Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 5,5%

Tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 5,5%


Đó là đánh giá của TS Võ Trí Thành tại Hội thảo "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững thị trường trái phiếu Việt Nam" do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức – GIZ phối hợp với HNX tổ chức.

Dưới góc nhìn chuyên gia tư vấn chính sách vĩ mô, TS Thành cho rằng kinh tế vĩ mô Việt Nam có thay đổi căn bản từ quá trình hội nhập, nhất là khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO từ năm 2007. Theo đó, từ 2007-2011, tăng trưởng GDP giảm tốc từ trung bình 7,8%/năm của giai đoạn 2001 – 2006 xuống còn trung bình 6,5%/năm. Đầu tư và thương mại được mở rộng nhưng kinh tế xuất hiện tình trạng bất ổn nghiêm trọng, thâm hụt ngân sách cao, thậm hụt thương mại và tài khoản vãng lai tương đối lớn.


Lạm phát tăng mạnh, lên trên 20%/năm. Từ năm 2012 đến nay kinh tế vĩ mô đã dần ổn định, nhưng tỉ lệ tăng trưởng thấp. Theo TS Võ Trí Thành, kinh tế Việt Nam đang chịu đồng thời bất ổn về cơ cấu kinh tế và cả bất ổn kinh tế vĩ mô (khả năng chống sốc của nền kinh tế suy giảm). Thể hiện rõ ràng nhất là lạm phát tuy giảm nhanh xuống dưới 7%, tỉ giá tương đối ổn định nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh rất khó khăn.


Các DN khó tiếp cận vốn, sản xuất kinh doanh của DN trong nước đình trệ tại nhiều lĩnh vực mặc dù xuất khẩu tăng trưởng tốt, thị trường BĐS còn đóng băng, khối nợ xấu và nợ xây dựng cơ bản khổng lồ. Do vậy, TS Võ Trí Thành khuyến nghị Chính phủ tiếp tục chính sách “lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô” với mục tiêu duy trì lạm phát thấp, tăng trưởng tín dụng 2014-2015 giữ khoảng 15%/năm. Đồng thời triển khai mạnh mẽ các giải pháp phục hồi tăng trưởng nhưng hạ lãi suất, xử lý nợ xấu, giải ngân gói 30.000 tỉ cho nhà ở xã hội.


Còn với quan điểm của chuyên gia tài chính tiền tệ, TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) – đánh giá thị trường tài chính tiền tệ đã có nhiều thay đổi đáng kể. Lấy mốc so sánh năm 2011 với lạm phát trên 20%, dự trữ ngoại tệ từ 23 tỉ USD xuống 7 tỉ USD, khủng hoảng thanh toán ở các NHTM, đồng tiền Việt Nam mất giá, cán cân thanh toán thâm hụt 10 tỉ USD. Đến hiện tại, lạm phát chỉ hơn 6%, dự trữ tăng trở lại 27 tỉ USD, tỉ giá ổn định, lãi suất giảm mạnh, cán cân thanh toán thặng dư 5 tỉ USD.


Như vậy, theo TS Lê Xuân Nghĩa, tăng trưởng GDP năm 2014 có thể đạt 5,7% và lên mức 6,3% vào năm 2015 còn lạm phát sẽ duy trì được ở mức 7%. Dự báo này của TS Lê Xuân Nghĩa khá sát với mục tiêu thực hiện của Chính phủ. Tuy nhiên, để đạt được những chỉ tiêu kinh tế đó trong năm 2014 – 2015, vị chuyên gia này đề nghị Chính phủ phải có chính sách trung hạn tổng thể, tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế với 3 nhóm chính là ngân hàng, DNNN và nông nghiệp.


“Riêng với DNNN cần giảm mạnh số lượng, đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn kinh doanh ra khỏi ngành chính, thậm chí bán bớt tài sản; đồng thời tăng cường giám sát và minh bạch hoạt động tài chính” – TS Lê Xuân Nghĩa phát biểu.


Sự cải thiện của kinh tế vĩ mô được phản ánh rõ nét hơn trên thị trường trái phiếu. Tổng giá trị niêm yết hiện tại đạt 521 nghìn tỉ đồng, tăng 28% so với năm 2012. Quy mô thị trường tương đương 16,2% của GDP năm 2012. Theo lãnh đạo UBCK, thanh khoản của thị trường cũng tăng mạnh cho thấy thị trường trái phiếu đang dần lấy lại sức hút. Hiện nay trung bình mỗi phiên giao dịch 1.257 tỉ đồng, tăng 90% so với 2012. Nếu tình hình kinh tế vĩ mô 2014-2015 tiếp tục cải thiện, chắc chắn kênh đầu tư trái phiếu sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn.


Dù với góc nhìn từ chuyên gia hay cơ quan quản lý thị trường vốn thì Chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để phục hồi đà tăng trưởng của nền kinh tế như lựa chọn đầu tư công, khuyến khích thu hút FDI, cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ các công cụ hành chính thay bằng công cụ điều tiết thị trường...


Theo Lao Động




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á