Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

49 CTCK 'đánh' cổ phiếu TCM

49 CTCK 'đánh' cổ phiếu TCM


Cổ phiếu TCM của Công ty CP Dệt May Thành Công được đánh giá là doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại Đại hội cổ đông diễn ra ngày 29/3, tại Tp.HCM, có danh sách của 49 công ty chứng khoán (CTCK) và hàng chục quỹ đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này. Điều đó chứng tỏ khối tự doanh các CTCK rất kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng đột biến của doanh nghiệp, nhưng thị trường thật khó biết trước.

Trong năm 2013, đúng là doanh thu của TCM có tăng đạt 2.554 tỷ doanh thu và 123 tỷ lợi nhuận sau thuế (vượt 37%). Một trong những đóng góp quan trọng vào kế hoạch này là nhu cầu đặt hàng từ Eland (đối tác chiến lược của TCM) và khách hàng Trung Quốc tăng lên 38%. Tỷ suất lợi nhuận của các đơn hàng này cũng cao nhất trong số các khách hàng của TCM trong năm 2013.


Đánh lên đỉnh...


Đây chính là nguyên nhân khiến TCM trở thành cổ phiếu đáng chú ý nhất trong năm 2013 (tăng 240%) và trong quý I/2014 (tăng gần 50%). Chỉ đến những phiên giao dịch gần đây cổ phiếu này mới bước vào đợt điều chỉnh giảm, hết kỳ vọng tăng tiếp.


Trong danh sách cổ đông có đầy đủ "anh tài" các công ty lớn như SSI, HSC, Bản Việt, VNDS… kể cả Chứng khoán Tràng An dù đã ngưng hoạt động, đến chứng khoán nước ngoài như KIS, Mirae Asset và SBBS.


Lý giải cho sức hút của TCM từ mức lỗ 30 tỷ năm 2012 đã bật tăng mạnh mẽ khi tỷ suất lãi gộp của TCM từ 7% lên gấp đôi lên 14%. Cổ phiếu có đối tác chiến lượng là Eland (Hàn Quốc) gần như thâu tóm và nắm giữ khoảng 43%, nên toàn bộ ban điều hành đều là người Hàn Quốc. Theo đó, các đơn hàng, giao dịch có giá tốt hơn cũng từ đối tác chiến lược E Land tăng lên.


TCM hiện nhập khẩu khoảng 50% bông từ Mỹ, phần còn lại chủ yếu từ châu Phi để sản xuất sợi phục vụ xuất khẩu và dệt vải. Trong đó, 20% số vải thành phẩm sẽ được bán cho các công ty trong nước, 80% còn lại TCM sử dụng để sản xuất sản phẩm may mặc để xuất khẩu.


Lợi nhuận của TCM phụ thuộc nhiều vào giá bông nhập khẩu do bông chiếm phần lớn chi phí nguyên liệu. Mấy năm trước, khi giá bông biến động mạnh, doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ nghiêm trọng, cổ phiếu về sát mức đáy cực thấp chỉ vài nghìn đồng/cổ phiếu.


Năm 2013, TCM phải đã thay đổi phương thức mua hàng trên thị trường bông từ giao sau phần lớn sang giao ngay. Do vậy, TCM đã thoát lỗ và có lãi, NĐT kỳ vọng doanh nghiệp này sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định TPP sẽ được ký kết trong năm 2014. Hiệp định này sẽ tạo ra đột biến với ngành dệt may Việt Nam, trong đó TCM là công ty trong ngành đang niêm yết được hưởng nhiều lợi thế nhất.


Kỳ vọng vào TPP


Hơn nữa, TCM là một trong số ít các công ty dệt may Việt Nam có chuỗi sản xuất khép kín từ nhập bông, sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm, may và xuất khẩu sản phẩm. Điều này giúp TCM đáp ứng được yêu cầu "Nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi" trong TPP mà các công ty Mỹ đưa ra nhằm hạn chế cạnh tranh của hàng dệt may từ Việt Nam.


Toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt, nhuộm và cắt may phải được thực hiện tại các nước thành viên TPP. Từ đó các sản phẩm dệt may được hưởng thuế suất 0%, so với mức 17-20% hiện nay. Thực tế, khoảng 80% nguyên liệu ngành may Việt Nam đang được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc... (không phải thành viên TPP), do đó Việt Nam chỉ đề xuất nguyên tắc "cắt và may".


Các CTCK nắm giữ cổ phiếu này dù giá đã tăng rất cao nhưng vẫn kỳ vọng cổ tức là 12% sau khi đã trích đến 65% lợi nhuận phân phối vào các quỹ dự phòng tài chính, khen thưởng phúc lợi... Năm 2014, công ty đặt mục tiêu 2.822 tỷ đồng doanh số (tăng 11%) và 164 tỷ lợi nhuận (tăng 33%).


Theo ban lãnh đạo TCM, dự kiến quý 1/2014, công ty đạt 632 tỷ doanh thu đạt 23% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng (cao hơn 16%năm ngoái). Trong thời gian tới, TCM sẽ đầu tư thêm nhà máy may, dệt và nhuộm khoảng 30 triệu USD tại Vĩnh Long nhằm nâng công suất lên cao.


Hiện năng lực sản xuất hiện của TCM là 21.000 tấn sợi, 7 triệu m2 vải và 18 triệu sản phẩm mỗi năm. Theo hợp đồng thỏa thuận, các sản phẩm dệt may bán cho khách hàng liên quan đến Eland trị giá 478 tỷ bằng 18% tổng doanh số.


Nếu chỉ tính sản phẩm dệt may (khoảng 50% tổng doanh số), thì Eland chiếm khoảng 37%. Ngoài ra, công ty cũng nhập khẩu khoảng 103 tỷ đồng nguyên vật liệu từ các công ty liên quan đến Eland. Tuy vậy, năm ngoái, mức doanh số bán hàng này chỉ khoảng 197 tỷ đồng, chiếm chưa tới 10% trong tổng doanh thu của TCM.


Tổng dự án đầu tư trong 4 năm, trong đó 2014 đầu tư nhà máy may công suất 26 chuyền, 1.500 công nhân, 10 triệu sản phẩm/năm, đến 2015 sẽ đầu tư nhà máy may với công suất như vậy, 2016 đầu tư nhà máy đan kim 6.000 tấn/năm, 2017 đầu tư nhà máy 12.000 tấn/năm.


Công ty đang theo dõi giá bông thế giới, cân nhắc việc lựa chọn tỷ lệ mua bông ở thị trường tương lai hay hiện tại. Thời gian qua, TCM đã mua bông thấp hơn giá thị trường nên hy vọng lợi nhuận từ ngành sợi sẽ cao hơn các năm trước.


Trong lĩnh vực sợi, lợi nhuận chỉ từ 7 - 9% là khá thấp, nhưng TCM thu lại từ sản phẩm áo rất cao nên có thể bù đắp cho sản phẩm sợi. Nếu Hiệp định TPP được ký kết trong năm nay sẽ là cơ hội để có bước nhảy cao hơn và xa hơn. Theo đó, các sản phẩm áo của TCM sẽ đạt 100 triệu USD/năm, vải 50 triệu USD/năm.


Tuy nhiên, nếu TPP được thông qua cũng phải mất 1 - 1,5 năm để triển khai, buộc TCM phải tìm khách hàng mới để phát triển.


Sơn Long


Stockbiz




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á