Các ngân hàng đang bước vào một cuộc đua khá quyết liệt nhằm tìm kiếm đầu ra cho khoảng 40.000 – 50.000 tỉ đồng vốn tín dụng trong tháng cuối cùng của năm 2013, trong bối cảnh doanh nghiệp “ngại” vay tiền.
Một tháng tăng bằng năm tháng
Những ngày gần đây, ngày nào tổng giám đốc công ty may túi xách Minh Tiến (Miti) Nguyễn Trí Kiên, cũng nhận được cả chục cuộc điện thoại, tin nhắn của nhân viên tín dụng các ngân hàng chào vay vốn. “Trừ một, hai ngân hàng thương mại nhà nước, danh sách mời gọi không thiếu ngân hàng nào, kể cả nhiều trường hợp Miti chưa từng có quan hệ tín dụng, giao dịch. Ngân hàng nào cũng giới thiệu thủ tục đơn giản, lãi suất hấp dẫn, khuyến mãi tùm lum”, ông Kiên kể. Tuy nhiên, đến nay, Miti vẫn chưa có kế hoạch vay đồng vốn nào, dù doanh nghiệp đang xây dựng thêm một phân xưởng sản xuất tại Móng Cái, Quảng Ninh. Ông Tiến cho biết: “Dù thị trường có thể cho phép Miti nâng gấp đôi quy mô hiện tại, song chúng tôi cũng chỉ mở rộng từ từ, vì ngán vay quá rồi. Giờ có tiền tới đâu, xài tới đó”.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh nhãn hàng thời trang nữ, tại Hà Nội cho biết, cứ mỗi ngày, mở mắt ra, doanh nghiệp phải lo trả gần 5 triệu đồng chỉ riêng tiền lãi suất ngân hàng. Lãi suất giảm mạnh giúp khoản chi phí này có giảm đi chút ít, nhưng vẫn là một gánh nặng lớn, bởi sức mua mặt hàng thời trang vẫn yếu. Dù lượng hàng sản xuất của doanh nghiệp đã phải giảm gần 30% so với năm ngoái, song hiện vẫn tồn kho hơn 40.000 hàng. “Dịp tết năm nay, chúng tôi không tăng đơn hàng, phần vì tồn kho còn lớn, phần khác mùa đông năm nay về chậm, được dự báo rét ít, quần áo ấm tiêu thụ rất chậm. Thế nên chúng tôi không vay mới, chỉ lo trả nợ cũ”, vị tổng giám đốc chia sẻ.
Miti và doanh nghiệp may mặc nói trên là một trong số nhiều trường hợp ngại ngần với vay vốn ngân hàng, và đây là một trong những lực cản lớn với nỗ lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống. Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng, không nhất thiết phải đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, song thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khá tự tin khi cho rằng, mục tiêu đặt ra cả năm vẫn có thể đạt được, bởi thông thường, tín dụng tăng trưởng mạnh nhất trong quý 4 (riêng quý 4/2012 tăng trưởng tới 6,01%). Quả thực, báo cáo cập nhật tình hình kinh tế mới nhất của Chính phủ cho biết, tính đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 9%, trong khi báo cáo của thống đốc Nguyễn Văn Bình trước Quốc hội hồi giữa tháng 11, chỉ tiêu này tính đến cuối tháng 10 mới đạt 7,18%. Như vậy, chỉ trong tháng 11, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 2,82%, tương đương tốc độ tăng trưởng của năm tháng đầu năm 2013!
Sỉ, lẻ cùng đua sức
Để đảm bảo mục tiêu như dự tính của của người đứng đầu ngân hàng Nhà nước, tháng cuối cùng của năm này, các ngân hàng sẽ phải lo tìm đầu ra cho 40.000 – 50.000 tỉ đồng và đây sẽ là một thách thức không nhỏ. Cùng với việc ồ ạt tung ra các gói tín dụng ưu đãi như gói “Mùa vàng kinh doanh” nhắm tới các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất 8,5%/năm của Oceanbank; chương trình ưu đãi lãi suất còn 8,2% của Techcombank; gói tín dụng siêu ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh mùa lễ hội cuối năm của MB, lãi suất xấp xỉ 7%/năm…; các ngân hàng cũng nỗ lực tìm kiếm, khai thác các hợp đồng tài trợ giá trị lớn, dù có thể những hợp đồng này, lãi suất cho vay vốn rất thấp. Như ngân hàng Vietinbank đã ký cam kết dành 15.000 tỉ đồng tín dụng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long với lãi suất ưu đãi phục vụ các doanh nghiêp, hộ nông dân trong khu vực. Ngay tại hội nghị về thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực này tổ chức ngày 25 – 26.11, Vietinbank đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 1.000 tỉ đồng với tổng công ty Phát điện 1 – EVN. Cũng tại hội nghị này, ngân hàng Agribank đã ký hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng tín dụng với hai doanh nghiệp là tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) 1.500 tỉ đồng và công ty cổ phần Gò Đàng 100 tỉ đồng. Ngân hàng Eximbank mới đây cũng tìm kiếm được một khách hàng lớn là tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin với hợp đồng tín dụng được ký kết 1.500 tỉ đồng. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ì ạch, những hợp đồng tín dụng lớn kể trên là một nỗ lực không nhỏ.
Nhiều ngân hàng tìm cách thay đổi cách thức tiếp thị, bán hàng. Ngày 29.11, ngân hàng ACB đã tổ chức hội nghị khách hàng giới thiệu giải pháp tài chính cho nhóm khách hàng ngành dược, y tế, trong đó có việc hỗ trợ vay bổ sung vốn lưu động, vay đầu tư để mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh với mức lãi suất hấp dẫn. Ngân hàng HDBank ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn mua ôtô, thời gian ưu đãi lên đến 60 tháng với lãi suất 10,99% khi mua xe cho nhu cầu đi lại và 11,99% nếu mua xe để kinh doanh. Ngân hàng Bản Việt cho khách hàng vay thanh toán chi phí du học, nhận/chuyển tiền qua Western Union, chuyển tiền ra nước ngoài… và mua ngoại tệ tại ngân hàng từ 5.000 USD trở lên sẽ được giảm 0,05% so với bảng giá niêm yết. Đặc biệt như ngân hàng Navibank, ngày 23.11 vừa qua tổ chức Roadshow qua các tuyến phố chính tại TP.HCM, nhằm tiếp thị các sản phẩm dịch vụ tới các tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương cũng như khách mua sắm tại chợ. Các ngân hàng VPBank, Sacombank thúc đẩy cho vay thông qua dịch vụ thẻ…
THẢO NGUYỄN
Theo SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét