với khoản lỗ khủng. Dù không lao đao nhưng Cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Chứng khoán Vincom (VincomSC) phải chứng khoán từng đồng lợi nhuận hao hụt mạnh.
Đứng trước tình cảnh này, nhiều cổ đông lớn của VincomSC đua nhau "tháo chạy". Đầu tiên là Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và thành viên hội đồng quản trị nối tiếp nhau bán hàng chục tới hàng trăm ngàn cổ phiếu VIX. Đỉnh điểm là tới cuối tháng 2/2011, VIC, cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Chứng khoán Vincom tuyên bố thoái toàn bộ 22,5 triệu cổ phiếu tương đương 75% vốn.
Chỉ sau đó 2 tháng, VIX tuyên bố 7 cổ đông lớn hoàn tất thoái toàn bộ 75,54% vốn. Thời gian đầu, dư luận băn khoăn không biết ai là người "hứng" VIX. Rất nhanh sau đó, ông chủ mới của VIX lộ diện. Những cổ đông mua lại cổ phần VIX là những lãnh đạo của Tập đoàn Xuân Thành.
Tháng 4/2011, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), ông chủ của Tập đoàn Xuân Thanh chính thức tiếp quản VIX và đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành. Mã chứng khoán vẫn được giữ nguyên là VIX. Ban đầu, bầu Thụy chỉ mua vào 7,14 triệu cổ phiếu VIX tương ứng với 23,8% vốn.
Nhưng tham vọng với VIX của bầu Thụy không chỉ dừng lại ở đó. Chỉ trong nửa đầu năm 2012, sau nhiều lần mua vào với khối lượng lớn, bầu Thụy sở hữu tới 81,5% vốn của VIX. Động thái mua vào của bầu Thụy khiến công ty chứng khoán Xuân Thành phát mệt vì liên tục phải đi giải trình cổ phiếu VIX có chuỗi ngày tăng trần ấn tượng.
Mặc dù thời gian đầu bầu Thụy rất tự tin với quyết định của mình. Thế nhưng, quyết định này sớm được chứng minh là sai lầm. Thương vụ thâu tóm VIX được giới chuyên gia đánh giá là không hiệu quả khi bầu Thụy phải gánh khoản lỗ khủng.
1 năm gắn bó với VIX, bầu Thụy chứng kiến VIX lỗ tới 51,2 tỷ đồng trong năm 2012. Dù trước đó, công ty này lập kế hoạch lãi 39,7 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu giảm 24% năm 2011. Nếu không có khoản hoàn nhập 94,2 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán, số lỗ của VIX đã đạt tới trăm tỷ đồng.
Khác với sự tự tin ban đầu, chỉ sau 1 năm nếm "trái đắng" cùng VIX, bầu Thụy đã muốn buông khi đăng ký bán hết số cổ phần.
Chật vật "thoát xác"
Tháng 3/2013, bầu Thụy đăng ký bán 24,45 triệu cổ phiếu VIX, tương ứng 81,5% vốn. Tại thời điểm đó, nếu tính theo thị giá của VIX là 8.300 đồng, quy mô thoái vốn của bầu Thụy đạt hơn 200 tỷ đồng. Chỉ riêng việc bán ra cổ phiếu, bầu Thụy đã chịu tổn thất không nhỏ.
Tuy nhiên, bầu Thụy không có cơ hội chịu tổn thất vì ông không thoái vốn thành công. Đợt đầu, bầu Thụy chỉ bán được 2,2 triệu cổ phiếu và "ế" tới 22,25 triệu cổ phiếu. Vậy là bầu Thụy buộc phải gắn bó với VIX thêm một thời gian nữa.
Năm 2013 sau khi sử dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", chứng khoán Xuân Thành đã có lãi. Nhưng điều đó không đủ để giữ chân ông bầu ưa ồn ào. Cuối tháng 3 năm nay, bầu Thụy lại một lần nữa tỏ rõ thái độ muốn rút hoàn toàn khỏi chứng khoán khi công bố bán toàn bộ 22,25 cổ phần "ế" từ năm 2013. Giao dịch dự kiến diễn ra từ 31/3 đến 30/4/2014.
Lần này, bầu Thụy có vẻ may mắn hơn. Bầu Thụy thoái vốn trong thời điểm cổ phiếu chứng khoán hưng phấn, đua nhau vượt qua sự suy giảm của thị trường để tăng mạnh. Ngay trong ngày đăng ký bán đầu tiên, bầu Thụy có thể đã thoái vốn thành công.
Mặc dù Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chưa công bố về thay đổi sở hữu của VIX nhưng dựa vào diễn biến trên sàn Hà Nội, nhà đầu tư có thể dễ dàng dự đoán bầu Thụy đã thực sự "thoát xác" khỏi công ty chứng khoán Xuân Thành.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 31/3, khối lượng giao dịch thỏa thuận trên sàn Hà Nội tăng vọt, đạt hơn 28 triệu cổ phiếu, tương ứng 458,75 tỷ đồng. VIX là mã được trao đổi nhiều nhất khi khối lượng mua bán đạt 22,25 triệu đơn vị, tương ứng 235,85 tỷ đồng.
Số cổ phiếu VIX giao dịch đúng bằng với số cổ phiếu bầu Thụy đăng ký bán. Nếu tất cả không phải cổ phiếu của bầu Thụy thì vẫn có thể khẳng định phần lớn trong 22,25 triệu cổ phiếu kể trên đã từng nằm trong tài khoản của bầu Thụy.
Giao dịch khá thành công khi bên bán bán được mức giá khá cao 10.600 đồng/CP. Giá đạt được ở thời điểm đóng cửa là 10.300 đồng/CP. So với tháng 2/2013, mức chênh lệch giá trị cổ phiếu VIX là gần 36 tỷ đồng.
Hiện tại, vẫn cần thông báo từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Công ty chứng khoán Xuân Thành để chính thức xác nhận bầu Thụy đã thoái vốn thành công ở VIX. Thế nhưng, dù chưa có văn bản kể trên, nhà đầu tư vẫn tin rằng người bán 22,25 triệu cổ phiếu kể trên không phải ai khác ngoài bầu Thụy.
Theo VTC News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét