Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Khi con sếp lại làm sếp...

Khi con sếp lại làm sếp...


Không giống như cha mẹ đi lên từ hai bàn tay trắng, thế hệ doanh nhân "cô chiêu cậu ấm" 8x, 9x có điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển sự nghiệp: Một doanh nghiệp lớn đã được dựng sẵn, chỉ chờ họ sắn tay áo và làm cho nó lớn mạnh hơn...

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là con đường sự nghiệp của những doanh nhân này luôn trải đầy hoa hồng. Định hướng con vào nghiệp kinh doanh và leo dần lên các vị trí lãnh đạo nhưng để yên tâm khi giao khối tài sản hàng nghìn tỷ vào tay hậu duệ, nhiều đại gia đã âm thầm lập lộ trình để người kế cận học tập, tích lũy kinh nghiệm và vốn sống từ những thử thách.


Được đào tạo bài bản


Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đồng Tâm và là Chủ tịch KienLongBank cho biết, ông không có quan niệm cho con học cao mà quan trọng nhất là phải va chạm thực tế thì việc học mới tốt được. Nhiều khi việc dừng rồi học tiếp là cần thiết.


Con trai ông Thắng là Võ Quốc Lợi cũng đã tốt nghiệp loại ưu một trường đại học danh tiếng ở Mỹ nhưng khi về nước bắt đầu công việc với một chức vụ khá thấp là nhân viên pháp chế tại phòng Pháp chế của Ngân hàng Kiên Long.


Còn ông Trần Mộng Hùng, một trong những người sáng lập Ngân hàng ACB đã có sự chuẩn bị khá chu đáo cho người con trai Trần Hùng Huy để có thể kế nghiệp ngân hàng của mình.


Trước khi nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ACB từ cuối năm ngoái, ông Hùng Huy đã có những thành tích học tập nổi bật như tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ) năm 2002 và bảo vệ xong luận án tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate (Mỹ) năm 2011.



Khởi đầu, ông Huy vào làm việc tại ACB với chức danh chuyên viên nghiên cứu thị trường, khi đó, cha ông là Trần Mộng Hùng vẫn là Chủ tịch HĐQT. Hai năm sau, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Marketing. Giữ cương vị này 4 năm, ông Huy được giao vị trí Phó Tổng giám đốc rồi thành viên Hội đồng Quản trị ACB.


Năm nay 35 tuổi, với 11 năm kinh nghiệm làm việc tại ACB, ông Huy đã trải qua nhiều biến động lớn ở nhà băng này. Trong đó, có việc cha ông rời vị trí Chủ tịch HĐQT năm 2008 hay sự góp mặt của bầu Kiên trong việc quản lý và cuộc khủng hoảng tin đồn trước đó.


Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE lại chọn một phương pháp đào tạo "hậu duệ" khác là cho con đi học hỏi "người ngoài" trước khi về lãnh đạo công ty. Cả hai người con của bà là Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh và Nguyễn Ngọc Thái Bình đều được cho đi du học ở những trường đại học danh tiếng của Mỹ, rồi khởi nghiệp tại ngân hàng HSBC trước khi về làm việc tại REE.


Nhìn vào con đường sự nghiệp của các "thiếu gia, tiểu thư", có thể thấy họ thường được cha mẹ chuẩn bị khá kỹ lưỡng, từ việc cho con mình một nền giáo dục tốt, rồi bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất, học cách tiếp xúc, va chạm thực tế, trước khi được đưa lên đảm nhiệm những vị trí cao hơn.


Cần nhiều yếu tố để thành công


Không giống với cha me, những người đi lên từ hai bàn tay trắng, thế hệ doanh nhân thứ 2, thứ 3 có lợi thế hơn khi được học hành bài bản, có một nền tảng vô cùng vững chắc do cha mẹ dựng nên, được dìu dắt bởi những người có vài chục năm lăn lộn trên thương trường, những mối quan hệ xã hội mà cha mẹ họ truyền lại...


Tuy nhiên, chỉ riêng những điều này thôi thì sẽ không thể bảo đảm sự thành công về lâu dài. Bởi kinh doanh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ đam mê, sự nỗ lực, kinh nghiệm thực tế, sự nhạy bén với thị trường và cả may mắn. Những điều này, không phải ai cũng có...


Đối với những doanh nhân trẻ này, ngoài việc phải nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thì việc phấn đấu vượt qua cái bóng quá lớn của cha mẹ, và tạo cho mình một dấu ấn riêng cũng gây áp lực vô cùng lớn và đòi hỏi họ luôn phải nỗ lực, học hỏi không ngừng.


Trần Thúy- NDH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á